Có một không gian nghệ thuật tại gia

Những năm 70 của thế kỷ trước, những sinh hoạt âm nhạc với loại hình đàn, hát… thường diễn ra tại các gia đình trung lưu ở thành thị và các gia đình giàu có ở nông thôn vào dịp sinh nhật, tết hoặc họp mặt... Sau này vì nhiều nguyên do, hoạt động này dần mất đi. Tuy nhiên, hiện nay những sinh hoạt nghệ thuật tại gia như thế đang trở lại.

Từ nghệ thuật ở tư gia người nổi tiếng…

Không lâu sau khi trở về Việt Nam định cư, GS Trần Văn Khê bắt đầu tổ chức các chương trình nghệ thuật tại tư gia ở quận Bình Thạnh
(TP.HCM). Bất kể trời mưa hay nắng, chủ đề hát bội, nhạc cụ dân tộc, ca trù hay cải lương…, phòng khách của nhà riêng GS Trần Văn Khê luôn chật kín người nghe. Đã có đến 20 chương trình dành cho âm nhạc dân tộc nhưng dường như không gian âm nhạc định kỳ tại tư gia GS Trần Văn Khê vẫn luôn được công chúng, đặc biệt là các khán giả trẻ, chờ đợi.

Chương trình tiếng là định kỳ nhưng việc thực hiện thường phụ thuộc vào sức khỏe của GS Khê. Có khi đến mấy tháng trời chương trình không tổ chức được khiến khán giả vừa nhớ vừa phập phồng lo cho sức khỏe của ông. Đặc biệt, với những buổi sinh hoạt nghệ thuật có sự tham dự của các thành viên trong gia đình GS Khê như GS Trần Quang Hải (con trai GS Trần Văn Khê) và vợ là ca sĩ Bạch Yến, GS Vĩnh Bảo (bạn thân thiết như người nhà của GS Khê), KTS Trần Quang Minh… thì tính gia đình trong sinh hoạt nghệ thuật tại gia càng thể hiện rõ.

Lần nọ vì sức khỏe yếu, GS Khê đã bỏ không tập đàn, thế nhưng “vì coi Hải vừa là con vừa là bạn nên năm ngày nay tôi đã tập đờn lại để hôm nay có thể hòa đờn với con” - GS Khê chia sẻ trong một buổi sinh hoạt nghệ thuật.

Có một không gian nghệ thuật tại gia ảnh 1

GS Trần Văn Khê và vợ chồng con trai là GS Trần Quang Hải - ca sĩ Bạch Yến cùng hòa đàn. Ảnh: QUỲNH TRANG

Cuối năm 2009, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 đã xuất hiện một ban nhạc đến từ ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai. Đó là ngôi nhà của vợ chồng nghệ sĩ Tuyết Mai và NSƯT Đinh Linh. Từ những buổi tập đàn, tập nhạc giữa cha mẹ và hai người con trai (Đinh Duy Thành và Đinh Nhật Minh), ban nhạc hình thành và đi diễn khắp nơi. Và chính từ niềm mong mỏi duy trì nghề cho gia đình, tạo điều kiện cho hai con tiếp xúc với nhạc cụ truyền thống nhiều hơn và để có thêm kinh phí… mà Trúc Mai House ra đời. Hiện nơi đây đã trở thành một điểm du lịch cho du khách nước ngoài muốn thưởng thức nhạc dân tộc tại TP.HCM.

Đến Trúc Mai House (phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM), không chỉ được nghe hòa nhạc dân tộc, khán giả còn được gặp gỡ thăm một gia đình nghệ sĩ ba đời theo nghề sáo trúc (cha của nghệ sĩ Đinh Linh là nghệ sĩ sáo trúc Đinh Thìn). Tại đây, du khách cũng có thể xem những nhạc cụ được trưng bày, thưởng thức những tiết mục do chủ nhà biểu diễn, nghe nói chuyện về âm nhạc, học cách chơi các nhạc cụ...

… Đến nghệ thuật tại các gia đình yêu văn nghệ

Nếu loại hình chủ yếu ở những buổi biểu diễn tại gia đình những người nổi tiếng là âm nhạc truyền thống thì ở Câu lạc bộ Doanh nhân hát, trong những buổi diễn tại gia, thể loại nhạc nhẹ thường được ưu tiên. Ở đó, các thành viên trong câu lạc bộ như doanh nhân Trịnh Hoàng Hải, Tấn Sơn, Bích Ngà… đảm nhận phần hát còn các thành viên khác đệm đàn. Không chỉ các thành viên trong nhóm mà vợ, con, người thân, bạn bè của họ cũng tham gia. Cũng có những buổi diễn như chương trình riêng của một gia đình: Vợ hát, con và cha đàn hoặc cả nhà cùng hòa đàn với nhau.

Có một không gian nghệ thuật tại gia ảnh 2

Một buổi sinh hoạt âm nhạc tại gia đình anh Trần Minh Tâm của Câu lạc bộ Doanh nhân hát. Ảnh: MÂY NGỌC

Ở những buổi sinh hoạt theo chủ đề như đêm nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn…; họ mời các nhạc sĩ cũng là bạn bè đến tham dự. Tối 30-10 vừa qua, tại tư gia doanh nhân Trần Minh Tâm là đêm giao lưu với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Quốc Dũng với sự tham dự của đông đảo khán giả được mời lẫn “nghe tin mà tới”.

Hay một không gian mới hơn, khách sạn Faifoo Boutique (phường 14, quận Bình Thạnh) của cô Tina Thiên Nga (em ruột ca sĩ Trần Thái Hòa), vốn là học trò GS Trần Văn Khê tại Canada cách đây hơn 20 năm. Là người thường đi về giữa Việt Nam và Mỹ, hè qua, cô đã sắp xếp một buổi sinh hoạt âm nhạc dân tộc tại Faifoo Boutique cho sinh viên thiện nguyện đến từ Úc, Mỹ… giao lưu cùng sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM...

Những buổi sinh hoạt nghệ thuật tại gia đình của các nhân vật nổi tiếng hay các gia đình bình thường đều cần giữ gìn và phát triển bởi âm nhạc không chỉ cần thiết với người lớn mà còn quan trọng với con trẻ. Ca sĩ Tấn Sơn từng bày tỏ: “Những buổi sinh hoạt như thế là môi trường để con em chúng ta giao lưu, thực tập nghệ thuật. Từ đó, máu nghệ thuật sẽ thấm dần để sau này các cháu lớn lên dễ cảm nhận và chia sẻ với nhau trong cuộc sống”.

Hát bóng - trò chơi trong nhà trở thành nghệ thuật cộng đồng

Trong những trò chơi của trẻ con thời chưa có điện thì chơi với bóng in trên vách tường nhờ đèn đặt phía trước là trò chơi phổ biến nhất. Người Trung Hoa đã phát triển nó thành bộ môn nghệ thuật hát bóng.

Từ trò chơi trong gia đình, hát bóng đã trở thành trò chơi dân gian và phát triển đến độ những gia đình vua chúa, quan lại quyền quý ngày xưa cũng chơi.

Các nghệ sĩ trong môn nghệ thuật hát bóng sẽ sắp xếp phông màn, đèn để người xem không nhìn thấy được hình ảnh người biểu diễn mà chỉ thấy bóng các nhân vật bằng giấy được in trên phông diễn. Kết hợp với bóng là âm nhạc và lời kể câu chuyện, đối thoại nhân vật… Sau này, tại các nước Hồi giáo và châu Âu, bộ môn hát bóng cũng rất phát triển. Gần đây nhất, trong phim The Karate Kid (2010, Mỹ sản xuất) cũng có cảnh đề cập đến môn nghệ thuật này.

__________________________________________________

Mục đích của việc mời các nhạc sĩ tham gia vào những buổi biểu diễn tại gia là để các thành viên trong nhóm lẫn người tham dự có thể hiểu thêm về những kỷ niệm của nhạc sĩ với ca khúc, hoàn cảnh ra đời của ca khúc… Nhà của các thành viên cũng là địa điểm tụ họp khi một thành viên trong nhóm cần tập hát cho những buổi diễn nghiệp dư hoặc chuẩn bị thu âm một album nhạc.

Doanh nhân TẤN SƠN, thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân hát

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm