“Cánh đồng bất tận” được chuyển thể thành phim “Sông nước”

“Cánh đồng bất tận” được chuyển thể thành phim “Sông nước” ảnh 1Ngay từ khi xuất hiện (2006), tác phẩm của cây bút trẻ ở miền Tây Nam Bộ Nguyễn Ngọc Tư đã gây nên một cuộc tranh luận tự phát sôi nổi và rộng khắp trên nhiều kênh truyền thông cũng như ngoài xã hội. Ý kiến khen chê đều cực đoan và chia rõ 2 chiến tuyến. Nhưng từ rất sớm, giá trị tác phẩm đã được khẳng định, bởi một lượng phát hành rất lớn, được tặng giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam (2006), và gần đây là giải thưởng Văn học ASEAN.

Sau khi đọc truyện đăng báo, Giám đốc Hãng phim Việt, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình từ Hà Nội đã về tận Cà Mau trực tiếp gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thương lượng để ký hợp đồng chuyển thể thành phim truyện. Nhà văn Ngụy Ngữ- một nhà biên kịch giàu kinh nghiệm, tác giả truyện và phim Con thú tật nguyền- đã hoàn thành việc chuyển thể thành kịch bản Sông nước.

Mượn một bối cảnh thực là những cánh đồng với sông nước mênh mông của miền Tây Nam Bộ, nhà văn nữ trẻ tuổi đã thêu dệt nên một bức tranh đời sống quen thuộc được lạ hoá.

Một bi kịch của những khát vọng sống trong một xã hội đang mở cửa và biến động.

Bắt đầu từ một người phụ nữ nông thôn, có một gia đình mẫu mực, có chồng giỏi việc, con ngoan, bản thân mình xinh đẹp, được chồng chiều chuộng hết mực, ngày kia nghe theo tiếng gọi một cuộc sống khác hấp dẫn nơi thị thành, đã bỏ gia đình ra đi.

Đau khổ vì hạnh phúc bị bất ngờ gãy đổ, không chỉ xé nát một gia đình mà còn xé nát cả tâm hồn, tình cảm, linh hồn một người đàn ông rắn rỏi, anh ta đã đốt cả ngôi nhà cùng tất cả những gì liên quan đến người vợ bội bạc, đưa hai đứa con lên một con thuyền nhỏ lênh đênh trên sông nước bằng nghề nuôi vịt thả đồng.

Hoàn cảnh thương đau dù không còn đạn bom vẫn có nguy cơ làm người ta đánh mất quê hương ngay trên quê hương, đẩy con người vào tình thế bị lưu đầy vĩnh viễn. Trong hành trình vô định ấy, người đàn ông đã trả thù đời một cách độc ác khi khoái trá, sau mỗi lần tàn nhẫn bỏ rơi những người phụ nữ đã yêu thương mình.

Hoàn cảnh khắc nghiệt đe doạ sự lành lặn đời sống tinh thần tình cảm của hai đứa trẻ. Nhưng nhờ trái tim từ mẫu, can đảm, biết khoan dung, tha thứ và cả sự tận hiến của người phụ nữ buộc phải kiếm sống bằng nghề bản thân, được chúng tình cờ cứu sống, mà tâm hồn trẻ thơ không bị khô héo, cằn cỗi.

Một hoàn cảnh sống trần trụi, khốc liệt của một gia đình nhỏ, bị tách khỏi đám đông, ngỡ đơn giản, tẻ nhạt mà tích tụ với mật độ đậm đặc các mối quan hệ tình cảm biến hoá khôn lường của kiếp người: Tình yêu đôi lứa, vợ chồng, cha con, chị em, hàng xóm…, một bức tranh thu nhỏ với hàm lượng cao của đời sống gia đình hiện đại.

Không gian sông nước miền Tây bao la, hào phóng và kỳ ảo. Không có dấu vết nào của cuộc chiến tranh lớn vừa đi qua. Một số lượng nhân vật ít, sinh sống trên một con thuyền nhỏ, lẻ loi. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nên lời thoại cũng cực ngắn và cực ít.

Qua cấu trúc, hình ảnh, khắc hoạ tính cách nhân vật thật sự tài hoa, bộ phim đã mở ra một không gian thăm thẳm, đa tầng, đa nghĩa, đa sắc, và bao la hơn không gian vật chất ấy là thế giới tinh thần, tình cảm của những con người thật hiện đại mà vẫn rất quen thuộc, thật cá biệt mà vẫn thấy phổ biến đó đây, không chỉ ở một xứ sở cụ thể.

Cốt truyện bạo liệt, nhưng được kể một cách đầy xúc động thể hiện một chủ nghĩa nhân văn cao cả, sâu sắc, đầy sức cảnh tỉnh.

Tác phẩm văn học đặc sắc đã tạo nên một cốt truyện hàm súc. Đến lượt mình, bộ phim đã đào sâu được vào những vỉa quặng tinh thần, tình cảm có nhiều sắc độ óng ánh, đầy hấp dẫn của một bi kịch về lòng người, tình người đầy nỗi đau nhân thế. Cánh đồng bất tận đã khép màn, nhưng Cánh đồng bao la của tình cảm con người đang bắt đầu nổi bão.

Theo MVy (Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm