Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thương nhớ mối tình 50 năm

Nhưng ở tuổi xế chiều, ông hoài niệm với bóng hình của người vợ đã chung sống cùng ông hơn 50 năm.

Gần đây có một số thông tin cho biết nhạc sĩ (NS) Nguyễn Văn Tý đang sống những ngày tuổi già trong cảnh nghèo khó, cô quạnh. Nhận được thông tin trên, nhiều người hâm mộ đã tìm đến nhà thăm ông.

Mỗi lần có khách đến thăm, ông vui và linh hoạt. Ông bảo con rể dìu ông ra phòng khách chuyện trò. Ông thường nhầm lẫn hoặc không nhớ nhiều về những chuyện hiện tại và quá khứ gần. Ký ức ông đầy ắp những câu chuyện thời tuổi trẻ. Đặc biệt, ông luôn bày tỏ sự thương nhớ khôn nguôi người vợ quá cố Bạch Lê, người đã có cùng ông bao nhiêu kỷ niệm đẹp để từ đó ông cho ra đời những bản nhạc hay mà ít ai biết tới lịch sử của nó.

Giận người yêu, ra rừng ngồi chờ hổ ăn thịt

NS Nguyễn Văn Tý bắt đầu kể về cuộc tình với bà Bạch Lê bằng câu chuyện về NS Nguyễn Văn Thương. “Anh Thương thoát ra vùng tự do Liên khu 4 cùng với em gái Bạch Lê. Nhờ quen biết với anh Thương, tôi nhanh chóng làm quen với Bạch Lê, dù lúc này ở Liên khu 4 rất nhiều người để ý em. Em đã từng là hoa hậu tỉnh Quảng Bình. Nhưng anh Thương có ý giúp đỡ tôi bằng cách nhắn nhủ với em: “Ngoài tê có thằng Tý đẹp trai và nhiều tài vặt lắm…”. Một lần tôi xin phép anh Thương đưa Bạch Lê về thăm nhà tôi ở Thanh Chương, anh liền đồng ý. Bạch Lê về thấy nhà tôi chỉ là túp lều tranh nhưng cô không chê cảnh nghèo mà càng quý mến mẹ và các em tôi. Tôi rất cảm động. Chúng tôi càng gắn bó khi cùng công tác chung trong đoàn văn công Liên khu 4 (1952), anh Thương là trưởng đoàn.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cùng người vợ Bạch Lê thời mới yêu nhau. (Ảnh tư liệu của nhân vật)

Có những lúc giận nhau, đêm tôi thường bỏ vào rừng vắng. Tôi tìm một gốc cây ngồi, định để cho hổ ăn thịt. Mọi người trong đoàn không thấy tôi thì cầm đen pin đi tìm loang loáng cả góc rừng. Lúc nào Bạch Lê cũng tìm được tôi trước tiên vì cô biết chỗ tôi thường ngồi. Khi thấy tôi, cô giơ tay vuốt tóc tôi ướt đẫm sương đêm, thế là tôi trở thành người ngoan ngoãn theo cô về. Để ghi lại kỷ niệm này, sau này tôi đã viết bài Sương khuya.

Tôi nhớ nhất kỷ niệm với Bạch Lê là chuyến đi phục vụ dân công hỏa tuyến. Có hôm đoàn chúng tôi đóng ở bên này sông, tôi được phân công sang sông làm một việc quan trọng. Như linh tính gì đó, Bạch Lê đưa tôi ra tận bến đò. Đò vừa sắp cập bến thì máy bay địch ập tới thả bom napal. Khói lửa đỏ trời. Tôi may mắn lao được xuống hào. Khi về lại lán, cảnh tượng tang thương diễn ra trước mắt, người chết cháy, người bị thương nằm lớp lớp. Tôi bàng hoàng, đau xót thì nghe tiếng gọi của Bạch Lê. Thì ra cô vẫn dõi theo tôi từng bước khi qua đò. Sau này, đến năm 1994, nhớ lại kỷ niệm này, tôi đã viết bài Là tình yêu mãi mãi để tặng Bạch Lê. Bài hát có những câu: “Em còn nhớ hay quên, bao năm tháng dẫu qua rồi nhưng tất cả là cuộc đời, là tình yêu mãi mãi”…Đến năm 1953 thì chúng tôi làm lễ cưới ở Nam Đàn (Nghệ An).

“Con sáo sang sông”

“Khi về già, nghe tin con gái Thái Linh đang ở Tây Đức sinh đôi hai con gái, bà nhà tôi đùng đùng đòi đi lo cho con gái cho bằng được. Nhưng trước khi đi, có chuyện này làm cho tôi cứ mãi suy nghĩ. Nhà tôi trồng được hai cây đu đủ. Cây đã lớn cao quá đầu. Tự nhiên nhà tôi chặt đi một cây. Rồi bà vào phòng ghi mảnh giấy: “Chặt cây đu đủ đi để thấy một khoảng trời…”. Bà ấy đi rồi, tôi ở nhà nghe tin nhà tôi định ở hẳn bên con gái, xa tôi mãi mãi. Tôi buồn và nhớ quá sinh ra bệnh tắc nghẽn mạch máu não lần hai và bị bại nửa người. Rồi trong một ngày buồn nhớ, tôi đã cảm xúc mà viết Con sáo sang sông với những câu hát thế này:

“Ai đưa con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng bay xa

Ở đây còn lại mình ta

Nhìn sông đầy ắp những lời ca…

Lời ca tình buồn…”

Bài hát chưa phổ biến rộng rãi nên nhà tôi ở xa cũng chưa nghe được. Có người em họ của tôi đến chơi, lần nào nhớ nhà tôi, tôi cũng hát cho chú ấy nghe. Hai anh em cùng chảy nước mắt….

Mấy năm sau chú ấy có việc ra nước ngoài, gặp nhà tôi nói chuyện, nhà tôi thương tôi quá mới về sống với tôi hẳn. Sau này, trong chương trình âm nhạc Một đời riêng tôi của Đài truyền hình Cần Thơ, ca sĩ Nhất Sinh đã hát bài Con sáo sang sông này làm tôi rất hài lòng” - NS Nguyễn Văn Tý trầm ngâm.

TRÀ GIANG

Hiện nay NS Nguyễn Văn Tý mong muốn có một người giúp việc ở lại nhà ông cho bớt hiu quạnh nhưng chưa tìm được ai. Tạm thời người con xuống ở với ông và thuê một người giúp việc theo giờ để lo chợ búa, ăn uống, dọn dẹp. NS Nguyễn Văn Tý có một tài khoản do các nhà hảo tâm và người hâm mộ đóng góp. Ông đã ủy quyền cho con gái Thái Linh quản lý và chi tiêu. Chị Thái Linh cho biết sẽ đảm bảo để ông được chăm sóc, ăn uống đầy đủ; được ở trong môi trường sạch sẽ, ngăn nắp; không được trở lại tình trạng cuộc sống trước đây (bụi bặm, không có người tắm rửa, thay đồ, thèm ăn mà không có người lo…) như báo chí đã đưa tin.

_____________________________________

“Tôi nhớ nhà tôi!”… - là câu nói cửa miệng của NS Nguyễn Văn Tý mỗi khi có dịp trò chuyện cùng khách đến thăm. Vợ chồng sống với nhau tưởng có bạn tâm tình tuổi già nhưng cuối cùng cũng phải chịu thua quy luật nghiệt ngã. Năm 2004, bà Bạch Lê qua đời, để lại một khoảng trống trong lòng người NS nặng tình.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.