Chàng Ê Đê kết hợp nhạc Tây Nguyên với… Tây phương

Công chúng hiện nay dường như chỉ biết đến Y Jalin - chàng trai ấy qua thành tích giải nhì Tiếng hát truyền hình TP.HCM 2012. Còn với nhiều người trong giới âm nhạc, Y Jalin là cái tên thôi thúc họ phải theo dõi từng đường đi nước bước của anh chàng.

Năng khiếu trời phú, được đào tạo bài bản

Có thể thấy cuộc đời riêng gắn với âm nhạc của Jalin chỉ với duy nhất một thiệt thòi nhưng đổi lại là rất nhiều may mắn. Thiệt thòi là vì Y Jalin vốn nghèo rớt mồng tơi từ đời cha ông, đến tận bây giờ anh vẫn nghèo. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân chính gốc tại buôn làng xa lắc của tỉnh Đắk Lắk. Còn may mắn là gì? Anh được người bác là NSND Y Moan phát hiện ra năng khiếu âm nhạc và uốn nắn, bồi đắp từ thuở anh chưa vào tiểu học. Bởi Y Moan chính là con nuôi của ông bà nội ruột của Y Jalin. Mà Y Jalin thì suốt thời ấu thơ lại chung sống với ông bà nội chứ không phải với cha mẹ. Không chỉ có giọng hát tốt, Y Jalin còn chơi rất cừ các loại nhạc cụ bởi được các ca sĩ, nhạc công của Đoàn ca múa nhạc Đắk Lắk kèm cặp. Ngoài chơi guitar bass và piano như hiện nay, anh còn được học đánh trống thuần thục từ năm mới học lớp 2, chơi tốt organ từ năm học lớp 5. Chỉ sau một tuần thọ giáo, Y Jalin đã đánh organ trơn tru bản Thánh ca trong nhà thờ khiến ông thầy phải sửng sốt.

Vào học ở Nhạc viện TP.HCM, Y Jalin nói mình may mắn được học với cô Lâm Trúc Quyên và thầy Tạ Minh Tâm. Với Y Jalin, họ không chỉ là thầy cô mà còn là hai ân nhân, không khác người cha, người mẹ thứ hai với “chuyên môn tuyệt vời, tình thương đặc biệt” dành cho anh, như anh nói.

Đời Y Jalin hóa ra lúc nào cũng có “quý nhân”, toàn người có tâm lẫn có tầm. Thì phải hiểu anh chàng này đã “ăn ở” thế nào mới gặp được họ.

“Chàng trai này hát nhạc có bản sắc riêng gây bất ngờ”. Đó là nhận xét của nhạc sĩ Lưu Thiên Hương về Y Jalin vào hai năm trước .

Đêm làm bốc vác, ngày học nhạc viện

Thời khóa biểu thời đại học của Y Jalin có thể khiến bất cứ ai nghe qua cũng sốc. Sốc vì cái nghèo của Y Jalin thì ít mà sốc bởi ý chí và niềm đam mê lạ lùng của anh dành cho âm nhạc thì nhiều. Còn Y Jalin thì hồn nhiên kể bằng giọng lơ lớ của mình: “Hồi đó em bận lắm. Từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng em đi vác gạo ở đường Bà Hạt được 40.000 đồng mỗi đêm. Nhờ vậy mà em có tiền để ban ngày đi học. Được vậy là mừng rồi chứ thời gian đầu mới xuống Sài Gòn, có nhiều ngày em chỉ có 4.000-5.000 đồng trong túi. Em mua củ khoai bẻ ra làm hai, sáng ăn nửa củ, chiều nửa củ”.

“Chưa thấy có gì thay thế được cho nhạc Tây Nguyên

Năm năm dùi mài ở nhạc viện, Jalin thấm nhuần bài bản nhạc cổ điển của Ý, của Nga. Lại thêm anh cũng rất mê các dòng nhạc pop ballad và rock and roll quốc tế. Nhưng tận sâu trái tim, Y Jalin nói: “Chưa thấy có gì thay thế được cho nhạc Tây nguyên. Nhạc Tây nguyên đẹp vô cùng”. Một sự thôi thúc rất tự nhiên, Y Jalin có chủ ý kết hợp hai loại nhạc này lại. Vậy là anh mày mò thể hiện thành công bản nhạc Chim K’Tia theo hơi hướng Tây phương. Bản nhạc được tải lên trang mạng mp3.zing, nhiều bạn bè trong giới nhạc nghe xong, kêu: “Trời ạ, cậu đã làm được cái việc mà tớ muốn làm từ lâu. Nghe đã tai lắm”.

Sắp tới, với phòng thu mini tại nhà trọ, Y Jalin đã lên một danh sách các bản nhạc Tây Nguyên nổi tiếng sẽ được thổi một sắc thái mới, như Ly cà phê Ban Mê, Suối hát Earey, Buôn làng Durkmăn... Tất cả sẽ mạnh mẽ hơn, nhộn nhịp hơn trên nền âm hưởng nhạc của núi rừng không đổi. Và ở đó, rất có thể tiếng cồng chiêng sẽ hòa quyện với tiếng đàn... piano.

Tổ chức liveshow nhạc Tây Nguyên

Hỏi ước ao lớn nhất bây giờ, Y Jalin sôi nổi: “Ở TP này, có rất nhiều giọng ca nhạc Tây Nguyên rất hay, người TP cũng thích nghe nhạc Tây Nguyên nhưng nhạc Tây Nguyên lại chưa từng có được một liveshow xứng đáng. Em muốn đứng ra kêu gọi tài trợ tổ chức một liveshow hát toàn nhạc Tây Nguyên. Tại sao lại không thể chứ?”.

“Tại sao lại không thể?”, bằng câu hỏi đó chàng trai 24 tuổi của núi rừng Tây Nguyên ngày từng ngày làm nên những cuộc bứt phá chưa từng có, chưa ai nghĩ tới và chưa ai dám làm dành cho dòng nhạc đã ngấm sâu vào máu huyết của mình. Nghe bản nhạc Chim K'Tia của Y Jalin.

TUẤN THỊNH

NSƯT Tạ Minh Tâm, Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM:

Y Jalin xứng đáng là tấm gương cho ca sĩ trẻ

Y Jalin là một học trò mà tôi rất quý sau hai năm dạy em ở nhạc viện. Em có tố chất rất đặc biệt, sở hữu khả năng nhạy cảm với âm thanh. Về năng khiếu ca hát, giống các ca sĩ đã thành danh xuất thân từ cao nguyên, giọng em rất khỏe, bốc lửa, hoang dã và đầy cá tính. Em chơi các nhạc cụ cũng rất tốt. Hiện nay không có nhiều ca sĩ vừa hát vừa tự đệm đàn một cách chuyên nghiệp như Y Jalin. Em có một tinh thần học tập rất chăm chỉ, nghiêm túc, yêu nghề dù ban đầu có gặp khó khăn trong việc tiếp thu lý thuyết âm nhạc như nhiều sinh viên người cao nguyên khác nhưng em đã nghiêm túc khắc phục để lĩnh hội trọn vẹn. Theo tôi, Y Jalin là một ca sĩ toàn diện về khả năng biểu diễn và hiểu biết âm nhạc. Em xứng đáng là tấm gương học tập của nhiều ca sĩ trẻ hiện nay ở chỗ không chỉ khai thác năng khiếu sẵn có mà còn đầu tư nghiêm túc bài bản. Tôi tin rằng trong tương lai không xa em sẽ được nhiều công chúng yêu âm nhạc nghiêm túc mến mộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm