Bolero hát hoài vẫn mới

Bolero là dòng nhạc duy nhất được hát nhiều nhất dù trên sân khấu hay trên vỉa hè. Và các cuộc thi bolero luôn tìm ra được những gương mặt mới hát dòng nhạc này chứ không bị thiếu hụt thí sinh như các cuộc thi hát thông thường; như năm nay Solo cùng Bolero đang có rất nhiều ứng viên tiềm năng ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, thậm chí người nước ngoài hát bolero. Thế nhưng khi quá nhiều chương trình chọn bolero, không ít khán giả cảm thấy ngán bởi suy cho cùng bolero quá cũ kỹ.

Đi đâu cũng thấy… bolero

Nhiều gương mặt quán quân hay nổi bật của các chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình là những giọng ca ngọt ngào, đậm dấu quê: Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường, Nguyệt Thu, Thiện Nhân, Thiên Nhâm (sau này đổi thành Thiên Vũ thi Solo cùng Bolero), Thiêng Ngân, Vũ Đàm Thùy Dung... Hay giữa vô vàn người đẹp chuyển sang đi hát, việc chọn dòng bolero cũng giúp hoa khôi Nam Em dễ dàng nhập cuộc và được khán giả biết đến hơn.

Bên cạnh đó, hằng tháng là Tình khúc vượt thời gian, Sol Vàng… cũng là nơi vinh danh những tác phẩm của các nhạc sĩ dòng nhạc trữ tình, bolero: Thanh Sơn, Vinh Sử, Trúc Phương…

Và hơn tất cả chương trình tìm kiếm tài năng khác, chương trình tìm kiếm tài năng ca hát chuyên biệt dòng nhạc dân ca, trữ tình, bolero luôn có lượng thí sinh đăng ký cao hơn cả. Thần tượng Bolero mùa đầu với hơn 40.000 người đăng ký, Solo cùng Bolero mùa thứ hai với 20.000 người. Với thành công của Solo cùng Bolero mà nhà sản xuất chương trình đã bắt tay làm tiếp Tình Bolero mùa đầu tiên với quán quân thuộc về diễn viên Quý Bình. Chương trình Người hát tình ca đang mùa đầu tiên cũng góp phần tôn vinh các ca khúc, đồng thời tìm ra giọng ca xuất sắc của thể loại trữ tình bolero. Và trong thời gian tới, ít nhất hai chương trình chọn dòng nhạc trữ tình, bolero làm chủ đề: Dạ khúc hoan caThần tượng của tôi.

Việc chọn dòng nhạc bolero là một lựa chọn khôn ngoan của Nam Em khi lấn sân sang ca hát, bởi nhờ dòng nhạc này Nam Em dễ dàng nhập cuộc với nhiều chương trình ca nhạc hơn. Ảnh: KHANG MEDIA

Biết làm mới sẽ ăn khách hoài

Lý giải về điều này, nhà báo Minh Đức, người biên tập nhiều chương trình bolero, cho rằng: “Nhiều sân chơi của các dòng nhạc khác vẫn đang diễn ra nhưng hiện lúc này bolero được chú ý bởi vì nó “ăn” thật. Khi công chúng quan tâm thì thấy nó nhiều. Từ đó nhiều nhà sản xuất lẫn ca sĩ nhảy vào bằng cách này hay cách khác khi sản xuất chương trình, phát hành sản phẩm âm nhạc đều gom thêm bolero vào. Nhưng điều này không làm “hại” gì bolero đâu bởi đó là trào lưu. Theo trào lưu, biết cách làm sẽ càng giúp cho dòng nhạc vốn đã được yêu bấy lâu nay tiếp tục có dịp thể hiện”.

Nếu Jet Studio - nhà sản xuất các chương trình Tình khúc vượt thời gian, Sol Vàng, Hãy nghe tôi hát, Thần tượng của tôi… với nhiều mảng miếng trữ tình, bolero giúp sống lại bolero nhiều năm qua thì Khang Media là đơn vị đem đến cho bolero những chiếc áo mới.

Xin cấp phép 30 ca khúc bolero

“Mỗi lần sản xuất bolero là mỗi lần êkíp làm chương trình mong muốn làm mới. Như chúng tôi giảm bớt phần ủy mị của ca khúc, dàn dựng sân khấu biểu diễn tươi mới, mỗi mùa thi ghế giám khảo được thay đổi bằng những tượng đài bolero khác nhau… Sau mùa hai, Solo cùng Bolero có nhiều ca khúc mới được sáng tác nhưng thí sinh khi thi vẫn chọn những ca khúc bolero cũ như Về đây mái tóc người thương, Nối lại tình xưa, Sầu tím thiệp hồng, Qua lối nhỏ vào nhà em… Và tự thân dòng nhạc bolero vẫn cần không gian cũ bởi nó đã là thói quen. Hát kiểu mới, ca khúc khó mà thành công. Rất nhiều thí sinh lẫn khán giả đều biết đó là món cũ nhưng họ cho rằng cũ càng ăn càng ngon” - đạo diễn Vũ Thành Vinh, Tổng Giám đốc Khang Media - nhà sản xuất “chuyên trị” bolero với các chương trình Solo cùng Bolero, Tình Bolero và sắp tới Dạ khúc hoan ca, nói.

Theo thống kê từ nhóm sản xuất chương trình của Khang Media, hiện dòng nhạc bolero có khoảng 70.000 bài. Khi sản xuất chương trình Tình Bolero, nhà sản xuất nhận ra rất nhiều ca khúc từng được cấp phép phổ biến nhưng rồi lại bị trôi vào quên lãng như Đom đóm, Đèn khuya, Xác pháo nhà ai… Vì thế, “nhà sản xuất có hướng thí sinh hát những ca khúc mới để chương trình mới mẻ hơn và khán giả không bị quen rằng bolero chỉ có từng đó bài” - đạo diễn Vũ Thành Vinh nói. Đây cũng là năm đầu tiên Solo cùng Bolero làm hồ sơ gửi đến Cục Nghệ thuật biểu diễn xin cấp phép mới khoảng 30 ca khúc bolero để phục vụ cho mùa thi thứ ba của chương trình.

Hát mới hay cũ, sến hay sang, thế nào là bolero thật sự… sẽ là những câu chuyện còn tranh cãi xung quanh dòng nhạc bolero. Thế nhưng có một điều luôn mãi mãi đúng với bolero, đó là bolero là dòng nhạc Việt luôn có khán giả đông nhất từ khi nó ra đời cho đến hôm nay. Vì thế, bolero có thể cũ nhưng sẽ không phải là đồ cổ chỉ để ngắm nhìn.

TS - Nhạc sĩ NGUYỄN BÁCH:

Làm sang là giết chết bolero

Bolero hát hoài vẫn mới ảnh 2

Bolero thật ra có nguồn gốc từ Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 18, được sáng tác với loại nhịp 3/4, tốc độ chậm. Nghĩa là tương tự điệu boston hay slow waltz. Ví dụ trong nhạc kinh điển, có tác phẩm Bolero của Maurice Ravel, một trong hai nhà soạn nhạc hàng đầu, thuộc trường phái Ấn tượng của Pháp: nguồn gốc châu Âu.

Vào thế kỷ 19, ở Cuba có loại nhạc bolero được viết ở nhịp 2/4, tốc độ nhanh hơn: nguồn gốc châu Mỹ Latin. Từ châu Mỹ Latin, bolero được pha trộn với rumba để thành loại điệu nhạc mới ở nhịp 4/4: rumba-bolero. Loại nhạc với điệu rumba-bolero này được du nhập sang Việt Nam và thường được gọi tắt là bolero. Như vậy, nhạc bolero có nguồn gốc “sang” chứ không phải “sến” như nhiều người nghĩ.

Ở Việt Nam, riêng Sài Gòn trước năm 1975, nhạc bolero (rumba-bolero) thường được các nhạc sĩ sáng tác ở tốc độ chậm đến vừa phải, giai điệu diễn cảm, dễ nhớ, dễ bắt chước hát lại; nội dung, ca từ thường đề cập đến những vấn đề bình dân, đương đại như tình yêu, sử dụng từ ngữ trực diện, dễ hiểu, dễ nhớ; bên cạnh đó, những ca sĩ hát loại nhạc này thường xuất thân từ quần chúng bình dân chứ không phải được đào tạo nghệ thuật ca hát bài bản, lại có những luyến láy đặc trưng, “mùi”, lắm khi ủy mị, ẻo lả. Vì những lý đó, nhiều người xếp loại bolero Việt Nam này vào nhóm “nhạc sến”.

Như đã nói, các ca khúc bolero, đa số là trước năm 1975 thường dễ hát, dễ nhớ với nội dung ca từ dễ hiểu, gần gũi với quần chúng bình dân nên tồn tại lúc bùng phát, lúc âm ỉ trong quần chúng. Theo tôi, sức hút của bolero ở Việt Nam là tính phổ thông chứ không nằm ở tính học thuật. Vì thế nếu áp đặt vào bolero Việt Nam những đặc tính học thuật, kinh viện, như biểu diễn tại Nhà hát lớn, kết hợp với nhạc cụ giao hưởng phương Tây,... là “giết chết” thể loại này, tựa như đi dự đám cưới ở miền quê sông nước mà mặc “smoking” và “soirée de cocktail” vậy. 

Nghệ sĩ QUYỀN LINH, MC chương trình tìm kiếm giọng ca trữ tình, Bolero - Người hát tình ca:

“Ăn cơm trộn nước mắm cũng hát bolero”

Bolero hát hoài vẫn mới ảnh 3

Thời khốn khó là thời tôi hát bolero nhiều nhất. Vui cũng hát, buồn cũng hát, tuyệt vọng, hạnh phúc cũng hát, thậm chí ăn cơm trộn nước mắm cũng hát. Chương trình cho tôi sống lại một thời gian khổ khó quên của mình. Bởi vậy tôi sẽ cống hiến hết mình với mong muốn âm nhạc sẽ tiếp năng lượng cho tôi trên hành trình hoạt động cộng đồng trước mắt.

Tôi nghĩ khán giả hay là người nghệ sĩ khi chọn bolero thì tự thân mỗi người đã mang trong mình một kỷ niệm nào đó với dòng nhạc này.

Diễn viên QUÝ BÌNH, quán quân của Tình Bolero mùa đầu tiên:

“Bolero là khung trời đầy ắp kỷ niệm của tôi”

Bolero hát hoài vẫn mới ảnh 4

Từ nhỏ mẹ tôi chỉ muốn con trai hát nhạc bolero chứ không muốn tôi hát nhạc trẻ. Nên tham gia hát bolero là một phần tôi muốn được cùng với mọi người thắp lửa nuôi dưỡng tình yêu bolero.

Trong dòng chảy nhạc Việt, bolero đối với tôi như một nhánh sông quê nằm riêng biệt bởi nó là dòng nhạc luôn chảy dù âm thầm hay cuồn cuộn mặc số phận đối xử nghiệt ngã.

Có lẽ ít dòng nhạc nào chở nhiều ký ức, kỷ niệm như bolero. Không ít người từng chê bolero là sến nhưng mỗi khi xa xứ họ lại tìm về những khúc dân ca, những bản bolero nghe cho đỡ nhớ nhà. Bởi không đâu xa, bolero đã và đang góp phần làm nên tiếng lòng cho TP này. Có ai ở giữa Sài Gòn chưa từng thấy cảnh giữa trưa nắng gió có anh chàng bán đĩa dạo đạp xe và máy văng vẳng hoài câu hát: “Anh đến với em vào một ngày trời đẹp nắng, một ngày phượng hồng thắm trong đôi mắt buồn xa xăm” (Phượng buồn); hay trên vỉa hè quán nhậu những đêm mưa anh bán kẹo kéo tỉ tê: “Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng, mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm” (Lạnh trọn đêm mưa)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm