Chữ Quốc ngữ là thành tựu văn minh hay ‘công cụ xâm lăng’?

Chữ Quốc ngữ là thành tựu văn minh hay là “công cụ xâm lăng”, Alexandre de Rhodes là danh nhân văn hóa hay là kẻ thù dân tộc…? Đó là những nội dung được đề cập tại buổi tọa đàm có chủ đề “Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ: Chủ nghĩa quốc dân và quá trình kiến tạo bản sắc dân tộc” do tạp chí Tia Sáng tổ chức chiều 6-12. 

Theo ban tổ chức, tọa đàm nhằm thảo luận đa chiều và có hệ thống xung quanh một tranh cãi gay gắt không có hồi kết.

Cụ thể, đề xuất lấy tên Alexandre de Rhodes đặt cho một con đường ở Đà Nẵng đã gây ra cuộc tranh cãi dữ dội xung quanh vai trò, đóng góp của chữ Quốc ngữ với sự phát triển văn hóa dân tộc: chữ Quốc ngữ là thành tựu văn minh hay là “công cụ xâm lăng”?  Alexandre de Rhodes là danh nhân văn hóa hay là kẻ thù dân tộc? Câu chuyện của chủ nghĩa công - tội đã nhận sự phản ứng dữ dội trong nhiều diễn đàn khác nhau.

TS Trần Trọng Dương (trái) trình bày tại buổi tọa đàm. Ảnh: V.THỊNH

Cuộc tranh luận ngày càng đa chiều, mở rộng, ban đầu từ vấn đề chữ Quốc ngữ, giờ đây còn sang cả chữ Nôm, chữ Hán, cũng như lịch sử ra đời, vai trò của các loại chữ viết này trong lịch sử Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, TS Trần Trọng Dương đã trình bày về quá trình kiến tạo các “bức tranh” khác nhau về chữ viết, bối cảnh lịch sử-văn hóa, nền tảng ý thức hệ, các diễn ngôn lịch sử xoay quanh các vấn đề về hai hệ thống chữ viết dùng để ghi tiếng Việt.

Theo TS Trần Trọng Dương, trên cơ sở chữ Hán, ông cha ta đã sáng tạo ra chữ Nôm từ rất sớm để ghi âm tiếng Việt. Chữ Nôm trở thành chữ Quốc ngữ đầu tiên của dân tộc.

Chữ Nôm đồng hành với tiếng Việt suốt trường kỳ lịch sử, từ chỗ ghi chép, tiếng Việt dần trở thành “thao trường” để tiếng Việt nâng cấp/ hoàn thiện (dùng để dịch kinh điển các đạo Nho, Phật, Lão, Thiên Chúa, dịch văn học, sáng tạo văn học, biên chép lịch sử, ghi chép khoa học, văn hóa nghệ thuật... 

Về sau, chữ Quốc ngữ (trên cơ sở hệ thống chữ cái La tinh) từ thân phận là chữ viết ngoại lai trở thành công cụ của chính quyền.

Từ “Quốc ngữ” dùng để gọi chữ Nôm ngày trước được hiểu là ngôn ngữ của một bang quốc, một triều đình. Còn “Quốc ngữ” khi dùng để gọi chữ viết chính thức ngày nay được hiểu là ngôn ngữ của một quốc gia.

Từ năm 1945, chữ Quốc ngữ (ngày nay) trở thành công cụ chính thức để ghi âm tiếng Việt, trở thành công cụ chính trị, công cụ để kiến tạo bản sắc dân tộc. Bản sắc dân tộc là một thứ diễn ngôn được kiến tạo bởi nhà nước.

TS Phạm Thị Kiều Ly (phải). Ảnh: V.THỊNH

Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ là một lựa chọn của lịch sử, mà lịch sử là những câu chuyện đã rồi, như viên đạn một khi đã bắn đi thì không thể quy hồi. Đứt gãy văn hóa khi thay thế chữ Nôm bằng chữ Quốc ngữ là rất lớn.

TS Phạm Thị Kiều Ly (nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ) trình bày về Lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615-1919, cho rằng chữ Quốc ngữ trở thành văn tự quốc gia của Việt Nam mà không phải là của các nước Đông Dương khác bởi đây là sự lựa chọn vừa bị động vừa chủ động của Việt Nam. Nói cách khác là Việt Nam vừa được lựa chọn vừa bị lựa chọn.

Nước Pháp ban đầu muốn hiện thực hóa ý đồ dùng chữ Quốc ngữ làm cầu nối để trẻ con Annam học Pháp ngữ. Còn người An Nam lựa chọn chữ Quốc ngữ vì dễ học, dễ sử dụng hơn so với chữ Nôm.

Về câu chuyện cộng đồng đang tranh luận rằng chữ Quốc ngữ là thành tựu văn minh hay là “công cụ xâm lăng”, Alexandre de Rhodes là danh nhân văn hóa hay là kẻ thù dân tộc, TS Trần Trọng Dương cho biết cả hai nhóm cộng đồng đều xuất phát từ tình cảm yêu nước và tự cường dân tộc. Đều muốn sở hữu lịch sử, phán xét lịch sử nhưng theo cách không giống nhau.

Đồng tình với quan điểm của một cử tọa, TS Phạm Thị Kiều Ly cho rằng ghi công của Alexandre de Rhodes là cần thiết, tuy nhiên không nên đánh giá có phần quá khích vai trò của ông. Chữ Quốc ngữ chỉ là một sự lựa chọn đầu thế kỷ XX, chỉ là công cụ để ghi âm tiếng Việt; “tiếng ta còn, nước ta còn”, nếu không có chữ Quốc ngữ thì vẫn còn đó “tiếng ta”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm