Có một người trẻ rất thương người già

Thật ra thì những người già trong trang viết của Trương Gia Hòa cũng chẳng phải ai xa lạ. Đó là ngoại, là nội, là cậu, là ba má, cô dì… Những người gắn bó thân thiết ruột rà với tác giả. Nhưng cái thế giới người già đó, nhiều khi chỉ là một người xa lạ, như cái chấm mờ nhỏ nhoi giữa bản phối cảnh, hay giữa mênh mông cuộc đời mà tác giả vẫn nhìn thấy được. Nhìn thấy, dừng lại, rồi zoom nó to lên, để chúng ta cùng thấy, cùng chuyện trò, đó dường như là một thao tác bắt buộc trong bản thiết kế văn chương của Trương Gia Hòa.

1. Có thể tôi không thích mấy cái tựa Phụ nữ thì ngồi ở đâu, nghe trầm trọng và “nhuốm màu nữ quyền” quá nhưng tôi lại rất thích nội dung cùng những chi tiết trong tản văn này. Một cô kiến trúc sư trẻ nhận thiết kế ngôi biệt thự cho khách hàng, khi vẽ bản phối cảnh tự dưng cô muốn mẹ mình được ngồi vào… ngôi biệt thự này. Hài hước mà chân thành, cô trao cho mẹ mình quyền lựa chọn chỗ ngồi trong… ngôi biệt thự trên giấy. Người mẹ già ưng ngồi dưới tán cây sứ cùi, ngoài hàng hiên.

Một bản phối cảnh hoàn hảo. Thế nhưng hợp đồng thiết kế suýt bị hủy vì chủ ngôi biệt thự kia “tâm linh” cho rằng nhà chưa xây mà thấy người già lụi bụi xui xẻo. Cuối cùng, cô kiến trúc sư đành cho người mẹ của mình vào… cái thùng rác. “Cú bấm chuột bỏ bà già vô thùng rác coi vậy mà khiến tâm can bạn xốn xang quá đỗi”. Không chỉ người trong cuộc xốn xang, mà có lẽ bất kỳ người đọc nào bắt gặp chi tiết này đều cảm thấy đắng đót trong lòng.

Vậy thì rồi phụ nữ ngồi ở đâu và người già thì ngồi ở đâu?

Đọc suốt tập tản văn của Trương Gia Hòa, chúng ta thấy hình bóng người phụ nữ thường âm thầm nhưng rất đẹp. Cái buồn trong câu chuyện của tác giả cũng không dấm dúi nhiều gia vị cho thêm phần nước mắt, nước mũi. Cái buồn ấy nhiều khi nhẹ tênh nhưng cứ như cơn gió, thổi đi rồi luồn lại, lay động mãi. Vậy thì theo ý của tôi, những phụ nữ ấy không định vị ở đâu cả, họ cũng chả quan tâm đến chuyện vị trí của mình. Họ cứ chỗ của mình mà sống, làm lụng, yêu thương. Như cô Năm chèo đò trong tản văn Biểu ghe trôi qua sông, như bà nội thợ may trong tản văn Những chiếc lá thơm tho…

Tác giả Trương Gia Hòa tại buổi lễ ra mắt sách ngày 5-8. (Ảnh do tác giả cung cấp)

2. Sống một cuộc đời yêu thương, cho nên những người già, ngay cả sau khi mất đi, họ vẫn còn một chỗ ấm áp và trang trọng trong lòng con cháu. Tôi rất xúc động trước chi tiết những người cháu dành cho ông nội đã mất của mình một chiếc ghế ngồi trước tivi mỗi khi đài chiếu phim Tây du ký (trong tản văn Vâng, tôi có mặt). Đó không phải là nghi thức tâm linh hay những gì đại loại. Đó đơn giản chỉ là sự nhắc nhớ và niềm tin trong trẻo đến vô cùng. Những người thương yêu của ta, chưa bao giờ bỏ rơi ta, chưa bao giờ vắng mặt trong cuộc đời này.

Cái hay, sự lay động trong tản văn của Trương Gia Hòa chính là ở những chi tiết rất thật. Khi bám vào cái cội rễ quá khứ, khi day trở cái tình trạng hiện thời của mình, tác giả luôn chứng tỏ mình đã chọn đúng chiếc chìa khóa và mở được cánh cửa tâm hồn mình.

3. Cuối cùng, tôi dừng lại rất lâu ở tản văn được lấy làm nhan đề cho tập sách này: Đêm nay con có mơ không?. Một tản văn nhẹ nhàng mà cảm động. Nhưng tôi sẽ không làm cái công việc “tóm gọn” lại bài tản văn này. Bởi thao tác đó có thể làm mất đi cái hương vị văn chương và làm người đọc mất hứng. Nhưng từ câu chuyện giấc mơ này, tôi xin mạn phép kể lại một câu chuyện khác về giấc mơ (mà tôi nhớ lại từ một bộ phim từng làm tôi say mê một thời).

“Vào một đêm thu muộn, cậu học trò thức dậy và khóc. Thấy vậy thầy hỏi học trò: “Con vừa gặp ác mộng à?”. “Không ạ” - cậu học trò đáp. “Vậy hẳn đó là một giấc mơ buồn?” - thầy lại hỏi. “Không ạ. Con vừa mơ một giấc mơ ngọt ngào”. Thầy ngạc nhiên hỏi: “Vậy thì tại sao con khóc?”. Lúc đó cậu học trò trả lời: “Bởi vì giấc mơ ấy nó chẳng bao giờ thành hiện thực”.

Thế đấy, hạnh phúc đôi khi cũng làm cho chúng ta rơi nước mắt. Bởi hạnh phúc dù có thật chăng nữa cũng không thể là mãi mãi. Huống hồ đây là giấc mơ. Nhưng có hề gì, hãy cứ mơ đi. Và hãy yêu thương, dẫu là dại khờ…

Tác giả - nhà báo Trương Gia Hòa sinh năm 1975, quê Trảng Bàng, Tây Ninh, tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Báo chí Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Chị được biết đến là một giọng thơ giàu nữ tính của thế hệ trưởng thành sau 1975 với tác phẩm đã xuất bản: Tập thơ Sóng sánh mẹ và anh (NXB Văn nghệ, 2005).

Có một người trẻ rất thương người già ảnh 2

Đêm nay con có mơ không? gồm hơn 40 tản văn nằm trong tập sách 200 trang viết những câu chuyện về những đồ vật, những tình cảm, những câu chuyện bình dị quanh ta trong cuộc sống không xa lắm nhưng đã trở thành xưa cũ trong cuộc sống hiện đại với những góc nhìn thú vị, tinh tế, giàu cảm xúc dẫn vào cuộc sống có nhiều thay đổi của hôm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm