Vaccine Pfizer/BioNTech chứng minh hiệu quả cao ở Israel

Theo hai nghiên cứu của các nhà khoa học Israel, vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược Pfizer (Mỹ) hợp tác với công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) phát triển tạo ra hiệu quả rõ rệt khi giảm mạnh tỉ lệ lây nhiễm COVID-19, hãng tin Reuters cho hay.

Theo nghiên cứu do Bộ Y tế Israel và Pfizer, vaccine Pfizer/BioNTech giúp giảm 89,4% nguy cơ nhiễm COVID-19. Trong đó, số trường hợp nhiễm bệnh và biểu hiện thành triệu chứng giảm tới 93,7%.

Kết quả của nghiên cứu này được trang tin Ynet (Israel) đăng hôm 18-2 và Reuters tiếp cận được báo cáo nghiên cứu vào ngày 19-2. Báo cáo chưa được công bố trên các tạp chí khoa học.

Một nghiên cứu khác do các chuyên gia thuộc Trung tâm Y tế Sheba - bệnh viện lớn nhất Israel - tiến hành trên 7.214 nhân viên y tế được tiêm ngừa COVID-19 bằng vaccine mang tên BNT162b2 của Pfizer/BioNTech đã được công bố trên tạp chí The Lancet hôm 18-2. 

Một người Israel tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một cơ sở thuộc mạng lưới Clalit. Ảnh: REUTERS

Theo đó, trong 15-28 ngày sau khi các nhân viên y tế trên được tiêm chủng, vaccine giúp giảm 85% các trường hợp nhiễm COVID-19 và biểu hiện thành triệu chứng. Nếu tính cả số trường hợp không có triệu chứng nhưng dương tính với virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19), vaccine giúp giảm 75% số ca nhiễm bệnh.

Dù chỉ là số liệu ở quy mô quốc gia, kết quả trên được cho là có độ đáng tin cao do Israel là nước có chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 quy mô nhất thế giới, cũng như cơ sở dữ liệu y tế của quốc gia này cũng được xếp vào hàng tiên tiến nhất thế giới.

Giáo sư sinh học phân tư Michal Linial (làm việc tại Đại học Hebrew ở TP Jerusalem, khu vực do Israel kiểm soát) nói rằng kết quả nghiên cứu cho thấy việc lây nhiễm đã giảm mạnh.

“Điều đó có nghĩa là việc tiêm chủng không chỉ bảo vệ từng cá nhân đã được tiêm vaccine mà còn giúp bảo vệ những người xung quanh họ” - bà Linial nhấn mạnh.

Dù vậy, các nhà khoa học thống nhất rằng cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định chắc chắn hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 cũng như triển vọng chặn đứng đại dịch toàn cầu này.

Trước đó, hôm 14-2, Clalit - mạng lưới dịch vụ y tế lớn nhất Israel - công bố kết quả so sánh nguy cơ nhiễm COVID-19 giữa 600.000 người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine Pfizer/BioNTech với một nhóm đối chứng không được tiêm chủng, theo chuyên trang Pharmaceutical Technology.

Theo đó, vaccine giúp giảm 94% tỉ lệ nhiễm bệnh và biểu hiện thành triệu chứng, trong khi nguy cơ tình trạng bệnh chuyển biến nặng giảm 92%. Clalit còn cho biết hiệu quả của vaccine là tương đương nhau ở các độ tuổi khác nhau và việc tiêm chủng đã làm giảm đáng kể số ca nhiễm COVID-19 phải nhập viện.

Israel được đánh giá là nước đã “thần tốc” tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Theo Phaumaceutical Technology, Israel đã triển khai ít nhất 6,7 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19 với 47% dân cư đã được tiêm ít nhất một mũi. Hơn 31% người dân Israel đã được tiêm đủ hai mũi vaccine, riêng với nhóm người từ 70 tuổi trở lên thì tỉ lệ này là gần 90%.

Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, tính đến ngày 19-2, nước này đã phát hiện hơn 744.500 ca nhiễm COVID-19, bao gồm hơn 5.500 trường hợp đã tử vong. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm