Con đường của sự gắn kết

Cũng tại lễ khánh thành, con đường gốm sứ đã nhận bằng chứng nhận của Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới. Con đường gốm sứ để tôn vinh chất liệu gốm truyền thống lâu đời của cha ông và tái hiện một phần những họa tiết hoa văn đẹp theo dòng chảy lịch sử. Chúng ta có thể tự hào về con đường được ghi vào kỷ lục Guinness thế giới nhưng quan trọng hơn là làm sao duy trì hình ảnh đẹp đẽ của con đường…

1. Khi tôi đến con đường đã đầy chật người. Bỏ qua những dòng người nô nức chiêm ngưỡng, bỏ qua những lời chúc tụng của bạn bè trên thế giới, tôi đứng lặng nhìn con đường được tạo bởi 35 họa sĩ Việt Nam, hàng trăm thợ thủ công, nghệ nhân không những của Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới và hàng ngàn tình nguyện viên, người dân. Con đường dọc bờ đê sông Hồng ngày nào với bức tường xám vằn vện nay đã nhường chỗ cho những họa tiết, màu sắc đầy nghệ thuật tôn vinh các nét đẹp trong di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử.

Khởi sự từ ý tưởng và bản dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng - quà tặng Thăng Long-Hà Nội 1.000 năm của nhà báo Nguyễn Thu Thủy, trong bốn năm, con đường dọc bờ đê sông Hồng kéo dài từ các phố Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải giờ như một quyển sách lịch sử bằng hình ảnh, thể hiện rõ quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Con đường nghệ thuật phản ánh những nét văn hóa truyền thống xen lẫn hiện đại. Đây, những hình ảnh của sự định đô Thăng Long. Đây, hình ảnh rồng thời Lý, những phố cổ Hà Nội. Những họa tiết hoa văn trang trí được dùng từ nền văn hóa Đông Sơn đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những nét biểu trưng trong văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam đầy tinh tế nhưng đằng kia lại là những nét vẽ thơ ngây đầy hồn nhiên của các em thiếu nhi. Những nét đương đại đầy táo bạo của các họa sĩ nước ngoài thể hiện những nền văn hóa trên thế giới…

Con đường của sự gắn kết ảnh 1

Con đường gốm sứ giờ đã trở thành nỗi nhớ cùng với hàng cây sưa và đào Nhật Tân cho bất cứ người con nào phải xa Hà Nội… Ảnh: NGUYỄN DÂN

Tất cả đã làm nên một bức tranh nghệ thuật vô cùng phong phú và sống động thể hiện những nét tinh hoa trong văn hóa Việt Nam nhưng lại mang những màu sắc truyền tải những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử đánh dấu công sức và tâm huyết của nhiều người.

2. Tin tức về con đường gốm sứ được truyền đi theo từng giai đoạn.

Khi mới bắt đầu thực hiện thử nghiệm các đoạn tranh gốm đầu tiên đã chịu không ít sức ép, phản biện từ nhiều phía nhưng cũng nhận không ít sự ủng hộ. Bức tường này là bằng chứng cụ thể về sự gắn kết xã hội và niềm tự hào cộng đồng. Nhiều nhà sưu tập từ TP.HCM, Bình Định, Quảng Ngãi, Huế, Bắc Giang, Phú Thọ hay tin cũng đã gửi rất nhiều hiện vật, mảnh vỡ gốm sứ làm nguyên liệu cho dự án.

Những ngày cuối tuần, hàng chục nghệ sĩ và các em thiếu nhi thường xuyên có mặt tham gia xây dựng công trình. Những đoạn đường hoàn thành rồi lại xuất hiện những tình nguyện viên thầm lặng canh giữ, nhắc nhở mọi người không xâm phạm công trình, lau chùi cho bức tranh tường sạch đẹp.

Từng chút một, ngày lại ngày, con đường tái hiện dần qua các họa tiết, từ thuở sơ khai của nền văn minh lúa nước đến khi phát triển..., giờ đây bức tranh như tấm lụa quý làm tôn thêm nét tinh hoa, mang đầy lòng tự hào của nước Việt. Nhìn con đường, một người con xa quê hương đã thốt lên: “Tôi biết Con đường gốm sứ vẫn chờ tôi khi tôi đi chơi đào ở bãi sông Hồng, mỗi khi tôi qua đê Yên Phụ. Con đường gốm sứ giờ đã trở thành nỗi nhớ cùng với hàng cây sưa và đào Nhật Tân cho bất cứ người con nào phải xa Hà Nội”…

Tạo đã khó, duy trì còn khó hơn. Chúng ta có thể tự hào về con đường được ghi vào kỷ lục Guinness thế giới nhưng quan trọng hơn là làm sao duy trì tình trạng đẹp đẽ của nó…

Con đường của sự gắn kết ảnh 2

Bà Beatriz Fernandez trao bằng chứng nhận kỷ lục thế giới cho họa sĩ-nhà báo Nguyễn Thu Thủy. Ảnh: TRANG ANH

Xuất phát từ ý tưởng của nhà báo-họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, dự án Con đường gốm sứ được khởi động từ năm 2007 với sự góp sức của hàng trăm nghệ sĩ trong và ngoài nước, các thợ thủ công cùng hàng ngàn tình nguyện viên, người dân. Tính đến nay, Con đường gốm sứ đã có độ dài tổng cộng 3,85 km và tổng diện tích là 6.950 m2, kéo dài từ cửa khẩu An Dương trên đường Yên Phụ, dọc theo các phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, kéo đến cửa khẩu Vạn Kiếp.

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm