Chuyện tử tế luôn được chào đón ở bất kỳ đâu

Gương hai chiều phát sóng vào 11 giờ Chủ nhật hằng tuần trên kênh HTV7 sẽ chia tay khán giả trong tập cuối vào trưa Chủ nhật cuối cùng (31-12) của năm 2017 này sau một thời gian lấy đủ nước mắt, nụ cười của khán giả nhưng bằng chính những câu chuyện rất đời, gần gũi người xem.

Một Trấn Thành chững chạc không lố

Người dẫn dắt những xúc cảm của khán giả trong chương trình là MC Trấn Thành và ở đây, người xem được thấy một Trấn Thành hoàn toàn khác. Anh chứng minh khả năng tung hứng trong mạch chuyện kể của nhân vật và trôi theo cảm xúc của họ.

Gương hai chiều có cả những anh giang hồ hoàn lương; chị Tâm sida với những đứa con nhiễm HIV không cùng dòng máu; chú Ba Chúc hiền lành 40 năm vớt xác ở cầu Bình Lợi; chú Ba Oanh chuyên lo hậu sự cho những người kém may mắn khi qua đời; hay anh bộ đội biên phòng nặng lòng vì những con chữ vùng xa…

Có thể khán giả đã từng gặp họ đâu đó trên mặt báo, trong một bản tin… nhưng chưa bao giờ họ cùng ngồi lại chia sẻ về những điều tương đồng lẫn dị biệt trong hành trình làm người tử tế của họ. Khán giả có thể biết về Thượng úy Trần Bình Phục với tám năm đến đảo Hòn Chuối, nơi không đường, không trường, không điện… để dạy chữ; biết về anh kỹ sư điện Nguyễn Bình Nam đem chữ đến vùng miền núi Quảng Nam. Nhưng chưa bao giờ khán giả chứng kiến hai nhân vật này ngồi cùng nhau. Gương hai chiều là nơi mà người gieo chữ vùng núi, người gieo chữ vùng biển cùng hội ngộ, chuyện trò, qua đó người xem thấy được việc học hành của trẻ em miền xa cực nhọc như thế nào.

Trấn Thành (ngoài cùng bên trái) trò chuyện cùng người vớt xác và người mai táng từ thiện ở Sài Gòn. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

“Cứu người không kịp, nuốt cơm không vào”

Có hai ông Ba, là ông Ba Oanh và ông Ba Chúc, cùng ngồi với nhau ở Gương hai chiều. Ông Ba Chúc (Nguyễn Văn Chúc) là người 20 năm ròng vớt xác trên sông; còn ông Ba Oanh là người tích cóp heo đất suốt ba năm trời chỉ để mua cờ, xí, hoành… lập nên đội mai táng từ thiện mang tên Phước Thiện. Họ đã cùng rớt nước mắt khi chứng kiến người đứng giữa lằn ranh sống chết, cùng kể về phận người khi họ không kịp cứu, khi họ thổi hồi kèn cuối cùng tiễn đưa…

“Mỗi đêm bất cứ nơi nào ở giữa Sài Gòn, thành phần gì không biết, dù xì ke ma túy, ăn cướp, ăn trộm… thì khi đã vãng sanh mình phải hoan hỉ cho họ. Đêm nào không có điện thoại 12 quận, huyện gọi tới chú Ba Oanh thì tôi coi đó là người thân của tôi vẫn còn ở 12 quận, huyện Sài Gòn” - ông Ba Oanh chia sẻ trong Gương hai chiều.

Bình thường nhưng không tầm thường

Hơn 30 gương mặt xuất hiện trong Gương hai chiều là người nổi tiếng, là những người thành công trong xã hội và cả những con người rất đỗi bình thường nhưng không tầm thường. Đó là TS-BS Cao Hữu Nghĩa, Trưởng khoa Xét nghiệm Sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TP.HCM; là ThS-BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM; là diễn viên Việt Trinh, diễn viên John Huy Trần… với nét đẹp đời thường “đóng rất tròn vai mà không cần diễn”.

Người viết khi xem câu chuyện về ông Ba Oanh và ông Ba Chúc trong Gương hai chiều bỗng nhớ đến câu thơ của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền: “Chiếc kèn hát mãi than van/ Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng/ Sao tuổi trẻ quá buồn/ Như con mắt giận dữ”.

Tìm đâu giữa bạt ngàn thông tin ngồn ngộn hằng ngày về kinh tế, chính trị, giải trí… những chương trình có thể làm cho người xem lắng lại vài ba giây trong lòng, nghĩ về những điều tốt còn lại trong đời sống?! Có bao người nghĩ như ông Ba Oanh, “mình thiệt một chút mà lợi được cho xã hội thì mình làm”! Hay như ông Ba Chúc: “Mình làm vì chính mình, vì đồng loại, vì anh em. Thân thể của anh em như thân thể của mình thôi, mình cố mà thương anh em thôi. Bữa nào cứu không kịp người bữa đó tôi không nuốt nổi cơm”.

Gương hai chiều sẽ khép lại hành trình chia sẻ của hơn 30 nhân vật trong số cuối cùng vào trưa 31-12 sau gần bốn tháng phát sóng. Chưa biết chương trình có trở lại mùa thứ hai hay không bởi những áp lực từ quảng cáo, lượng người xem…

Nhưng thôi, hãy cứ hy vọng, bởi vốn dĩ êkíp làm chương trình cũng chỉ có một niềm tin duy nhất: “Mong muốn chương trình mang đến những câu chuyện đẹp bởi tất cả nhân vật của chương trình đều có một tâm hồn đẹp. Họ chỉ biết sống vì cộng đồng, vì những người mà giống như họ mắc nợ hay vì sứ mệnh họ mang vác trong cuộc đời này”. Lời tâm sự của nhà văn Phương Huyền, người chấp bút cho kịch bản chương trình Gương hai chiều, khiến ta có quyền hy vọng vào mùa phát sóng kế tiếp với những câu chuyện đời hơn, đẹp hơn, tử tế hơn giữa đời này.

Tôi vẫn “lời” từ Gương hai chiều

Trấn Thành học từ chính những nhân vật trong chương trình. Họ là cả một thư viện sống về cách sống và giúp đời tử tế. Thành cảm nhận qua mỗi chương trình mình có thêm một cảm xúc mới, cách nhìn mới về một vấn đề nào đó trong cuộc sống này mà toàn là những vấn đề rất nóng, cấp thiết cho cuộc sống. Dù định dạng và định vị chương trình không phải chương trình lớn, đầu tư nhưng Thành chấp nhận tham gia và cát sê không cao, bởi Thành “lời” về cảm xúc và vốn sống. Có những chương trình Thành đồng cảm, thán phục, rồi ủng hộ san sẻ hết hẳn, thậm chí bù thêm để gửi tặng, giúp đỡ tạm thời các cô chú, nhân vật mà mình quá quý và yêu thương.

MC TRẤN THÀNH, người dẫn Gương hai chiều

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm