Bậc thầy khói lửa Hollywood

Từ những năm 70 của thế kỷ 20 trở đi, điện ảnh Hollywood xuất hiện một dòng phim bom tấn với những đại cảnh, kỹ xảo cháy nổ làm mãn nhãn khán giả toàn cầu. Mở màn là bộ phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) vào năm 1977 của đạo diễn George Lucas. Loạt phim Star Wars là cú đột phá của công nghệ CGI (Computer Generated Imagery - hình ảnh do máy tính tạo ra).

Sau Star Wars, rất nhiều phim ứng dụng kỹ thuật CGI. CGI không chỉ được ứng dụng cho những đại cảnh hùng vĩ, những pha hành động nghẹt thở, phục trang cho nhân vật, mà cả trong những pha cháy nổ.

Trụ sở MI6 và máy bay nổ bằng mô hình

Trong Skyfall phần mới nhất của sêri phim Điệp viên 007, đa phần những cảnh cháy nổ đều do kỹ xảo máy tính. Cụ thể nhất, trong cảnh trụ sở của MI6 bị nổ gây chết các nhân viên MI6 ở phần đầu phim hoàn toàn được dựng bằng vi tính và phát nổ mô hình.

Một mô hình thu nhỏ MI6 được dựng ở phim trường Pinewood và đặt trước tấm phông xanh. Chuyên gia về kỹ xảo hình ảnh và hiệu ứng đặc biệt Chris Corbould (người từng được Oscar ở hạng mục Hiệu ứng đặc biệt cho phim Inception) đã cho phát nổ mô hình. Cảnh phát nổ từ đại cảnh đến chi tiết những mảnh vỡ, bụi, đá… được ghi lại ở nhiều góc máy và nhiều tốc độ khác nhau. Ngoài việc quay thì ngay cả việc chọn thiết bị quay độ nét cao để quay những chi tiết này cũng là chuyện làm các nhà làm phim đau đầu.

Bậc thầy khói lửa Hollywood ảnh 1

Cảnh cháy nổ cuối phim Skyfall được tạo ra bằng kỹ xảo mô hình. Ảnh: Fxguide

Phần lửa bùng lên trong cảnh nổ MI6 được quay trong một sân khấu khép kín của phim trường Pinewood. Và hiệu ứng như khói mù trong cảnh nổ được tạo ra từ phần mềm Eyeon Fusion. Cảnh thuyền cháy, vòi phun, văn phòng trung tâm MI6 bị phá hủy… đều được tạo ra bởi phần mềm Softimage. Những đám đông di chuyển trên các tuyến đường xung quanh, xe chữa cháy, xe cảnh sát, lượng người đổ xô đến xem cảnh cháy, tắc nghẽn các trạm xe lửa xung quanh… đều nhờ nhóm làm kỹ xảo máy tính tạo ra. Chỉ duy nhất phần các diễn viên xuất hiện trong cảnh quay được quay riêng trong một buổi sáng tại cầu Vauxhall (London) - nơi có thể nhìn thấy trụ sở MI6 ngoài đời.

Hay với cảnh cháy nổ đại cảnh máy bay trực thăng đâm vào tòa nhà ở cuối phim cũng là sự pha trộn từ các chi tiết thực tế và mô hình thu nhỏ ngôi nhà. Cộng vào đó là những yếu tố lửa, khói từ kỹ xảo máy tính.

Diễn viên chỉ diễn trong tưởng tượng

Trong bộ phim Cloud Atlas (Mây Atlas) vừa khởi chiếu vào ngày 21-2 vừa qua tại Việt Nam, khán giả đã vô cùng mãn nhãn với những hình ảnh trong phim; từ những cuộc phiêu lưu trong ngõ ngách tâm hồn con người đến những cuộc chạm trán kịch tính… Trong các câu chuyện của phim Cloud Atlas, ở câu chuyện thứ năm về một người nhân bản vô tính sống trong thế giới giả tưởng ở tương lai gần với bối cảnh Hàn Quốc, có cảnh nhân vật Hae-Joo Chang chứng kiến máy bay nổ.

Để thực hiện cảnh máy bay nổ trong thành phố ngay trước mặt Hae-Joo Chang, nhà làm phim cũng đã phù phép qua nhiều công đoạn kỹ xảo. Một nhóm sẽ làm kỹ xảo mô hình hóa các chi tiết của tòa nhà; một nhóm sẽ tạo những hình ảnh xung quanh tòa nhà; một nhóm làm ra những bức tranh mờ lớn hình ảnh thành phố; một nhóm khác làm các hiệu ứng cháy nổ, khói, lửa… bằng kỹ xảo. Tất cả được tổng hợp sẵn cho cảnh quay và diễn viên chỉ diễn hoàn toàn trong tưởng tượng trước một tấm phông xanh. Sau đó cảnh quay diễn viên diễn trước phông và các hiệu ứng kỹ xảo sẽ được trộn vào để cho ra cảnh quay cuối cùng xuất hiện trên phim.

Dù hầu hết các cảnh quay cháy nổ bằng kỹ xảo nhưng các nhà làm hiệu ứng đặc biệt cho phim của Hollywood luôn có những nghiên cứu chi tiết trước đó. Ví dụ để cảnh nổ xe thì phát nổ từ đâu, tia lửa kỹ xảo phải từ đâu, mức độ lửa, khói như thế nào… cho từng vụ nổ lớn hay nhỏ.

Chính từ nghiên cứu, làm kỹ xảo nhiều công đoạn như vậy nên phim càng có nhiều cảnh kỹ xảo khó, những màn cháy nổ hoành tráng thì kinh phí càng đội lên cao. Vì kỹ xảo mà số tiền đầu tư cho những bộ phim như Skyfall hay Cloud Atlas đã tăng lên con số kinh khủng, chẳng hạn Skyfall được đầu tư gần 200 triệu USD, còn Cloud Atlas cũng hơn 102 triệu USD.

G.I.JOE cẩn trọng với kỹ xảo

Không ít những bài báo, khán giả bắt giò lỗi kỹ xảo từ các phim bom tấn của Hollywood. Chính vì thế, những chuyên gia về hiệu ứng đặc biệt của Mỹ đã khá cẩn trọng khi sử dụng kỹ xảo cho phim. Gần nhất, chuyên gia xử lý kỹ xảo của phim hành động bom tấn G.I. JOE - Steve Ritz dù rất thích thú khi trong trường quay xuất hiện những trần nhà cao tới 67 m, những bệ phóng tên lửa chưa từng thấy bao giờ cộng với sự hỗ trợ của CGI để anh thỏa sức tăng thêm hoành tráng cho phim nhưng Steve Ritz vẫn cẩn trọng nói: “Hầu hết những cảnh cháy nổ hay chiến đấu đều rất thật. Chúng tôi không cần phải cường điệu hay phóng đại”.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm