65 năm chiến thắng ĐBP: Nghe chuyện giã gạo nuôi quân

Ngày 4-5, Hội liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP.HCM tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại trường Đại học KHXH và NV TP.HCM. 

Đại tá Trần Thịnh Tần (88 tuổi), Cục trưởng Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), kể lại năm 1952 ông nhập ngũ khi mới 18 tuổi, đang là học sinh. Sau đó ông được đưa đến chiến trường Điện Biên để chiến đấu tại sư đoàn 312. Đến năm 1954, ông được điều sang phụ trách hậu cần, ngày ngay sát cánh bên những đoàn xe thồ tải gạo, thuốc men, đạn dược… từ miền xuôi lên chiến trường Điện Biên.

Đại tá Trần Thịnh Tần (người thứ ba từ trái sang) kể lại những ngày tháng lịch sử tại chiến trường Điện Biên. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG.

“Đội quân xe đạp thồ đông hơn cả quân chủ lực, đây là chuyện chưa từng có trong chiến tranh thế giới. Những “chị gánh anh thồ” người sau bám gót người trước một cách mải miết. Một xe hỏng cả đoàn phải chờ, chậm một phút là một phút ảnh hưởng tới chiến dịch. Xe sửa xong là phải đi ngay để tránh bị địch phát hiện. Càng gần tới Điện Biên bom đạn càng ác liệt, ngày nào cũng có người bị thương, hy sinh", ông Tần ôn lại những ngày tháng ác liệt.  

Cũng theo ông Tần, từ ước tính cần 10 ngàn tấn gạo nuôi quân cho chiến dịch Điện Biên “đánh nhanh thắng nhanh”, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển chiến thuật sang “đánh chắc thắng chắc”, thời gian chiến tranh kéo dài hơn, lượng lương thực cũng tăng lên thành 27 ngàn tấn gạo.

"Huy động nguồn lương thực đã khó, vận chuyển càng khó hơn. Dân công đi liên tục, chuyển được một cân gạo đến mặt trận thì ăn hết 7 lạng. Để khắc phục những khó khăn trong công tác hậu cần, Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy mặt trận chủ trương huy động nguồn lương thực tại chỗ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, kết hợp với chiến lợi phẩm thu được của địch”, ông nhớ lại.

Để biến số thóc huy động được thành gạo, “đội quân phó cối” ra đời. Họ là thanh niên trai tráng được chọn từ các đơn vị, dân công, từ hậu phương lên chủ yếu là làm cối và giã gạo nuôi quân ngay tại lòng chảo Mường Thanh khốc liệt. Những chiếc cối được làm bằng tre quay ầm ầm suốt ngày đêm, xay ra hàng ngàn tấn gạo chi viện cho tiền tuyến. 

"Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu son trong lịch vệ quốc của dân tộc ta, đồng thời khẳng định tinh thần tương thân, tương ái của người dân ba nước: Việt Nam-Trung Quốc-Lào. Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn nối tiếp những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc ở thế hệ trẻ và thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng" -  Ông NGUYỄN VĂN MẠNH,  Phó Chủ tịch Hội liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm