Ván bài tố của tổng thống Palestine

Ngày 19-9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đến New York (Mỹ) để chuẩn bị dự phiên họp của Đại hội đồng LHQ. Theo dự kiến, Đại hội đồng LHQ sẽ họp vào ngày 20-9 theo giờ địa phương.

Ngay khi đến New York, Tổng thống Mahmoud Abbas đã tiếp kiến Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon với tư cách cá nhân.

Ông thông báo ngày 23-9, Palestine sẽ chính thức đệ đơn yêu cầu LHQ công nhận Palestine là nước thành viên LHQ.

Dự kiến trong ngày 20-9, Tổng thống Mahmoud Abbas sẽ tiếp xúc với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy để trao đổi về yêu cầu của Palestine.

Hôm trước đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé lo ngại bạo lực sẽ xảy ra nếu yêu cầu của Palestine được chấp thuận.

Tổng thống Mahmoud Abbas đã tỏ rõ quyết tâm thực hiện ước mơ Palestine là nước thành viên LHQ bất chấp mọi sức ép từ Mỹ và Israel.

Ván bài tố của tổng thống Palestine ảnh 1

Biếm họa của họa sĩ Palestine RAMZY TAWEEL. Chữ trong ảnh: Palestine UN seat = ghế của Palestine tại LHQ; veto = quyền phủ quyết.

Cùng ngày 19-9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đề nghị được đối thoại trực tiếp với Tổng thống Mahmoud Abbas tại phiên họp Đại hội đồng LHQ. Thủ tướng Netanyahu cũng tiếp tục kêu gọi Palestine khôi phục đàm phán trực tiếp giữa Israel-Palestine thay vì đệ đơn lên LHQ.

Phiên họp ngày 18-9 của nhóm bộ tứ về Trung Đông (gồm LHQ, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ) cũng vẫn ủng hộ giải pháp khôi phục đàm phán trực tiếp Israel-Palestine.

Theo Hiến chương LHQ, nước muốn gia nhập LHQ phải gửi yêu cầu bằng văn bản cho tổng thư ký LHQ. Sau đó, tổng thư ký LHQ sẽ chuyển ngay cho Hội đồng Bảo an LHQ.

Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức cho 15 nước thành viên bỏ phiếu tiến cử. Kế tiếp, Đại hội đồng LHQ sẽ phê chuẩn đề nghị của Hội đồng Bảo an LHQ với tỉ lệ phiếu thuận của 2/3 trong 193 nước thành viên LHQ.

Nếu yêu cầu của Palestine không qua được cửa của Hội đồng Bảo an LHQ, Palestine vẫn có thể đi đường vòng qua Đại hội đồng LHQ.

Đại hội đồng LHQ sẽ thay đổi quy chế của Palestine từ nước quan sát viên mà Palestine đã thụ hưởng từ năm 1998 thành quy chế nước không thành viên như Vatican hiện nay.

Muốn đạt được điều đó, Palestine chỉ cần đa số phiếu tại Đại hội đồng LHQ chứ không cần đa số 2/3. Theo tính toán của đoàn đại biểu Palestine tại LHQ, sẽ có 130-150 nước ủng hộ Palestine. Trong trường hợp Palestine chọn “giải pháp Vatican”, Palestine sẽ soạn thảo yêu cầu và yêu cầu sẽ được thông qua 48 giờ sau khi đệ đơn.

Ngày 19-9, trước khi tiếp xúc với Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động ngoại giao cực kỳ căng thẳng để ngăn chặn quyết định đơn phương gia nhập LHQ của Palestine. Bà cho biết Mỹ không chỉ tiếp xúc với các bên trực tiếp có liên quan mà cả các bên liên đới và Đại hội đồng LHQ. Bà nói: “Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng cách thức duy nhất để tìm giải pháp cho hai nước là thông qua đàm phán”. Trước đó, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố Mỹ sẽ sử dụng quyền phủ quyết để bác đơn của Palestine tại Hội đồng Bảo an LHQ.

HOÀNG DUY - ĐĂNG KHOA (Theo AFP, THX, Jerusalem Post, BBC)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm