Giáo sư Trần Văn Khê hơn nửa đời người mới trở lại quê nhà

Nhớ ngôi nhà tuổi thơ

Ai trong đời khi được sinh ra và lớn lên không có những ký ức tuổi thơ bên mái ấm gia đình. Giáo sư Trần Văn Khê cũng vậy. Ông đã đưa chúng ta trở về một thời tươi đẹp, hồn nhiên, hạnh phúc nhất của tuổi thơ.

/Uploaded/nguyenty/2015_06_13/gskhe_VGGM.jpg

GS-TS-Viện sĩ Trần Văn Khê - Ảnh tư liệu

Giáo sư hồi tưởng: "Nhớ nhất vẫn là căn nhà thời thơ ấu. Với người Việt, nhà quan trọng lắm và thương yêu vô cùng! Nhà không phải là một hình thức vật chất có tường, có nóc, mà nhà mang giá trị tinh thần gắn bó với phần đời, phần hồn của mỗi con người. Người Việt Nam có câu “an cư lạc nghiệp”. Khi con người trưởng thành, chẳng những “nên danh nên phận” mà còn phải “nên cửa nên nhà” đó sao?

Cuộc đời dâu bể, bôn ba, tôi từng trải qua nhiều nơi ở nhưng khi nói về căn nhà thời thơ ấu là nước mắt cứ rưng rưng… Căn nhà ấu thơ của tôi nghèo lắm, lợp lá, mái tranh, vách tre nứa. Sau nhà là cây mận và mấy khóm xương rồng. Anh em tôi đi học xa, mỗi lần về nhà lại viết lên lá xương rồng những lời thương yêu, nhắn nhủ, nhắc nhở, những câu thơ, văn vụng về. Lá khô đi nhưng những dòng chữ vẫn nguyên vẹn, đứa này về lại đọc được lời nhớ của đứa kia gửi lại.

Căn nhà đó cũng là nơi lần đầu tiên cho tôi hiểu thế nào là sức mạnh của nghệ thuật Cha tôi thuở đó là một danh cầm và cũng có một số bạn đồng điệu. Khi nào có cô Sáu Ngọc ở làng Kim Sơn đến Vĩnh Kim, ca bài Tứ Đại Oán mà Ba tôi đờn kìm dây Tố Lan phụ hoạ, thì đông đảo người làng đến nghe chật nhà. Tiếng ca hay quá, mọi người mê mãi nghe đến độ… quên cả việc họ đang dựa vào bức vách tre, đến làm đổ vách!!! Tôi ngạc nhiên về sức hấp dẫn của dòng nhạc dân gian.

Cũng trong căn nhà đó, tôi hiểu thế nào là sanh li tử biệt, là tình cảm ruột thịt thân thương. Tôi nhớ rõ dáng ông nội tôi. Ông cháu thương nhau lắm, đến nỗi, khi ông mất đi, tôi đứng bên bàn thờ khóc suốt ba ngày. Gia đình bắt buộc phải gởi tôi lên Sài Gòn cho nguôi nhớ. Nhà đó cũng là nơi cũng là nơi tôi chứng kiến sự chào đời của đứa em trai: Trần Văn Trạch. Cả thời ấu thơ anh em tôi làm gì cũng chung với nhau: từ khi ăn, lúc ngủ, thậm chí lúc đi… cầu tiêu.!! Cũng tại nhà đó tôi đã tiễn cha và sau đó là Cô Ba tôi về nơi chín suối, với nỗi đau xé lòng không sao tả xiết…

Theo tôi, nếu như căn nhà giầu đẹp, nhưng chỉ đơn thuần là tường, là mái, là khối vật chất, thì sẽ không đủ để được gọi là nhà. Trong văn hóa, nghệ thuật ngoại hình phải đi đôi với nội dung, có xác, thì phải có hồn. Những căn nhà đã mang lại và lưu giữ từng phần hồn của cuộc đời tôi cũng như tất cả dĩ vãng của tôi. Tôi nhớ thương dĩ vãng, nhưng không nuối tiếc với dĩ vãng. Tôi chỉ vui sống với hoàn cảnh hiện tại và cảm thấy rất hạnh phúc" (Theo NLĐ).

"Vui sao nước mắt lại trào"

/Uploaded/nguyenty/2015_06_13/1_RKUA.jpg

Ngón đờn nổi tiếng khắp thế giới của GS-TS-Viện sĩ Trần Văn Khê - Ảnh tư liệu

Mong ước cuối đời của con người nổi tiếng khắp thế giới đã đi 67 nước chỉ để nói chuyện duy nhất về âm nhạc dân tộc Việt Nam như giáo sư Trần Văn Khê là có một căn nhà để lưu trữ toàn bộ gia sản mà ông tích cóp được. Gia sản đó là những cuốn sách được ông nâng niu, chắt chiu gìn giữ về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ước nguyện của giáo sư đã thành hiện thực khi TP.HCM tặng giáo sư ngôi nhà 200m2trên con đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh.

Giáo sư Trần Văn Khê tâm sự: "Tôi luôn mong ước được về Việt Nam, có một ngôi nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi để làm việc. Đó là nơi tập trung và giữ gìn những tư liệu mà cả đời tôi gom góp được, để sau này cho thế hệ trẻ Việt Nam đến xem, để các bạn có thể đối thoại với các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới" (Theo NLĐ).

Buổi sinh hoạt âm nhạc định kỳ tại nhà giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: Nguyễn Á
Buổi sinh hoạt âm nhạc định kỳ tại nhà giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: Nguyễn Á

Người Việt Nam quan niệm: "Sống có nhà, thác có mồ", ước nguyện về nguồn có căn nhà đã thành hiện thực đối với giáo sư Trần Văn Khê là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Tâm huyết, nhiệt huyết về nền âm nhạc dân tộc từ nay đã có nơi lưu giữ và trường tồn cho hậu thế mai sau.

Nơi lưu niệm đầy ấp tính nhân văn

Ngôi nhà số 32, Huỳnh Đình Hai, phường 14, quận Bình Thạnh hiện nay đã lưu trữ toàn bộ 450 kiện hàng sau 4 năm nằm im trong một căn phòng tại Bảo tàng TP.HCM. Cũng nói thêm rằng, để có một di sản đồ sộ ấy, giáo sư Trần Văn Khê đã tự bỏ ra 10.000 USD lo chi phí vận chuyển số tư liệu 450 kiện hàng chất đầy 1 container, gồm: sách báo, tạp chí, băng đĩa, máy móc, nhạc cụ… mà phần nhiều là những tư liệu quý giá về âm nhạc dân tộc Việt Nam và thế giới.

Giáo sư Trần Văn Khê hơn nửa đời người mới trở lại quê nhà ảnh 4

Một góc kho băng - đĩa của GS Trần Văn Khê. Ảnh: SGGP

Những cuốn sách về âm nhạc, nhạc cụ dân tộc Việt Nam; những đĩa hát gốc từ những thập kỷ và thế kỷ trước; những băng nhạc cùng vô số máy chụp hình, máy ghi âm và máy nghe nhạc… mà ông đã từng sử dụng trong thời gian 2 năm ông làm báo và thật cảm động khi nhìn thấy gần 100 cuốn sổ tay lớn nhỏ được ông ghi chép trong những lần đi công tác, giảng dạy hoặc được mời tham gia những buổi hòa nhạc, xem phim, thậm chí là những buổi gặp gỡ bạn bè thân tình, những chuyện trao đổi thật riêng tư… Ngoài ra còn có những tấm thiệp nhỏ, hộp diêm bé xíu, mảnh giấy có thủ bút của những người nổi tiếng, như: Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Phạm Duy…

GS Trần Văn Khê chia sẻ trên SGGP: “Gần 100 cuốn sổ tay tôi gọi là cuốn du ký và tôi quý lắm. Đi đến đâu tôi đều ghi lại đầy đủ và giữ từ tấm thiệp mời, thư từ của bạn bè, trong đó có cả thực đơn khi đi ăn cùng bạn bè, tôi giữ lại và đưa họ ký vào để làm kỷ niệm. Số sách báo có cái sưu tầm phục vụ nghiên cứu, giảng dạy; có cái tôi mua để xem chơi, nhưng là tài liệu rất tốt cho những ai muốn tìm hiểu về âm nhạc của thế giới. Mỗi cây đàn ở đây đều có “lịch sử” riêng…”.

Giáo sư Trần Văn Khê và ca nương Phạm Thị Huệ - Ảnh: T.T.D.
Giáo sư Trần Văn Khê và ca nương Phạm Thị Huệ - Ảnh: T.T.D.

Ở tuổi 95, giáo sư Trần Văn Khê biết "mệnh trời" nên ông đã lập di nguyện của mình, rằng: "khi tôi vĩnh viễn ra đi, lúc ấy ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê”... Riêng tiền phúng điếu thì ban tang lễ có thể sử dụng số tiền này để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam".

Chắc chắn rằng những tinh hoa của nền âm nhạc Việt Nam mà giáo sư Trần Văn Khê tâm huyết cả cuộc đời gìn giữ được đưa từ Pháp về Việt Nam sẽ là kho báu vô giá để mọi người yêu thích có nơi đến đọc, nghiên cứu... sẽ trở thành hiện thực như di nguyện của giáo sư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm