Gần 10 năm trước, tôi khăn gói từ Quảng Ngãi vào TP.HCM chinh phục ước mơ giảng đường, rồi ở lại tìm việc làm. Ngần ấy thời gian thuê phòng trọ, chưa bao giờ tôi ngừng mong muốn có được tổ ấm của riêng mình.
Vẫn còn một nửa khát khao
Tốt nghiệp CĐ ngành dược, có việc làm phù hợp, tôi đã giúp cha mẹ được mãn nguyện. Dẫu vậy, với tôi đó mới chỉ như một nửa mục tiêu đề ra lúc nhập học. Phần còn lại không gì khác hơn nguyện vọng có một tổ ấm của riêng mình.
Chợt nhớ lại hồi nhỏ, có lần tôi cùng nhóm bạn nghịch ngợm bắt một tổ chim chích chòe, với bốn chú chim non mang về nuôi. Khỏi phải nói cũng hình dung được chim bố, chim mẹ vừa giận dữ vừa tiếc thương con và “tổ ấm” như thế nào. Cả hai hết nhảy xung quanh nơi “nhà” cũ lại bay về nhà tôi kêu gào khẩn thiết đòi lại con. Thuở ấy, tôi nào đã hiểu gì ý nghĩa của tổ chim và đàn con thơ với đôi vợ chồng chim kia. Tôi đâu biết rằng mình vừa phá hoại “ngôi nhà”, đồng thời chia rẽ tình cảm của chim bố mẹ với bầy con vô tội.
|
Tác giả Huỳnh Đỗ Mừng chăm sóc cây xanh trong căn phòng nhỏ của mình. |
Những năm tháng ở trọ, nhiều đêm trằn trọc nhớ lại ngày xưa tôi thực sự ân hận. Bao loài chim chóc dù bay lượn cả ngày vẫn có chỗ đi về, muông thú kiếm ăn rồi cũng về tổ nghỉ ngơi. Day dứt với lỗi lầm trước đây, tôi càng thấm thía tầm quan trọng của ngôi nhà trong cuộc sống mỗi con người.
Bác Trần Thị Lan - chủ nhà rất tốt với chúng tôi, tình cảm không khác gì ruột thịt. Tuy rằng cho thuê phòng trọ để có thu nhập, bác vẫn động viên tôi: “Sau này cháu còn có vợ con nữa, hãy cố gắng phấn đấu để mua được nhà!”.
Cũng nhờ vậy nên tôi miệt mài làm việc, dành dụm, tiết kiệm những đồng lương dù còn khiêm tốn. “Tích cốc phòng cơ”, trải qua đợt dịch COVID-19 căng thẳng năm 2021, nhiều người tạm trú phải hồi hương, tôi nhận thấy rằng cần có của để dành và xa hơn là nghĩ đến việc mua một căn hộ và thổi hơi ấm vào nó. Với tôi, TP này chính là nơi đất lành chim đậu.
Nâng niu tổ ấm
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin Chính phủ và TP.HCM đang nỗ lực xúc tiến xây nhà ở xã hội cho người lao động, đã có tác dụng động viên tinh thần chúng tôi. Tôi và bạn gái đang cùng nhau tích lũy để về lâu dài hy vọng có thể mua được căn hộ nhà ở xã hội làm nơi an cư. Nay khát khao đó đang được tiếp sức thêm từ cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ”…
Khi ấy, tôi sẽ chăm chút tổ ấm bằng tất cả những gì mình có. Dù là căn hộ nhỏ, diện tích khiêm tốn nhưng tôi sẽ làm cho nó trở nên giá trị hơn mà vẫn ít tốn chi phí.
Tôi dự định bài trí căn nhà theo phương châm xanh - sạch - đẹp. Vừa có tính thẩm mỹ lại vừa thân thiện với môi trường. Phần ban công tôi sẽ tận dụng tối đa không gian để trồng cây xanh, làm vườn hoa trên không như “vườn treo Babylon”. Sử dụng những loài cây, hoa gồm: điệp, phong lan, trầu bà… treo trên cao làm đẹp cho ngôi nhà, từ những block bên cạnh hoặc đứng dưới đất đều có thể chiêm ngưỡng.
Nền ban công tôi sẽ trồng rau sạch, tạo nguồn thức ăn cho gia đình đồng thời tăng thêm chất xanh dịu mát, giảm bớt diện tích bê tông khô cứng.
Nội thất tôi cũng đề cao tính giản dị, dùng chất liệu thân thiện với môi trường, sẽ không thiếu mảng xanh, đặt những chậu cây cảnh phù hợp với phong thủy của tôi và vợ tương lai.
Nhà nhỏ nhưng hạnh phúc lớn! Đó sẽ là nơi kết nối các thành viên trong gia đình. Tôi cũng sẽ trân trọng tình cảm với hàng xóm, cộng đồng trong chung cư. Sáng Chủ nhật mời hàng xóm sang nhà uống ly trà nóng ngắm hoa, tâm sự, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, giúp thắt chặt hơn tình nghĩa của những người cùng lập nghiệp xa quê.
Mặt bằng rộng rãi của sân chung cư, tôi sẽ thường xuyên rắc lúa gạo cho chim sẻ, bồ câu thoải mái đến thưởng thức. Cũng là cách để tôi chuộc lại phần nào sai lầm ngày trước.
Có tổ ấm, tôi có điều kiện cống hiến nhiều hơn
Năm nay tôi 28 tuổi và đã quyết định chọn TP.HCM là quê hương thứ hai. Nguyện ước có được căn hộ một phần xuất phát từ ân tình của tôi với TP này. Tôi muốn được làm nhiều việc ý nghĩa tri ân những người đã cưu mang mình và không còn phải bận tâm vì chưa có nhà riêng.
Rất nhiều người lao động khác cũng đang ao ước như tôi. Chúng tôi rất mong ước mơ này có thật, đó là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Nhiều người từ các tỉnh, thành đến đây với hai bàn tay trắng, giờ đã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, con cái đi học để phát triển bản thân. Điều chúng tôi cần lúc này không gì khác hơn việc chia tay cảnh thuê nhà, trả tiền ở trọ hằng tháng. Có nhà riêng, đời sống bớt vất vả, đồng nghĩa với việc tôi có điều kiện đóng góp cho sự phát triển của TP được nhiều hơn.
Thời điểm giãn cách xã hội năm ngoái, tôi tham gia đội ngũ tình nguyện viên, cùng lực lượng chức năng trực ở chốt kiểm soát dịch bệnh tại trạm thu phí Long Phước (TP Thủ Đức), trên cao tốc TP.HCM - Long Thành. Lúc rảnh rỗi tôi đi tặng nhu yếu phẩm đến những người tạm trú cùng cảnh ngộ. Được góp một phần nhỏ trong thành quả chống dịch, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, có được tổ ấm đúng nghĩa để có điều kiện cống hiến nhiều hơn nơi TP tôi yêu!
|
Anh Huỳnh Đỗ Mừng tham gia đội ngũ tình nguyện viên chống dịch COVID-19, tặng nhu yếu phẩm cho người dân tại phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TP.HCM. |
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ”
Từ ngày 1-7, bạn đọc trẻ của báo Pháp Luật TP.HCM gửi bài viết tham dự cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ” sẽ có cơ hội được trao tặng một căn hộ trị giá gần 1 tỉ đồng khi đạt giải cao nhất của cuộc thi.
Đây là cuộc thi viết do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Tập đoàn CT Group tổ chức.
|
Người đoạt giải cao nhất cuộc thi sẽ được tập đoàn CT Group tặng căn hộ thuộc brand Diyas trị giá gần 1 tỉ đồng. |
Với slogan “Cùng người trẻ kiến tạo cuộc sống”, cuộc thi tạo sân chơi cho các bạn trẻ thoải mái thể hiện khát khao kiến tạo cuộc sống hiện đại, giàu cảm hứng qua việc viết và thiết kế ngôi nhà mơ ước, tổ ấm yêu thương trong tương lai.
Đối tượng tham gia: Là công dân Việt Nam, độ tuổi từ 22 đến 35 (tính đến thời điểm gửi bài dự thi), hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM; có khát khao và kế hoạch sinh sống, làm việc lâu dài, cống hiến cho sự phát triển của TP.HCM trong tương lai. Người tham gia thuộc diện chưa có nhà ở, đồng thời cũng không có sở hữu bất kỳ bất động sản nào tại TP.HCM hoặc các tỉnh, thành khác…
Người tham gia sẽ trải qua ba vòng thi: Vòng 1: Viết lại giấc mơ; Vòng 2: Hoạ hình giấc mơ; Vòng 3: Chinh phục giấc mơ.
Giải thưởng:
5 giải thưởng chính gồm:
+ Một giải Đặc biệt: Một căn hộ thuộc brand Diyas do CT Group trao tặng
+ Một giải I: 40.000.000 đồng
+ Một giải II: 25.000.000 đồng
+ Một giải III: 15.000.000 đồng.
+ Hai giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải.
Các giải thưởng phụ:
+ Giải bài viết xuất sắc của tháng: 3.000.000 đồng/giải (mỗi tháng sẽ chọn ra tối đa 2 bài viết xuất sắc nhất).
+ Giải ý tưởng “họa hình giấc mơ” (vòng thi số 2) được bạn đọc bình chọn nhiều nhất trên mạng xã hội: 5.000.000 đồng.
+ Giải “nhà thiết kế đồng hành”: 6 giải dành cho 6 nhóm sinh viên tham gia tư vấn, hỗ trợ cho các thí sinh tương ứng với các giải thưởng của các thí sinh, gồm:
+ Một giải Đặc biệt: 10.000.000 đồng.
+ Một giải I: 5.000.000 đồng
+ Một giải II: 3.000.000 đồng.
+ Một giải III: 2.000.000 đồng.
+ Hai giải Khuyến khích: 1.000.000/giải.
+ Ngoài ra, các sinh viên tham gia sẽ được nhận giấy chứng nhận của Ban tổ chức.
Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, cách thức tham gia cuộc thi, thành phần ban giám khảo cuộc thi… bạn đọc vào website của cuộc thi tại địa chỉ toamtoimo.plo.vn.
Trân trọng mời bạn đọc tham gia cuộc thi!
BAN TỔ CHỨC CUỘC THI "TỔ ẤM TÔI MƠ"