100 kiệt tác sân khấu thế giới: Không nên tùy tiện!

Dự án dàn dựng 100 kiệt tác sân khấu thế giới đã được Bộ trưởng Bộ VH - TT - DL Hoàng Tuấn Anh chính thức giao cho Nhà hát Tuổi trẻ vào chiều 3/3/2008. Dự án sẽ kéo dài đến năm 2020, với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng.

Sự kiện này đã gây xôn xao trong giới sân khấu suốt những ngày qua: Đây có phải thời điểm hợp lý để khởi động một dự án quá quy mô? Một dự án lớn như thế mà chỉ giao về cho riêng Nhà hát Tuổi trẻ liệu có hợp lý?

Chúng tôi đã ghi lại ý kiến của hai vị Giám đốc nhà hát kịch đóng trên địa bàn Hà Nội, và GS - NSND Đình Quang, chuyên gia hàng đầu về sân khấu thế giới của Việt Nam.

GS-NSND Đình Quang, NSƯT Anh Dũng, NSND Hoàng Dũng.
GS-NSND Đình Quang, NSƯT Anh Dũng, NSND Hoàng Dũng.

NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội: Tôi không băn khoăn gì cả!

NSND Hoàng Dũng.
NSND Hoàng Dũng.

Dự án này xuất phát từ ý tưởng đề xuất của bản thân Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT), nên việc Bộ giao dự án về cho họ là bình thường.

Hơn nữa, nếu so giữa NHTT và Nhà hát kịch Việt Nam (NHKVN) thì hiện tại NHTT năng động hơn, có dàn diễn viên tốt hơn, uy tín trong làng kịch nói của Giám đốc Lê Hùng cũng tốt hơn, nên tôi không băn khoăn gì cả.

Từ khi chưa có dự án, NHTT đã mời tôi - với tư cách nghệ sĩ - tham gia diễn xuất trong một số vở cổ điển, và tôi đã nhận lời. Giờ có dự án lớn thế này, có thể sẽ là cuộc bắt tay giữa ba nhà hát kịch trên địa bàn Hà Nội.

Điều tôi băn khoăn nhất là "đầu ra" của những tác phẩm ấy sẽ ra sao? Dựng kịch kinh điển nước ngoài hiện nay cần phương án tính toán hẳn hoi để dàn dựng, để quảng bá đến khán giả, để nuôi tác phẩm. Kinh phí cho mỗi tác phẩm như thế không nhỏ, không thể lãng phí.

Kinh phí cho Nhà hát kịch Hà Nội hàng năm là của Sở Văn hóa - thông tin Hà Nội, nên có thể vẫn sẽ có những vở kinh điển do chúng tôi dàn dựng mà không thuộc dự án này.

NSƯT Anh Dũng, Giám đốc NHKVN: Tôi hoàn toàn bất ngờ!

NSƯT Anh Dũng.
NSƯT Anh Dũng.

Tôi hoàn toàn bất ngờ khi xem qua tivi thấy Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trao quyết định cho NHTT dựng 100 kiệt tác sân khấu thế giới. Bản thân tôi là Giám đốc của Nhà hát kịch quốc gia Việt Nam, cũng thuộc quyền của Bộ (chỉ có hai nhà hát kịch thuộc quyền quản lý của bộ - PV) nhưng hoàn toàn không biết gì về quyết định này.

Tôi không phản kháng gì, vì đây là quyết định của cấp trên. Tôi chỉ nói trên quan điểm của các nghệ sĩ của NHKVN, kể cả những nghệ sĩ thế hệ trước. Họ rất khúc mắc chuyện đó, tâm hồn xáo động, buồn, vì Bộ VH - TT - DL đã không tin họ nữa.

NHKVN được mệnh danh là "Anh cả đỏ", có truyền thống dàn dựng những tác phẩm kinh điển. NHKVN đã dựng 40 vở nước ngoài từ năm 1952 đến nay, trải qua 14 thế hệ nghệ sĩ từ những Song Kim, Đào Mông Long, Thế Lữ, rồi đến Trần Tiến, Trọng Khôi... đứng đầu trong toàn quốc. Thế hệ diễn viên đang nối tiếp, chưa hề gãy gục.

Những năm vừa qua, chúng tôi vẫn tiếp tục dựng những tác phẩm lớn của nước ngoài như Hedda Gabler (Henrik Ibsen), Bà tỷ phú về thăm quê (Friedrich Duerrenmatt)... trong lúc NHTT mạnh nhất là loạt vở diễn Đời cười.

Ngày 9/4/2007, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp sau phiên họp điều trần, trao đổi với 12 đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ đã xác định chức năng nhiệm vụ của NHKVN là nghiên cứu kịch cổ điển và tiên tiến trên thế giới, dựng những vở mang tính hoành tráng, bác họ, đảm bảo tính văn học nghệ thuật sân khấu kịch nói.

Trong khi đó, chức năng nhiệm vụ của NHTT là nhà hát thanh thiếu niên, dựng những vở có đề tài thanh thiếu niên, trong tương lai gần sẽ tiên phong thử nghiệm xã hội hóa.

Bây giờ, với việc giao dự án như thế này, dường như đã có một phương án mới? Vậy mà chúng tôi chưa hề được bàn bạc, trao đổi từ bất cứ Cục, Vụ nào.

Lẽ ra, với những quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh của các nhà hát như thế, phải có sự trao đổi, bàn bạc kỹ. Tôi vừa gửi công văn gặp trực tiếp Bộ trưởng để điều trần về mấy vấn đề của NHKVN.

Không thể nói chúng tôi không năng động, khi chúng tôi chỉ tập trung vào những tác phẩm nghiêm túc để "giữ chốt", liên tục kết hợp với nước ngoài để dựng những vở có giá trị.

Mỗi nhà hát có phong cách riêng, nhìn nhận riêng trong việc dựng vở. NHTT có cách nhìn riêng qua các vở Âm mưu tình yêu, Nhà búp bê, Othello... Ở đây mới có vài vở, phong cách của những người trước là khác, còn phong cách Lê Hùng qua Macbeth, Nhà búp bê khác với các bậc như Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi, Ngọc Phương, Dương Ngọc Đức...

Các nghệ sĩ của NHKVN như Doãn Hoàng Giang, Ngọc Chương, hay mời đạo diễn nước ngoài như Rudolph Straub (đã dàn dựng Bà tỷ phú về thăm quê) thì phong cách sẽ khác. Theo cảm nhận của tôi, đã là vở cổ điển thì phải trau chuốt về lời lẽ văn học sân khấu, động tác, phong cách, không phải làm ào ào với vài thủ pháp thu hút khán giả, mà phải giữ hồn cổ điển.

GS - NSND Đình Quang: Không nên chắp vá, ngẫu nhiên, tùy tiện...

GS-NSND Đình Quang.
GS-NSND Đình Quang.

Tên gọi "100 kiệt tác sân khấu thế giới" theo tôi chưa chuẩn xác, bởi chưa có sự đánh giá chính thức nào, mà ta cũng không thể đánh giá được.

Thật ra, đó là bộ 100 tác phẩm sân khấu nước ngoài có giá trị được NXB sân khấu in gần đây, tập hợp những tác phẩm các cá nhân đã dịch được (theo "hứng" của mỗi người). Có nhiều vở thật sự giá trị, nhưng cũng có những vở chỉ vừa phải.

Ngược lại với mở cửa, gần đây ta dựng rất ít các tác phẩm nước ngoài, chỉ lác đác vài vở, ít hơn hẳn trước đây. Chủ trương dàn dựng các tác phẩm có giá trị của thế giới là việc làm tốt. Khán giả lẫn người làm nghề ở Việt Nam quá thiệt thòi. Ở các nước phát triển, một khán giả bình thường còn hiểu sân khấu thế giới hơn một nhà hoạt động sân khấu VN, bởi chỉ cần chăm chỉ là họ được xem nhiều hơn một đạo diễn Việt Nam không có điều kiện tu nghiệp ở nước ngoài.

Dựng những tác phẩm có giá trị của thế giới thì vấn đề không phải là tiền. Thậm chí với những vở cổ điển, ít nhân vật, cảnh trí không nhiều vì cần tuân thủ luật "Tam duy nhất".

Nhưng với dự án lớn thế này, nếu chỉ giới thiệu "ngẫu nhiên" các vở diễn thì cũng là sự chắp vá, tùy tiện. Việc quan trọng đầu tiên, theo tôi là phải tính toán kỹ lưỡng xem nên dựng những vở nào, thứ tự ra sao, dựng kịch của nước nào trước nước nào sau? Phải có "quy hoạch", và đây không nên là dự án của riêng NHTT, mà phải là công việc chung của cả giới sân khấu.

NSND Lê Khanh trong vở Nhà búp bê.
NSND Lê Khanh trong vở Nhà búp bê.

Thứ hai, phải tạo ra một đội ngũ đạo diễn, diễn viên thể hiện các tác phẩm kinh điển. Diễn viên của ta lâu nay diễn những vở dễ quen rồi, giờ phải rèn luyện lại. Đạo diễn cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng xem nên dựng theo hướng nào? Chẳng hạn cảnh trong vở Âm mưu và tình yêu nếu đúng như giới thiệu qua báo chí thì... cổ lắm rồi! Dựng vở đó với trang trí kiểu ấy là cổ lỗ sĩ, là nệ cổ, không có hơi thở mới với tác phẩm. Đã làm thì phải tập trung, có chế độ tốt để các nghệ sĩ toàn tâm toàn ý.

Việc quan trọng không kém là phải tổ chức khán giả, nuôi tiết mục. Khán giả hiện nay có quá nhiều hình thức giải trí, nên sân khấu không còn vị trí độc tôn. Chưa kể họ đi xem sân khấu chỉ để giải trí là chủ yếu.

Vừa qua ta đã dựng một số vở cổ điển rất có giá trị như Hamlet, Macbet, Nhà búp bê... nhưng diễn không diễn được bao nhiêu buổi. Ngày xưa khán giả đã có thói quen tốt, những vở diễn hay diễn được cả vài trăm đêm, giờ lâu ngày không còn thói quen ấy nữa. Nếu không nối lại được thói quen ấy thì sẽ là nguy cơ lãng phí, thu hoạch không được bao nhiêu.

KHÁNH LINH - (Theo VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm