Áo dài nam vào công sở: Ủng hộ nhưng cần điều chỉnh

Hình ảnh nam công chức tỉnh Thừa Thiên-Huế trong bộ áo dài ngũ thân truyền thống đến công sở làm việc vào buổi chào cờ đầu tháng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nam công chức Huế hào hứng mặc áo dài

Trước đó, để tôn vinh áo dài nam truyền thống, Sở VH&TT, đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện đề án “Huế - Kinh đô áo dài”, đã tiên phong may đồng phục áo dài ngũ thân cho nam công chức.

Sự việc bắt đầu nhận được sự quan tâm của dư luận khi cán bộ, nhân viên của Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế mặc trang phục áo dài truyền thống đến công sở làm việc trong buổi sáng đầu tháng.

Không chỉ nữ giới, cả nam giới từ nhân viên đến lãnh đạo tham gia buổi lễ chào cờ vào đầu tháng 9 vừa qua đều mặc áo dài ngũ thân truyền thống, khăn đóng và đi giày Tây.

Đơn vị này cũng cho biết sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng nhưng chỉ đối với công chức khối văn phòng, không áp dụng đối với những người thường ra ngoài làm việc. Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban của đơn vị.

Một trong những ý kiến phản đối cho rằng nam giới mặc áo dài nơi công sở thì nên cân nhắc bởi lâu nay, trang phục này thường chỉ sử dụng trên sân khấu hoặc trong lễ cưới, trong khi trang phục công sở đã được Nhà nước quy định từ lâu.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến mang tên “Không gian nào cho áo dài ngũ thân”, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng bày tỏ áo dài ngũ thân là một trong những đột phá được đơn vị này chuẩn bị rất công phu. “Chúng tôi mặc trang phục này vào thứ Hai tuần đầu của tháng. Sau lời kêu gọi, nam công chức Sở VH&TT rất đồng tình, hào hứng. Hôm đầu tiên, anh em chỉ mặc trong buổi chào cờ, sau đó thì mặc luôn để làm việc. Tôi mặc áo dài hơn 10 năm nên thấy khá thoải mái. Mặc áo dài và thực hiện nghi lễ chào cờ giúp khơi dậy lòng tự hào dân tộc và chúng tôi nhận thấy rõ điều đó” - ông Hải nói.

Cũng tại tọa đàm nêu trên, trước câu hỏi hình ảnh nam công chức mặc áo dài là lạc hậu, cổ hủ, khôi phục hình ảnh của tàn dư phong kiến, xa cách với người dân..., nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nêu quan điểm: Nói nam giới công chức, viên chức mặc áo dài là lạc hậu thì thật phi lý. Nó cho thấy hiện tượng đứt gãy văn hóa khiến người ta không cảm nhận hết vẻ đẹp của áo dài ngũ thân.

“Người ta chỉ mới nhìn qua hình ảnh, chứ chưa tận mắt nhìn thấy những bộ áo dài ngũ thân đa sắc màu của Huế. Nếu chúng ta tiếp tục quảng bá những bộ áo dài này, tôi tin những ý kiến đó sẽ dần dần được điều chỉnh” - nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.

Việc nam giới mặc áo dài đến công sở đang được thí điểm, khuyến khích. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Cục Di sản: “Cần nhận nhiều ý kiến đóng góp”

Mới đây nhất, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III-2020 của Bộ VH-TT&DL, khi PV đặt câu hỏi quan điểm của Bộ VH-TT&DL về áo dài nam đã được Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế khuyến khích cho các công chức mặc đến nơi làm việc, ông Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản, bày tỏ áo dài nam thuộc về một nếp sống, một lối sống của người Việt ở một giai đoạn lịch sử.

Theo ông Thành, nay áo dài nam được Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế gợi lại nơi công sở, quan điểm của Cục Di sản là khuyến khích và ủng hộ. Tuy nhiên, Cục Di sản mong muốn nhận được nhiều tiếng nói đóng góp của các nhà khoa học, các nhà thiết kế thời trang để áo dài nam có những điều chỉnh phù hợp, phát huy giá trị ở đời sống hiện đại.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống, người theo dõi khá sát việc tỉnh Thừa Thiên-Huế tôn vinh áo dài truyền thống để được ghi danh là di sản văn hóa hướng tới Huế - kinh đô áo dài Việt Nam, cho hay việc ngành văn hóa vận động đưa áo dài vào công sở là một trong những bước đi khá bài bản từ nhiều năm qua. Đầu tháng 9, Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vận động công chức mặc áo dài thực hiện lễ chào cờ đầu tháng là một trong các hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá áo dài truyền thống.

“Hơn nữa, việc này hết sức bình thường, không chỉ ở Huế mà nhiều địa phương trong cả nước, cơ quan đại diện ở nước ngoài cũng thực hiện. Tôi ủng hộ cách làm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế” - ông Bình nói.

Theo ông Bình, áo dài tiền thân là áo ngũ thân tay chẽn có từ thời chúa Nguyễn và đã được các vua nhà Nguyễn cho sử dụng phổ biến trong cả nước, bộ trang phục này đã được coi là quốc phục của Việt Nam. Chính vì thế, ông Bình cho rằng việc các công chức ở một cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa (Sở VH&TT) đã tiên phong trong việc quảng bá áo dài nam theo truyền thống là việc làm hết sức ý nghĩa.

Không chỉ là vấn đề cái áo, cái quần nơi công sở

Ở đây không đơn giản là vấn đề cái áo, cái quần hay việc mặc ở công sở mà đó là lòng tự hào dân tộc, tôn trọng di sản, tự bản thân mỗi cán bộ ý thức về việc cần quảng bá và phát huy giá trị di sản.

Họa sĩ NGUYỄN ĐỨC BÌNHChủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.