Văn hóa pháp đình: Cốt lõi là tính dân chủ trong xét xử

Yếu tố con người

Kiểm sát viên Nguyễn Hồng Sơn (Trưởng phòng Kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm VKSND TP.HCM) cho rằng chuyện trụ sở, phòng xử án, bàn ghế, trang thiết bị… cũng thể hiện văn hóa nhưng quan trọng nhất vẫn là con người. Văn hóa làm sao được khi có những thẩm phán hôm trước nhậu xỉn mà ngày hôm sau vẫn “thăng đường” xử án. Ngồi ghế chủ tọa nhưng người còn nồng mùi rượu, mắt lim dim, tay lật hồ sơ lia lịa, miệng thì hỏi qua loa vài câu.

Ông Sơn kể cách đây không lâu, có lần ông phải làm kiến nghị gửi chánh án TAND một huyện tại TP.HCM vì trong khi kiểm sát một bản án, ông phát hiện dùng tới hơn 20 từ “y, thị…”. Theo ông, không chỉ nên tránh những từ “y, thị, hắn...” mà trong các bản án nên bỏ luôn cách dùng các từ ngữ như con nghiện, con bạc… Vì tất cả những điều trên đều thể hiện văn hóa của những người tiến hành tố tụng.

Chủ tọa phải có bản lĩnh điều khiển

Một khía cạnh nữa mà nhiều đại biểu đề cập là vai trò của thẩm phán, của hội đồng xét xử.

Theo thẩm phán Lê Thị Minh Loan (TAND quận 5), chủ tọa là người điều khiển nên phải có bản lĩnh, kỹ năng, tâm lý tư pháp để phiên xử diễn ra suôn sẻ. Muốn được như vậy, chủ tọa trước hết phải làm gương về phong cách ứng xử, ăn nói nghiêm túc, chuẩn mực, tôn trọng những chủ thể tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng khác. Mặt khác, khi giải quyết phải biết khéo léo kết hợp vận dụng giải thích pháp luật để thuyết phục đương sự…

Văn hóa pháp đình: Cốt lõi là tính dân chủ trong xét xử ảnh 1

Luật sư đang tranh tụng với VKS tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD

Phó Viện trưởng VKSND quận 5 Trần Vi Hải đi sâu vào một vấn đề tố tụng rất lớn là vai trò xét hỏi của tòa. Theo ông Hải, hiện có tình trạng là chủ tọa phiên tòa đôi khi đã làm thay chức năng công tố của VKS khi tự mình thẩm vấn từ đầu đến cuối. Chuyện “ôm đồm” này không sai luật nhưng có khi phản tác dụng. Làm rõ chứng cứ buộc tội là trách nhiệm của kiểm sát viên. Làm rõ chứng cứ gỡ tội là trách nhiệm của luật sư. Phán quyết là nhiệm vụ, là thẩm quyền của hội đồng xét xử. Hội đồng xét xử chỉ cần hỏi thêm về những tình tiết chưa rõ. Nếu hội đồng xét xử sa đà vào việc xét hỏi thì không thể làm tốt được vai trò của người chủ tọa. Chưa kể, việc này sẽ khiến phiên tòa trở thành phiên tòa buộc tội, không phải là phiên tòa tranh tụng mà chúng ta đang hướng tới.

Kiểm sát viên “nhìn lại mình”

Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Văn Tùng (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) chú trọng đến vai trò của kiểm sát viên tại tòa. Theo ông, kiểm sát viên phải luôn có thái độ kiên quyết nhưng bình tĩnh, có tình có lý để nhận được sự đồng thuận của những người tham gia tố tụng. Ngôn từ trong tranh luận với luật sư, bị cáo nên chọn lọc kỹ, các viện dẫn pháp lý phải đảm bảo chính xác. Trong quá trình xét xử, kiểm sát viên nên tập trung lắng nghe để tranh luận lại đầy đủ nhằm tạo sức thuyết phục cao.

Cũng đi vào văn hóa tranh tụng, luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) tâm sự: Nếu ra tòa, thẩm phán, kiểm sát viên làm việc nhân danh nhà nước thì luật sư chỉ làm việc với tư cách cá nhân. Luật sư không có sức mạnh quyền lực mà chỉ biết dựa trên những luận lý để bảo vệ thân chủ nên thật sự không muốn làm mất lòng tòa, viện vì sợ “lỡ bị ghét thì ảnh hưởng xấu đến thân chủ”. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là luật sư không dám “đấu” với những người tiến hành tố tụng bởi một phiên tòa tranh tụng mà bản án là kết quả của việc tranh tụng công khai trước tòa là mơ ước của mọi luật sư. “Đấu” trên cơ sở pháp lý, trên tình tiết của vụ án nhưng quan trọng là cả luật sư, kiểm sát viên đều phải biết tôn trọng, lắng nghe nhau...

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương (Đại học Luật TP.HCM) nhận xét nếu những người tiến hành tố tụng như thẩm phán, kiểm sát viên tự cho mình có quyền quá cao so với nhiệm vụ thì dễ dẫn đến những biểu hiện thái quá. Khi ấy, họ dễ trở thành người thiếu văn hóa. Thực tế vẫn có những tranh chấp quyền lực giữa tòa và viện với lý do cả hai đều đại diện nhà nước. Chẳng hạn đã có trường hợp kiểm sát viên và thẩm phán cãi nhau nảy lửa về cách xét hỏi tại tòa, cuối cùng hai người tức quá cắp cặp bỏ về khiến phiên xử phải hoãn. Từ đó, Tiến sĩ Phương cho rằng việc tự xác định vị trí và quyền lực của mình không căn cứ vào trình độ học vấn và cũng không thể trường lớp nào dạy được mà tùy thuộc vào văn hóa của từng người...

Bắt đầu từ chuyện nhỏ

Có đại biểu nói chưa cần bàn đâu xa, hãy bắt đầu bàn về văn hóa pháp đình từ những việc rất nhỏ như cái micro phục vụ cho việc xử án. Hiện ở một số phòng xử, vì cái micro kém chất lượng mà có chuyện “người nói, người không nghe”. Một câu tòa hỏi mấy lần đương sự nghe không rõ và ngược lại, vừa kéo dài thời gian vừa ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

Hay chuyện cái vành móng ngựa. Có tòa dùng một cái bục ngang thay cho cái vành móng ngựa truyền thống để linh động xử án nào cũng được. Bị cáo, nguyên đơn, bị đơn… đều đứng trước cái bục đó. Có đại biểu nhận xét rằng việc này tiện lợi cho tòa nhưng không tách bạch vai trò của những người tham gia tố tụng, không đảm bảo tính uy nghiêm, mẫu mực của chốn công đình.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm