Có những lễ hội…

Đặc biệt vào những ngày đầu năm, hầu như làng xã nào ở vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng đều có lễ hội. Có lễ hội kéo dài đến ba tháng!

Thoạt đầu lễ hội mang những ý nghĩa hết sức tốt đẹp. Lễ là những nén tâm hương thành kính dâng lên thánh thần cầu cho quốc thái dân an, hoặc tri ân công đức những bậc tiền nhân đã có công với đất nước, nhân dân. Còn hội là nơi và là dịp cho nhân dân trong vùng vui chơi gặp gỡ thăm hỏi nhau… Thế nhưng dần dần nhiều lễ hội đã biến thái thành nơi mê tín dị đoan, cũng là dịp người ta kinh doanh kiểu buôn thần bán thánh, kiểu như “mua” ấn đền Trần, nào vay tiền Bà Chúa Kho, nào nhét tiền lẻ vào tượng Phật, nào xin mảnh áo cũ xé ra của Bà Chúa Xứ… Mùa lễ hội năm nay được các quan chức ngành văn hóa từ trung ương tới địa phương hứa sẽ quản lý chặt chẽ, không để xảy ra cảnh chen lấn chụp giật… Nhưng rồi đâu lại vào đó, chỉ khác ở lễ khai ấn đền Trần hầu như chỉ phát ấn cho các quan chức và người thân, quen của họ! (vì chỉ họ mới được phát thư mời trong giới hạn 1.000 người, mục đích giới hạn người tham gia lễ khai ấn, không bị cảnh chen lấn dẫm đạp lên nhau tranh ấn). Điều lạ nữa là năm nay ấn đền Trần không chỉ được phát ở đền Trần - Nam Định mà còn được phát cả ở Thái Bình và Thanh Hóa. Và còn có cả ấn giả! Những chuyện bi hài về lợi dụng đức tin - và cả sự mê tín - của đông đảo đồng bào để mua thần bán thánh, không chỉ của bọn phe phẩy bên lề lễ hội mà cả những kẻ mượn danh tổ chức để hốt bạc bằng nhiều chiêu thức, không thể kể xiết. Những người này cả năm chỉ chực chờ sống bám vào mùa lễ hội. Không biết đến bao giờ những cảnh bát nháo tại các lễ hội mới được đẩy lùi, trả lại những ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Thật ra có nhiều lễ hội thật tốt đẹp và rất cần được xiển dương, nhân rộng ra, như lễ Giỗ tổ Hùng Vương (đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại), lễ hội Chiến thắng Đống Đa ghi nhớ công đức vua Quang Trung đánh thắng quân xâm lược Mãn Thanh được tổ chức ở quê hương người anh hùng áo vải tại Tây Sơn, Bình Định và cả ở Hà Nội và Huế; lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi… Đặc biệt nhất là lễ Minh Thệ tại chùa Hòa Liễu - Kiến Thụy, Hải Phòng. Lễ đã có từ lâu đời, từ thời phong kiến, các quan lại thanh liêm đến đây đốt hương thề với thánh thần là không ăn hối lộ, lấy của công làm việc công thì thần linh ủng hộ, nhược bằng có lòng tham của công thì “thần linh đả tử”. Kể cả nhân dân trong vùng cũng đến thề không trộm cắp của người, phải tuân theo thuần phong mỹ tục, chỉ làm điều tốt… nếu không cũng bị “thần linh đả tử”. Một lễ hội mang những ý nghĩa tốt đẹp nhưng ít được biết đến. Tại sao không phổ biến và nhân rộng ra cả nước, tổ chức tại bất cứ đền chùa nào tôn nghiêm. Nhất là hiện nay nạn tham nhũng đang lộng hành gần như quốc nạn, các địa phương hãy tổ chức lễ minh thệ này ở những nơi được coi là linh thiêng nhất, thử có quan chức nào còn tự nhận mình thanh liêm đến “minh thệ” chăng?

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.