Chạy đua vẽ các mẹ anh hùng

Trong một cuộc triển lãm nhỏ về ảnh chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) ở Củ Chi, TP.HCM vừa qua, mẹ Trần Thị Chắn, 90 tuổi đã nhận ra chân dung mình và xúc động nắm bàn tay người đã vẽ ra nó: “Bức này mẹ đẹp quá!”. Những nếp gấp trên khuôn mặt mẹ từ bức chân dung tỏa ra chồng lên nhau như sóng, như mây, như mẹ Chắn ngoài đời thực.

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt trả lời: “Đây là công việc yêu thích nhất, tâm huyết nhất của con. Con không cho phép mình vẽ xấu. Đối với con, mẹ nào cũng đẹp”.

Mỗi chân dung, một câu chuyện rưng rưng

Đặng Ái Việt là cái tên không xa lạ trong làng hội họa, được biết đến là người vẽ nhiều nhất chân dung các mẹ VNAH. Bà cho biết kế hoạch vẽ các mẹ được bắt đầu năm 2010 và lẽ ra hoàn thành năm 2015. Nhưng sau đó Nhà nước công nhận và vinh danh thêm nhiều bà mẹ VNAH theo Nghị định 56/2013/NĐ-CP, bà lại hối hả chạy đua với thời gian trên chiếc xe Chaly cũ. Năm nay nữ họa sĩ cũng đã gần 70 tuổi.

Bà Việt chia sẻ: “Từ Nghị định 56, những mẹ có hai con mà có một con hy sinh, một con là thương binh nặng hoặc những mẹ có một con trai duy nhất hy sinh đều được Nhà nước công nhận mẹ VNAH. Tôi rất vui mừng vì điều này ghi nhận xứng đáng công lao của các mẹ. Số lượng các mẹ được công nhận nhiều hơn nên tôi lại tiếp tục vẽ”.

Một lần, bà ra Quảng Nam gặp mẹ Nguyễn Thị Huề. Mẹ đã gần trăm tuổi và lẫn, không thể nhớ được ai. Nhưng cứ mỗi buổi chiều khi hoàng hôn chấp chới ngoài rặng cây, mẹ lại dò dẫm bước ra hàng rào “chờ cha con tụi nó về”. Bởi hàng rào này năm xưa, vào mỗi chiều mẹ lại ra đây canh chừng cho các chiến sĩ bò qua để “trở về nhà má ăn cơm”. Con cháu ra dẫn vào nhưng mẹ nhất định không chịu vào nhà. Họ phải luôn dỗ dành bằng câu “Mấy anh đã vào nhà rồi mẹ à”, bà mới dò dẫm quay về. Nữ họa sĩ rất xúc động và thổi những cảm xúc ấy vào bức họa của mình.

Họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ mẹ Mai Thị Chiệu, sinh năm 1917, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Cũng có khi lỡ nhịp

Có một mẹ ở huyện Củ Chi, TP.HCM đã gần 100 tuổi, dáng nhỏ xíu, lưng còng, đã rất yếu. Họa sĩ Đặng Ái Việt nhờ mẹ mặc áo gấm đỏ được Chủ tịch nước trao tặng (người già trên 80 tuổi sẽ được Chủ tịch nước tặng áo gấm). Khi mẹ lấy áo ra thì mối đã ăn lỗ chỗ vì cất quá lâu. Nữ họa sĩ lại thêm một lần giật mình vì thời gian trôi mau quá. Nhiều ngày liền bà chạy xe sáng đi chiều về, tìm gặp các mẹ, vẽ liên tục không nghỉ ngơi. Bà nói: “Củ Chi còn 10 mẹ nữa mà tôi chưa kịp vẽ. Thời gian gấp lắm rồi”.

Thời gian gấp lắm rồi, vì có những khi bà tìm đến, người thân cho biết mẹ vừa mất. Có lần bà gặp một mẹ đã gần trăm tuổi, sức khỏe leo lét như ngọn đèn trước gió, người nhà đã chuẩn bị tinh thần cho ngày mẹ ra đi. Trước hình ảnh đó, bà chỉ nắm tay mẹ lặng im, không lòng nào vẽ được.

Cũng có những lần bà suýt lỡ nhịp. Cách đây vài tháng, bà về Long An tìm mẹ Lê Thị Tầm đã 103 tuổi. Bà được trò chuyện với mẹ và hoàn thành bức chân dung. Rồi, mẹ mất sau đó vài tuần.

Với sức vóc nhỏ nhắn của một phụ nữ đã gần 70 tuổi, bà vẫn đi khắp nơi để tìm đến các mẹ. Bà nói: “Đừng lo về tuổi tác hay sức khỏe của tôi, lòng tôi muốn đi, chân tôi đi được”. Bà tâm nguyện sẽ vẽ tất cả chân dung các mẹ VNAH còn sống, bà gọi công trình này là “Hành trình chạy đua với thời gian”.

Người bạn đồng hành với họa sĩ Đặng Ái Việt là chiếc Chaly cùng với bộ dụng cụ sửa xe. Hễ xe hư là bà tự dựng xe lên kiểm tra, sửa chữa rồi đi tiếp. Có người hỏi bà vì sao không nhờ người đi chụp ảnh các mẹ, bà có thể vẽ từ ảnh chụp chân dung. Như vậy bà sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức đi khắp mọi miền đất nước. Bà đã gạt đi ngay: “Tôi phải vẽ bằng tình cảm của mình. Mỗi khi đến gặp các mẹ, tôi nhờ mẹ mặc áo thiệt đẹp rồi ngồi trò chuyện với tôi. Khi gặp rồi, mẹ nào cũng khiến mình xúc động, cảm xúc từ đó tự nhiên dâng trào trong mỗi nét vẽ”.

Trong những cuộc hội ngộ đó, có những lúc bà rơi nước mắt khi gặp những mẹ có gia cảnh quá khó khăn, neo đơn. Có mẹ dù già yếu rồi vẫn lụi cụi với mớ rau, rổ khoai ngoài chợ.

__________________________________

1.473 là con số bức chân dung mẹ VNAH trên cả nước đã được họa sĩ Đặng Ái Việt (nguyên là giảng viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM) hoàn thành, trong đó có 350 mẹ sống ở TP.HCM. Bà đã tặng 300 bức cho Bảo tàng Phụ nữ và 70 bức cho Bảo tàng Mỹ thuật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm