7 chuyến du hành vào thiên nhiên: Thức tỉnh lương lâm

"Tình bạn không phân biệt giống loài, khỏe mạnh hay ốm yếu" xuyên suốt mỗi cuộc du hành của Tuần và bạn đồng hành là chú vẹt có cái tên Xa Lạ.
Hai người bạn sẽ dẫn bạn đọc chu du từ châu Phi, nơi có những đồng cỏ tươi đẹp, tới hòn đảo xinh đẹp ở Nam Đại Tây Dương. Nơi rừng nhiệt đới Amazon có nhiều loài vật anh em sinh sống, tới vùng đất nhiều truyền thuyết và bí ẩn Ấn Độ.

Sự tha thứ, bao dung từ một chú tê giác có làm con người chúng ta hối hận về hành vi quá đỗi tàn nhẫn hay không? Những phát súng của đám thợ săn bắn giết và cưa sừng tê giác khi chúng đang ngâm nga bài đồng dao của muôn loài, không làm chú tê giác Hope ghét loài người. Bởi vì có một con người khác chăm sóc và gắn cho chú một chiếc sừng giả bằng bông mềm mại, mà không một con nào trong bầy đàn có được. Hope vẫn được sống trong đồng cỏ bao la, uống chung dòng nước trong lành và có cô Laura, Mary luôn sẵn sàng chăm sóc khi loài vật cần giúp đỡ. Vì vậy mà "bạn có lý do để yêu thương nên không cần phải hận thù".

Dân gian Việt Nam có câu "người đầu bạc thì khôn ngoan" và không riêng gì con người, một cụ rùa sống ở một hòn đảo nguyên sơ tên Jonathan đã gần 200 tuổi nổi tiếng thông thái, khiêm tốn cũng vậy. Sự điềm đạm của cụ giúp cho các con vật sống chung quanh thấy được giá trị của mình chứ không chỉ so đo với loài khác. Liệu có con người nào trong chúng ta hiện nay, đón tiếp một cụ rùa tới nhà bằng một điệu nhạc truyền thống và ít nho khô? hay là chăm chăm xem nên làm món gì với một cụ rùa? Vậy mà, một tình bạn tri kỷ nảy nở giữa bác nông dân và cụ Jonathan ở chốn đảo hoang vu vì đôi bên cùng kính nể nhau.
Mỗi câu chuyện gợi lên một ý tưởng nào đó về hành vi giáo dục lại nhân tính chăng? Con sử tử nhỏ bị đem bán, rồi may mắn được hai đứa bé chăm nuôi. Khi lớn lên và được trở về rừng, chú sư tử bịn rịn, rưng rưng nước mắt khi nhìn hai người bạn nhỏ. Chú sư tử trân trọng tình bạn ấy và nói với một con vật khác rằng "tình bạn là bài ca bất hủ dành cho muôn loài" mà tôi muốn ca hoài, ca mãi.
Bên cạnh những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và loài vật, mỗi câu chuyện lại có những hành vi thể hiện sự tàn ác của con người với thiên nhiên. Những con chim rừng vô tình rơi vào tay những đứa trẻ không được chăm sóc lại trở thành đồ chơi, chơi một cách thô bạo, chán rồi ném vào xó đường? Bao nhiêu con hổ, con khỉ làm trò tiêu khiển với sự huấn luyện hung bạo của con người... cái tàn ác bằng roi của giới chủ được tung hô bởi sự phấn khích của khán giả trong rạp xiếc...
Thời nay, biết bao nhiêu động vật quý hiếm đã lên bàn ăn bàn nhậu, đôi khi vào sở thú may mắn ta còn gặp... may mắn thay, trong câu chuyện 7 chuyến du hành vào thiên nhiên mà tác giả Lê Hữu Nam kể, mỗi hành vi tàn ác của một nhóm người thì bù lại, có một nhóm người khác tìm về sửa sai cho con người.
Với ngôn từ giản dị, không tô vẻ, mộc mạc mà khơi gợi trí tưởng tượng, những chuyến du hành lấp đầy sự yêu thương và khiêm tốn trong các nhân vật loài vật, tác giả như muốn khơi dậy trong lòng bạn đọc sự hiền hòa với tư cách là con người có lý trí với loài vật, thức tỉnh lương tâm về hành vi hủy hoại môi trường sống dưới nhiều hình thức khác nhau.
Không một hành vi trả đũa thú tính nào diễn ra, không có sự cay cú mà dường như nhường chỗ cho sự im lặng hòa thuận. Rồi tất cả cùng trở về như hằng bao đời nay của mẹ thiên nhiên ban tặng cho muôn loài, cùng nhau xây dựng mối quan hệ đồng đẳng dưới bầu trời chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm