Chú lính chì Thiện Nhân và những bất ngờ tiếp nối

Bộ phim tài liệu Lửa Thiện Nhân vừa tiếp tục được hai cụm rạp BHD và Platinum Cineplex nhận phát hành tại TP.HCM và Hà Nội sau các buổi chiếu ở rạp Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Ngọc Khánh (Hà Nội).

Có thể nói đây là một bất ngờ cho số phận của một bộ phim tài liệu. Lâu nay việc phim tài liệu được các nhà phát hành hỗ trợ ra rạp là một điều xa xỉ, bởi thể loại này vốn không đem lại doanh thu.

Chúng tôi đã trò chuyện cùng anh Đặng Hồng Giang (ảnh), đạo diễn bộ phim tài liệu Lửa Thiện Nhân, về hành trình của Thiện Nhân, của mẹ Mai Anh và của chính anh.

Thiện Nhân đã từng “trôi qua” khỏi đạo diễn

. Phóng viên: Cuộc đời của bé Thiện Nhân từ khi sinh ra đến nay là những bất ngờ, bất ngờ từ việc em đến cuộc đời, bất ngờ từ việc chị Mai Anh nhận nuôi, bất ngờ từ cha đỡ đầu đến nhận nuôi, từ vị bác sĩ tận Ý xa xôi đến mổ tái tạo bộ phận sinh dục… Với anh, Lửa Thiện Nhâncó là bất ngờ khi anh chọn lựa câu chuyện để làm phim?

+ Đạo diễn Đặng Hồng Giang: Câu chuyện của Thiện Nhân đến với tôi bằng một mẩu tin trên báo Công An TP.HCM khi tôi đang là phóng viên của báo, như bao người khác, tôi không đọc hết bản tin vì đau xót và cũng như bao người, đau mấy rồi cũng lãng quên…

Cho đến năm 2008, khi đang du học ở Úc tôi đọc được thông tin Mai Anh đón Thiện Nhân về nuôi ở Hà Nội. Lúc đó tôi rất thắc mắc về cô này và tôi bật ngay ý tưởng làm bộ phim tài liệu. Bất ngờ nhất là tôi chỉ định làm phim ngắn tầm hơn 20 phút nhưng rồi câu chuyện quá hay nên tôi quyết làm lớn bộ phim này.

Phim tài liệu Lửa Thiện Nhân là hành trình đời thực của hai mẹ con Mai Anh - Thiện Nhân. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

. Vì sao anh chọn chị Mai Anh làm người kể chuyện?

+ Mai Anh là một phụ nữ thông minh, quyết liệt, chính Mai Anh là người làm nên bộ phim. Riêng phần kể chuyện của Mai Anh tôi đã quay trong hai buổi kéo dài gần tám tiếng để chắt lọc lại thành 50 phút trong phim. Và Mai Anh cho tôi khoảng 500 g tư liệu về hình ảnh, clip của Thiện Nhân từ ngày bé đến giờ. tư liệu đó là linh hồn của bộ phim.

Việc tích cóp tư liệu đó không phải để làm phim mà để đợi khi con trưởng thành, trao lại toàn bộ tư liệu đó để con tự hiểu về cuộc đời của mình. Mai Anh có cách nuôi dạy con rất đáng học. Cảm giác khi tôi làm bộ phim này là lẫn lộn giữa niềm vui và lòng khâm phục với Mai Anh.

Mai Anh luôn dạy con đối mặt với sự thật chứ không giấu giếm, như một câu chuyện nhỏ không có trong phim, đó là một ngày Thiện Nhân đi học về, Nhân bảo: “Mấy bạn chọc con là đứa một chân”. Mai Anh đã nói Thiện Nhân rằng: “Thế con một chân thật, mấy bạn nói có gì sai đâu”… Mai Anh giúp con nhận ra sự thật và sau đó cô sẽ giải thích bằng cả lòng yêu thương.

Thiện Nhân giúp tôi tử tế thêm

. Trong phim, khi Thiện Nhân trải qua quá nhiều ca phẫu thuật với đau đớn, chính chị Mai Anh đã băn khoăn rằng không biết những ca phẫu thuật dành cho Nhân là để thỏa ước mơ của chính mình hay đây là việc làm cho con. Vậy với anh, khi làm bộ phim này là anh muốn thỏa mãn chính mong muốn kể một câu chuyện hay, ghi dấu trong nghề hay là một hành trình tiếp nối cho Thiện Nhân?

+ Tôi không ước mơ bộ phim sẽ làm được gì to tát, với tôi đây là một câu chuyện thật, đẹp và là người làm nghề, tôi phải ghi nhận lại nó. Khi tôi kể câu chuyện này với mọi người qua bộ phim của mình, tôi chỉ mong mọi người cùng thấy đây là một câu chuyện tốt đẹp để thấy cuộc đời vẫn còn nhiều thứ để vui sống nếu dựa trên lòng nhân ái, thương yêu.

Từ Mai Anh, Thiện Nhân và những người xung quanh cuộc đời họ giúp tôi thấy cuộc sống này còn nhiều điều tử tế và giúp tôi tử tế hơn thêm. Có lẽ vì vậy mà nhiều khán giả xem phim xong không thấy ủy mị mà thấy trên nền khổ đau là sự tươi sáng.

. Xin cám ơn anh.

Thiện Nhân đến rạp nhưng không vào xem phim

Bộ phim đã giúp tôi xâu chuỗi toàn bộ sự kiện dù nó không mới với tôi nhưng nhờ sự xâu chuỗi đó tôi được nhìn lại và hiểu thêm quá khứ của mình, Thiện Nhân và mọi người. Bởi mọi chuyện với tôi hằng ngày đều như trong phim, công việc luôn cuốn chúng tôi vào hành trình phía trước mà không có sự nhìn lại.

Một điều nữa bộ phim làm được là sau khi phim công chiếu, Quỹ Khát vọng tuổi thơ nhận được nhiều sự giúp đỡ từ mọi người hơn và hồ sơ của các phụ huynh có con em khiếm khuyết bộ phận sinh dục cũng được gửi về chúng tôi nhiều hơn. Nếu không có bộ phim, nhiều người sẽ nghĩ trường hợp mất bộ phận sinh dục như Thiện Nhân là cá biệt nhưng thật sự có nhiều trẻ bị như thế.

Với chính Thiện Nhân, bộ phim không lạ với con bởi hằng ngày Nhân sống như thế. Tôi có nói với con rằng có một bộ phim như vậy, có cả con và mẹ trong phim, khi nào con muốn xem thì mẹ con mình cùng xem. Tôi cũng đã đưa cháu đến rạp nhưng cháu nói cháu thích chơi ở ngoài, vậy là tôi để cho cháu đi chơi ở ngoài thôi.

Chị MAI ANH, mẹ của Thiện Nhân, Quỹ Khát vọng tuổi thơ

Bé Thiện Nhân (sinh năm 2006) ra đời trong sự không mong muốn của cha mẹ. bi kịch nhất của em là em bị bỏ rơi trong một khu vườn ngay sau khi chào đời và em bị động vật tấn công làm mất một chân, tổn thương nghiêm trọng bộ phận sinh dục.

Phim Lửa Thiện Nhân dài hơn 70 phút kể về hành trình của bé Thiện Nhân và Quỹ Khát vọng tuổi thơ, trong đó người dẫn chuyện trong phim cũng chính là người dẫn dắt cuộc đời của Thiện Nhân ngoài đời. Đó là chị Mai Anh, mẹ nuôi của bé Thiện Nhân.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.