Chuyện xưa chuyện nay: Thành nhà Hồ đã là di sản thế giới

ANH PHÓ trả lời: Thưa bà Ngọc Oanh,

Theo Công ước quốc tế về bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được thông qua năm 1972 (Việt Nam tham gia năm 1987) thì để được công nhận là di sản văn hóa thế giới (the world cultural heritage) phải là những công trình kiến trúc vĩ đại, lạ thường, có giá trị thế giới nổi bật theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật và khoa học. Cụ thể kiến trúc đó có giá trị tiêu biểu nổi bật cho một truyền thống đặc sắc của nhân loại. Ngày 27-6 vừa qua, cuộc họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản văn hóa thế giới thuộc UNESCO đã chính thức công nhận thành nhà Hồ của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới cùng với một số di tích thời tiền sử ở châu Âu, châu Phi, khu vực Trung Cận Đông và Tây Á. Thành nhà Hồ trước đây đã được nhà nước ta công nhận đợt đầu tiên là di tích lịch sử quốc gia từ năm 1962.

Chuyện xưa chuyện nay: Thành nhà Hồ đã là di sản thế giới ảnh 1

Thành nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới.

Theo chính sử của nước ta (Đại Việt sử ký toàn thư) ghi chép, thành này được xây dựng cấp tốc trong vòng ba tháng vào mùa xuân năm 1397, cuối đời nhà Trần, trong cuộc chiến tranh vệ quốc để phòng bị chống quân xâm lược nhà Minh. Về mặt phi vật thể thì thành nhà Hồ thể hiện tinh thần yêu nước, quyết chiến với giặc phương Bắc tới cùng, khi chúng liên tục gây áp lực lăm le muốn cướp nước ta. Một kinh thành vĩ đại, độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam, được xây dựng với thời gian kỷ lục chỉ trong vòng vài tháng... quả ngoài sức tưởng tượng của loài người trong thời đại ngày nay. Không hiểu sao tổ tiên người Việt cách nay hơn sáu thế kỷ đã làm được việc ấy nếu không có công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly, nếu không có lòng yêu nước của dân tộc Việt với tư tưởng chủ động bảo vệ độc lập dân tộc.

Thành nhà Hồ là một công trình nổi bật, đặc sắc mang tính toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực của một nhà nước ở vùng Đông Á vừa là một pháo đài quân sự chống một thứ giặc ngoại xâm hung hãn phương Đông.

Chỉ riêng về mặt vật chất còn tồn tại đến ngày nay qua hơn 600 năm với những bề cạnh thành xung quanh bằng đá gần 900 m (phía nam 877,1 m, phía bắc 877 m, phía đông 879,3 m và phía tây 880 m) với diện tích chung gần 77 ha. Tường thành cao chớn chở xây dựng bằng những khối đá lớn có khối nặng trên 26 tấn, được đẽo gọt và ghép khắng khít chồng sát nhau thành vách đứng lên cao hàng chục mét một cách tài tình! Đời sau không thể biết được những khối đá khổng lồ đó đã được đưa từ đâu tới, di chuyển cực lực, hỏa tốc bằng phương tiện gì, đưa chúng lên cao bằng cách nào?

Thành nhà Hồ đã được Liên Hiệp Quốc (Tổ chức UNESCO) công nhận là di sản thế giới đang là niềm tự hào của dân tộc ta về một công trình kiến trúc vĩ đại do tài năng sáng tạo, sức lao động tuyệt vời và cả sự hy sinh xương máu to lớn của tổ tiên ta xây dựng nên để bảo vệ Tổ quốc trước bạo lực bành trướng của kẻ thù phương Bắc.

Đó là thể hiện hùng hồn văn hóa của người Việt, xứng đáng được toàn thể loài người trên thế giới thời đại ngày nay ngưỡng mộ, kính phục để cùng ra sức bảo tồn nó với tư cách một di sản thế giới.

Kính chào bà.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 169)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm