Chuyện ca trù xưa qua hồi ức một đào nương

Với nét mặt hiền từ, cử chỉ lịch lãm, phong cách ăn mặc nền nã, giọng nói ấm và vang dù đã ngoài 80 tuổi, bà gợi cho người ta thấy ngay hình ảnh một đào nương ca trù Hà Nội xưa. Bà là Phó Kim Đức, đào nương nổi tiếng ở phố Khâm Thiên thời kỳ 1943-1945.

Cô đầu hát, cô đầu rượu

Sinh năm 1931, bà Kim Đức hồi đó mới chỉ là một cô bé 12-13 tuổi nhưng đã là một đào nương có tiếng. Nhà bà ở số 89 Khâm Thiên, ngay giữa con phố cô đầu nổi tiếng của Hà Nội. Bà sinh ra trong một gia đình có nòi ca trù (cha là nghệ nhân Phó Đình Ổn, từng là quản giáp của một giáo phường danh tiếng), được cha dạy hát, dạy đàn từ năm lên bảy. Thêm năng khiếu trời cho, 12 tuổi bà đã cùng anh trai Phó Đình Kỳ đi biểu diễn ở khắp các nhà hát trong phố. Tiếng hát, giọng phách trong vắt, đầy mê hoặc của bà nhanh chóng chinh phục được quan khách nên chẳng bao lâu, “cô Đức cậu Kỳ” được mời đi hát ở khắp các nhà hát tại Hà Nội và cả các tỉnh lân cận.

“Ban ngày, tôi ở nhà trông em, đi học khâu, thêu, may, gia chánh; tối thì đi hát cho những nhà mời mình. Người ta cho xe tay đến đưa đi. Nhiều nhà hồi ấy giàu lắm, có ôtô riêng, thì họ đưa mình đi bằng ôtô. Hát từ độ 7 giờ đến 11 giờ, có hôm đến 12 giờ đêm” - bà Kim Đức nhớ lại.

Chuyện ca trù xưa qua hồi ức một đào nương ảnh 1

Đào nương Kim Đức và kép đàn Nguyễn Công Hưng. Ảnh: NGỮ THIÊN

Theo bà Đức, ca trù không chỉ là nghệ thuật ca hát mà nó còn là văn học. Người nào hiểu văn sẽ yêu ca trù, sẽ thấy nó cao cấp, hàn lâm, khoa học. Bà cho rằng chỉ từ khi chính quyền thực dân cấp môn bài bừa bãi, nhiều nhà giàu thừa tiền mở nhà hát lung tung thì cô đầu rượu mới xuất hiện và ca trù rước tiếng xấu từ đó. Bà bức xúc: “Mình có nghề mà không có tiền thì phải đi hát thuê, thế rồi đến lúc mang tiếng thì mình chịu cả. Thật ra cô đầu đúng nghĩa phải là những đào nương tài hoa, có nghề ca trù vững vàng”.

Tuy vậy, giai đoạn trước năm 1945, thực sự ca quán ca trù nào cũng có cả cô đầu hát (đào nương) và cô đầu rượu. Suốt chầu ca trù, cô đầu hát cứ hát; cô đầu rượu cứ tiếp rượu, tiếp trà cho khách. Ngày ấy, báo chí cũng có nhiều hí họa, phóng sự phản ánh về khu phố Khâm Thiên, Vạn Thái, trong đó cả đào rượu lẫn đào nương đều bị gọi là cô đầu. Thêm nhiều vụ các bà ghen tuông vì các ông đi “chơi cô đầu”, thế là tiếng xấu càng dày thêm. Nhắc đến hát ả đào, người ta nghĩ đến một thú ăn chơi trác táng, còn cô đầu là loại người… “lấy khách - khách bỏ về Tàu, lấy nhà giàu - nhà giàu hết của”.

Hỏi bà Kim Đức về chuyện này, bà bực bội: “Nhà nào mà chẳng có cô đầu rượu. Tôi làm nghề, tôi chỉ biết hát thôi. Hát xong thì tôi về, chứ biết đâu chuyện “công đoạn ba”. Chắc là cũng có những cô không nghề nghiệp gì nhưng có sắc, xin vào làm cô đầu rượu”. Tuy thế bà cũng khẳng định vẫn có nhiều nhà hát mà khách đến vì muốn được thưởng thức ca trù thật sự, chứ không phải vì muốn tìm kiếm “món lạ”.

Không gian ca trù xưa

Thời xa xưa, ca trù diễn ra chủ yếu trong không gian đình (đền) làng nên còn được gọi là hát cửa đình. Thời Pháp thuộc, khi việc mở nhà hát trở thành một nghề kinh doanh thì chầu hát được tổ chức trong nhà. Trong phòng, người ta kê vài bộ ghế ngựa, một tấm phản. Đào nương và kép (người gãy đàn) ngồi xếp bằng tròn trên phản, hát theo yêu cầu của khách. Bà Kim Đức kể: “Một chầu hát chỉ có hai anh em tôi. Người ta yêu cầu bài gì thì mình hát bài đó, đủ cả: thơ Nguyễn Công Trứ, thơ Cao Bá Quát, Thét nhạc, Bắc phản… Người nghe ngồi im phăng phắc, lịch sự lắm!”.

Đào nương hát hay sẽ được quan khách thưởng bằng tiền, bỏ phong bì đặt cẩn thận vào đĩa. Bà Kim Đức và ông Phó Đình Kỳ đều là “sao”, được thưởng rất nhiều.  

Sau Cách mạng Tháng Tám, ca trù, với những tiếng xấu đang phải gánh chịu, bị gộp chung vào với “các tàn dư của chế độ phong kiến”. Tất cả đào nương đều lặng lẽ chôn vùi thân phận, giấu phách, bỏ đàn. Bà Kim Đức tản cư rồi về thành làm nghề sản xuất và buôn đồ nhựa. Năm 1962, bà được nhận vào công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam với công việc hát chèo, ngâm thơ. Năm 1993, bà được phong danh hiệu NSƯT, cũng với chức danh nghệ sĩ chèo.

Giờ đây, nhớ về những năm tháng làm “đào nương nhí” trước 1945, nghệ sĩ Kim Đức vẫn bồi hồi nghĩ đến một thời vang bóng của ca trù, khi người ta lắng nghe ca trù với tất cả sự hiểu biết và tôn trọng. Đồng thời, bà cũng không khỏi bức xúc khi xã hội vẫn tò mò, kỳ thị về hai tiếng “cô đầu”...

Không có thống kê chính thức, chỉ biết ký giả Hồng Lam trong một bài phóng sự điều tra trên báo Trung Bắc Chủ Nhật có viết rằng năm 1938, ngoại ô Hà Nội có 216 nhà hát và gần 2.000 cô đầu, trong khi dân số toàn Hà Nội thời ấy chỉ khoảng 250.000 người.

Bà Kim Đức hồi tưởng: “Hà Nội ngày ấy nhiều nhà hát ca trù lắm: Khâm Thiên, Vạn Thái, Ngã Tư Sở, Vĩnh Hồ, đường Láng, các cửa ô Đồng Lầm, Gia Lâm, Gia Thượng… chỗ nào cũng có ca trù”.

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm