LÒ THUỐC SÚNG BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN - BÀI CUỐI

Ván bài chính trị của Triều Tiên

Các số báo trước đã dẫn chứng trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên hiện nay sẽ không bên nào đủ dũng cảm sử dụng giải pháp quân sự phát động chiến tranh phủ đầu. Dù vậy, gần đây CHDCND Triều Tiên (còn gọi là Triều Tiên) đã gia tăng mức độ đe dọa rất đáng lo ngại. Vì sao?

Liên tục đe dọa trả đũa

Ngày 23-1, Hội đồng Bảo an LHQ đã lên án vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Sau đó ngày 12-2, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần ba. Hội đồng Bảo an LHQ tiếp tục ra Nghị quyết 2094 gia tăng trừng phạt Triều Tiên.

Tình hình bán đảo Triều Tiên bắt đầu căng như dây đàn. Triều Tiên liên tục đưa ra tuyên bố đe dọa trả đũa.

- Vài giờ trước khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 2094, Triều Tiên đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu đối với Mỹ.

- Ngày 8-3: Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ hiệp định đình chiến năm 1953 và cắt đường dây nóng với Hàn Quốc.

- Ngày 11-3: Hàn Quốc và Mỹ tập trận thường niên. Hôm sau, ông Kim Jong-un chỉ thị lấy đảo Baengnyeong làm mục tiêu đầu tiên.

- Ngày 20-3: Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã điều động một pháo đài bay B-52 đến Hàn Quốc tập trận. Hôm sau, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng tấn công căn cứ Mỹ ở Nhật và đảo Guam.

- Ngày 26-3: Quân đội Triều Tiên nhận chỉ thị sẵn sàng chiến đấu.

- Ngày 30-3: Triều Tiên tuyên bố đặt đất nước trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc.

Ván bài chính trị của Triều Tiên ảnh 1

Ngày 12-4, những người yêu chuộng hòa bình biểu tình trước Bộ Ngoại giao ở Seoul kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sang Triều Tiên đàm phán hòa bình. Ảnh: REUTERS

Đe dọa mang ý nghĩa gì?

Chuyên gia Paik Haksoon ở Viện Nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) lưu ý trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông Obama, theo yêu cầu của Mỹ, Triều Tiên hoàn toàn không có hành động khiêu khích nào. Vậy lần này thái độ đe dọa của Triều Tiên mang ý nghĩa gì?

Trong công trình nghiên cứu công bố hồi năm ngoái, nhà nghiên cứu Vito D’Orazio ở ĐH Pennsylvania (Mỹ) đã sử dụng số liệu thống kê để chứng minh rằng các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ trong nhiều năm qua không làm thay đổi mức độ khẩu chiến hay hoạt động quân sự của Triều Tiên.

Ông Olivier Guillard, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (Pháp), nhận định đây không phải lần đầu Triều Tiên dùng ngôn từ đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự trong khẩu chiến. Tuy nhiên, lần này điểm mới là khẩu khí đe dọa có mạnh hơn.

Triều Tiên muốn được lắng nghe

Đầu tiên, có nhiều yếu tố bên ngoài thúc đẩy Triều Tiên nâng cao mức độ đe dọa như Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết gia tăng trừng phạt đối với Triều Tiên, Hội đồng Nhân quyền LHQ lập ủy ban điều tra về Triều Tiên, Hàn-Mỹ tập trận chung.

Kế tiếp, chuyên gia Cheong Seong-chang ở Viện Nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) nhận định Triều Tiên muốn các bên liên quan lắng nghe.

Các mục tiêu cơ bản của Triều Tiên gồm: 1/ Thay thế hiệp định đình chiến bằng hiệp ước hòa bình; 2/ Phải bảo đảm được an ninh từ phía Mỹ; 3/ Bình thường hóa quan hệ với Mỹ, yếu tố then chốt để nhận viện trợ nước ngoài.

Các mục tiêu cơ bản này đã được Triều Tiên đưa ra từ những năm 1970 khi khởi động chương trình hạt nhân dân dụng với sự trợ giúp của Liên Xô cũ. Thế nhưng như chuyên gia Park Hyeong-jung ở Viện Nghiên cứu về Thống nhất đất nước Triều Tiên (Hàn Quốc) ghi nhận, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo mới lên cầm quyền ở Trung Quốc (Tập Cận Bình), Hàn Quốc (Park Geun-hye), Nhật (Shinzo Abe), Mỹ (John Kerry), không nhà lãnh đạo mới nào đề ra chính sách rõ ràng đến bán đảo Triều Tiên.

Mỹ-Hàn làm lơ

Mỹ đánh giá Triều Tiên không tôn trọng các cam kết đã hứa nên từ chối tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán. Tổng thống Park Geun-hye không thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử là cắt đứt chính sách đối đầu của người tiền nhiệm Lee Myung-bak và tiến hành xây dựng bầu không khí tin cậy lẫn nhau giữa hai miền Triều Tiên.

Triều Tiên đã đưa ra yêu cầu hợp lý khi muốn thay thế hiệp định đình chiến bằng hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, nếu hiệp ước hòa bình được ký kết, quân đội Mỹ phải rút khỏi Hàn Quốc. Đây là hậu quả mà Mỹ không mong muốn.

Thực sự từ lâu Triều Tiên đã tuyên bố không tuân thủ hiệp định đình chiến năm 1953. Từ năm 1991, Triều Tiên không còn tham gia các phiên họp của các ủy ban thi hành hiệp định đình chiến. Năm 1968, Triều Tiên bắt giữ tàu gián điệp Pueblo của Mỹ. Năm sau, Triều Tiên ngăn chặn một máy bay thám thính Mỹ (31 người chết).

Đối với Hàn Quốc, hải quân Triều Tiên đã chạm trán nhiều lần ở Hoàng Hải trong những năm 1999, 2006, 2009. Năm 2010, tàu Cheonan của Hàn Quốc trúng ngư lôi chìm xuống biển (46 người chết). Sau đó đến vụ bắn pháo sang đảo Yeonpyeong (bốn người chết).

Bày tỏ thái độ với Trung Quốc

Động thái đe dọa của Triều Tiên không chỉ nhắm đến Mỹ và Hàn Quốc mà còn thể hiện thái độ khẳng định chủ quyền đối với Trung Quốc.

Về lịch sử, 700.000 quân tình nguyện Trung Quốc đã chiến đấu bên cạnh quân đội Triều Tiên trong chiến tranh Triều Tiên (năm 1950-1953). Hơn 100.000 người Trung Quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến này, trong đó có Mao Ngạn Anh, con trai của Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Đối với Triều Tiên, Trung Quốc là đồng minh lớn, đối tác thương mại lớn nhất, nguồn cung cấp viện trợ chủ yếu về nhân đạo, vũ khí và xăng dầu. Đối với Trung Quốc, Triều Tiên là vùng đệm giữa Trung Quốc với Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ.

Trung Quốc và Triều Tiên có biên giới chung dài 1.300 km. Nếu Triều Tiên sụp đổ, làn sóng người tị nạn sẽ tràn ngập các tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Dù vậy, trong thời gian gần đây, do trong nội bộ của Trung Quốc có nhiều ý kiến bất đồng nên Trung Quốc giữ khoảng cách với Triều Tiên. Hồi tháng 2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từng triệu hồi đại sứ Triều Tiên đến để phản đối về vụ thử hạt nhân lần thứ ba.

▲▲▲

Tóm lại, Triều Tiên nỗ lực thúc đẩy thái độ đe dọa lên cực điểm để các bên liên quan quay trở lại bàn đàm phán thương thảo theo luật chơi do Triều Tiên chủ động. Dù vậy như chuyên gia Cho Han-bum ở Viện Nghiên cứu về Thống nhất đất nước Triều Tiên (Hàn Quốc) nhận định cộng đồng quốc tế đã không phản ứng như Triều Tiên mong đợi.

Bình Nhưỡng ra điều kiện đàm phán

Ngày 18-4, Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên và Ủy ban Thống nhất hòa bình tổ quốc Triều Tiên thông báo ra điều kiện chỉ đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc khi hai nước này:

● Chấm dứt các cuộc tập trận chiến tranh hạt nhân đang diễn ra ở Hàn Quốc và xin lỗi vì đã tiến hành tập trận. Rút vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc và khu vực, đồng thời cam kết không tái triển khai.

● Hội đồng Bảo an LHQ phải rút lại các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên.

Sau đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã bác bỏ các điều kiện trên. Hôm trước đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi Triều Tiên xem xét nghiêm túc đề nghị đối thoại của Hàn Quốc về tương lai của khu công nghiệp liên Triều Kaesong.

Cùng ngày, đài truyền hình NHK (Nhật) đưa tin bộ trưởng Quốc phòng Nhật thông báo chỉ thị sẵn sàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu tên lửa bay vào lãnh thổ Nhật sẽ có hiệu lực đến tháng 7-2013.

Trong khi đó, ngày 17-4 (giờ địa phương), báo cáo trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về chuyến thăm Đông Á vừa rồi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh Trung Quốc là chìa khóa để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông nói Mỹ, Nga, Hàn Quốc và Nhật đang thuyết phục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để thúc ép Triều Tiên thay đổi thái độ.

Ông bác bỏ thông tin báo chí nói trong chuyến thăm Trung Quốc, ông đã đề nghị Trung Quốc tác động Triều Tiên, đổi lại Mỹ sẽ giảm hệ thống phòng thủ của Mỹ ở châu Á.

HOÀNG DUY - LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm