Bao giờ sông cạn thì tình có vẹn tròn?

Ở một ngôi nhà nhỏ yên bình ven sông, trong khi chú Út (NSUT Thành Hội) và má (Xuân Hương) vui vẻ bàn kế hoạch cưới cho Chờ (Đoàn Thành Tài) với Mai (NSUT Tuyết Thu) người chị lớn hơn hai tuổi – người bạn thuở ấu thơ – người con gái được cha mẹ hai bên hứa hôn thì Chờ lại kịch liệt phản đối. Chờ đã đem lòng thương người con gái bé nhỏ tên Thà (Hoàng Vân Anh) sống trên ghe dọc bờ sông.

Cảnh mở màn Bao giờ sông cạn của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh tối 28-8 đã hé lộ những đớn đau, chua xót, bẽ bàng của những bi kịch tình yêu không trọn vẹn.

 Với kinh nghiệm của mình nghệ sĩ Ái Như không quá khó khăn để thể hiện tròn đầy hình ảnh Thà khi về già – chôn chặt trong lòng nỗi nhớ chồng, nhớ con. Ảnh: Nguyễn Á 

Vì không thể cãi lời má nên Chờ chấp nhận làm đám cưới với Mai. Ngay trong đêm tân hôn, Chờ bỏ xuống ghe với người con gái anh thương. Cũng trong đêm mưa gió bão bùng của đất trời, của lòng người ấy, Thà đã đau xé, rút ruột mình sinh cho Chờ một đứa con trai, đặt tên là Đợi (Hùng Thuận).

Thế nhưng rồi, vì Mai đi tìm, vì không thể bỏ má đau yếu, Chờ đã trở về thăm nhà. Chuyến trở về thăm nhà của Chờ là khởi đầu cho bi kịch kéo dài 18 năm tiếp theo. Bi kịch của người chồng đã có vợ nhưng vẫn cứ đau đáu về một tình yêu nơi bến sông. Bi kịch của người đàn ông tha thiết muốn bước xuống chiếc ghe với người mình thương nhưng vì lời hứa với má trước lúc lâm chung mà cứ đứng mãi ở trên bờ ngóng xuống, dùng tiếng kèn để nói giùm niềm nhớ nhung. Bi kịch của người vợ có chồng và nuôi con của người khác trong một niềm đau khôn tả khi bên chồng mà lòng anh ta hướng về người khác. Và một người phụ nữ cứ một năm một lần neo ghe xa xa nhà người thương, khua nước, xào xạt tát nước trên ghe để khỏa lấp nỗi nhớ người yêu và đứa con trai không thể nhận mặt.

Họ cứ đau đớn, dằn vặt, loay hoay không lối thoát trong bi kịch của mình suốt chừng ấy năm. Và liệu rồi họ có tìm thấy bến hạnh phúc, bình an cho riêng mình…

Cảm tác từ truyện ngắn Dòng nhớ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tác giả Hạnh Thúy và Hoàng Thái Thanh đã cùng nhau chuyển thể sang kịch bản sân khấu với một tên gọi mới - Bao giờ sông cạn nhưng hơi thở và cách kể vẫn đầy chất Nam bộ. Ở đó, thân phận và tình yêu của con người được khai thác bằng một câu chuyện đầy day dứt và khắc khoải – nỗi khắc khoải muôn đời của con người trong hành trình đi kiếm tìm hạnh phúc vẹn tròn cho riêng mình.

Suốt vở diễn, câu hỏi "bao giờ sông cạn?" cứ vang lên như một thách thức, một câu hỏi nhức nhối, cứa vào lòng người. Và dường họ cứ hỏi, hỏi hoài, nhưng không ai tìm được câu trả lời.

Má Chờ mong cho con sông khô cạn đi, lúc đó bà sẽ đi từ đầu nguồn cho tới cửa biển để tìm xương cốt của cha Chờ...

Mai mong con sông khô cạn đi để không còn ghe thuyền nào có thể về ghé bến sông được nữa, để tiếng xào xạt tát nước trên ghe của Thà không làm lung lay hạnh phúc của Mai, làm nhức nhối trái tim Chờ, trái tim Mai nữa.

Nhưng sông thì vẫn cứ chảy, có bao giờ cạn nên nỗi khắc khoải, nỗi đau, nỗi hờn ghen vẫn cứ hiện diện, như trêu ngươi niềm thương nhớ của con người…

….

Dưới bàn tay dàn dựng và chăm chút của đạo diễn Ái Như, Bao giờ sông cạn thêm một lần khẳng định sức hút, sức nặng trong mỗi vở diễn của Hoàng Thái Thanh. Gần ba giờ của vở diễn, khán phòng đắm chìm trong tâm trạng, thân phận của từng nhân vật, cũng khi giận, khi hờn, lúc ghen tuông, khi đớn đau, khi sụt sùi nước mắt.

Phải nói, diễn xuất của cô đào trẻ Hoàng Vân Anh trong vai Thà ngày trẻ ngày càng có sự thăng hoa. Cô đã thể hiện trọn vẹn niềm hạnh phúc xen lẫn tủi hờn của một người đàn bà vừa được yêu vừa bị chối bỏ. Làm sao một cô gái tuổi đời còn khá trẻ lại diễn hay như thế cảnh đau đớn sinh nở, diễn đạt như thế cảnh gào khóc đến lạc giọng đòi “Trả con lại con em”… nếu không nhập tâm vào nhân vật tưởng như vắt cạn kiệt cả sức lực của mình. Và tất nhiên, với kinh nghiệm của mình nghệ sĩ Ái Như không quá khó khăn để thể hiện tròn đầy hình ảnh Thà khi về già – chôn chặt trong lòng nỗi nhớ chồng, nhớ con.  

Một chút tiếc nuối cho diễn viên Đoàn Thanh Tài trong vai Chờ. Chờ của Đoàn Thành Tài chưa trọn vẹn đến tận cùng hình ảnh, tâm trạng của một người đàn ông rặt Nam bộ thương một người nhưng vì chữ hiếu phải cưới một người, tâm trạng của một người chồng chỉ còn phần xác chứ không còn phần hồn bên cạnh người vợ tảo tần, thủy chung.

Cùng với phối cảnh sân khấu, lời thoại đắt, không sáo rỗng, đúng với tính cách nhân vật và rặt Nam bộ, lời bài hát réo rắt của ca khúc Ru đời đã mất (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), tiếng kèn harmoni trầm lắng đã góp phần làm cho những dấu lặng trong lòng khán giả dài mãi, những giọt nước nước mắt cũng lăn dài…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm