Còn mãi Nụ cười mới yêu nghề, nhân ái

Hữu Lộc trải qua tuổi thơ khắc nghiệt phải sớm tự lập. Sinh ra trong gia đình nghệ sĩ nổi tiếng nhưng cha mất năm 13 tuổi, không bao lâu bà nội cũng qua đời, đại gia đình phải tự ai nấy lo, căn nhà chung phải bán để chia nhau. Mấy mẹ con Lộc chỉ đủ mua căn nhà cũ trong xóm lao động, mưa đến dột tong tong, nước tràn vào nhà không còn chỗ ngủ.

Tuổi thơ tự lập

Hằng ngày mẹ đi bán cà phê, anh hai Hữu Châu học Trường Nghệ thuật sân khấu II, Lộc nghỉ học từ năm lớp 9 đi làm thợ hàn, vá xe, bốc vác kiếm tiền phụ mẹ. Trớ trêu sao, nơi Hữu Lộc xin làm bốc vác lại chính tại căn nhà cũ đại gia đình anh từng sống. Mỗi ngày khuân gạo, đường, bia… cho người ta ra vô căn nhà là lòng cậu thiếu niên lại xốn xang. Những khi chở anh chạy show tấu hài trên chiếc xe đạp cọc cạch với bộ quần áo sửa xe dính đầy dầu mỡ, Hữu Lộc phải lén lút dừng xe ở xa xa nơi diễn để Hữu Châu đi bộ vào cho đỡ mất thể diện nghệ sĩ.

Năm 17 tuổi, thi vào Trường Nghệ thuật sân khấu II, Hữu Lộc vẫn thường trốn học, lén đi làm bốc vác kiếm tiền. Mãi đến sau này, đi diễn nhiều, khá nổi tiếng với cái tên nhóm Tam tấu trẻ, rồi nhóm Nụ cười mới, Hữu Lộc vẫn buồn buồn vì diễn đến cỡ nào, ra đường nhiều khán giả cũng nhầm anh với anh hai Hữu Châu. Mà nghề diễn dù có là anh em ruột, không có duyên nghề, không ai giúp ai được, mỗi người phải tự khẳng định và đóng dấu ấn bằng bản sắc của mình. Có thể chính vì vậy, Hữu Lộc chuyển hướng tới nghề bầu sân khấu.

Còn mãi Nụ cười mới yêu nghề, nhân ái ảnh 1

Hữu Lộc (bìa trái) cùng Hoài Linh, Lê Hoàng trong ngày cúng tổ ngành sân khấu. Ảnh: HÒA BÌNH

Học lóm nghề gia truyền

Dẫu làm bầu đoàn hát là nghề gia truyền từ thời ông bà nội nhưng sau khi cô ruột là cố nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại, bà bầu Thơ buông đoàn và qua đời. Khởi nghiệp làm bầu của Hữu Lộc là làm giúp việc cho Phước Sang. Hữu Lộc sắp lịch tập cho diễn viên, đạo diễn, gọi điện thoại nhắc lịch làm việc. Sau đó Phước Sang giao cho Hữu Lộc cả việc đọc các kịch bản, báo cáo lại nội dung và cảm nhận hay dở ban đầu. Mỗi lần như vậy anh được lì xì 50.000 đồng. Dần dần anh thấy thích thú và thật sự muốn học nghề. Được làm việc với đủ các diễn viên gạo cội như Ngọc Giàu, Hồng Nga, Nguyễn Chánh Tín, Việt Anh…; những đạo diễn tên tuổi như Doãn Hoàng Giang, Đoàn Bá, Trần Ngọc Giàu, Công Ninh…, vốn nghề của anh ngày nâng lên.

Năm 2000, Hữu Lộc được mời về Nhà hát Kịch TP.HCM giúp Giám đốc Trần Ngọc Giàu thắp sáng đèn rạp Công Nhân. Vốn nghề khá nhưng tiền chẳng có bao nhiêu, Hữu Lộc lập nhóm Nụ cười mới với chín phần hùn, 3 triệu đồng/phần, “cổ đông” gồm cả diễn viên, đạo diễn, họa sĩ sân khấu… Số vốn ấy được sử dụng vẽ panô, in ấn, chi phí quảng cáo ban đầu… làm sáng choang mặt tiền rạp Công Nhân. Hoài Linh chạy xe ngang, thấy rộn ràng tấp vào xem thử, Hữu Lộc mời diễn luôn, không ngờ Hoài Linh gật đầu. Có thêm Hoài Linh, những suất đầu của nhóm Nụ cười mới vé luôn hết sạch. Hữu Lộc móc show, xếp lịch đâu ra đó, rạp Công Nhân luôn sáng đèn. Năm 2005, Giám đốc Trần Ngọc Giàu rời Nhà hát Kịch TP.HCM, nhóm Nụ cười mới cũng rời khỏi rạp Công Nhân, rã đám. Hữu Lộc cùng Lê Hoàng, Văn Long hùn tiền lập công ty nghệ thuật chuyên tổ chức live show cho Hoài Linh và những show ca nhạc-tấu hài ở Công viên Lê Thị Riêng. Sân khấu Nụ cười mới ra đời với mối tình nghĩa sâu đậm giữa Hoài Linh và Hữu Lộc.

Quý trọng con người

Khi Hữu Lộc gầy dựng Sân khấu kịch Nụ cười mới nổi đình nổi đám, không ít người nói: “Hữu Lộc ăn theo sự ăn khách của Hoài Linh”. Hữu Lộc công nhận ý kiến này. Song công bằng hơn sẽ phải đặt câu hỏi: “Vì sao danh hài Hoài Linh lại chịu cộng tác với một ông bầu trẻ - nghèo như Hữu Lộc?”. Hữu Lộc tâm sự: “Với chúng tôi, con người mới là giá trị. Có như vậy anh Linh mới làm với chúng tôi được đến ngày hôm nay!”. Có lần làm show ở Phú Quốc, nhằm ngày biển động, mưa bão, khán giả đến xem ít, Hữu Lộc vẫn động viên anh em ra diễn vì: “Người ta đội mưa đến được thì mình phải diễn được!”. Gặp cảnh này, một số bầu show khác đã trả vé sớm vì tiền bến bãi, cátxê diễn viên, chi khác… cộng lại lỗ sặc máu. Lần khác, diễn tại Bình Dương, đã quảng cáo trên tivi, thuê mướn địa điểm, chi tiền hợp đồng cho nghệ sĩ…, gần đến giờ diễn, thấy Hoài Linh sốt li bì, Hữu Lộc gọi điện thoại lên Sở Văn hóa-Thể thao địa phương xin hủy show và chịu nộp phạt, chịu mất chi phí đã bỏ ra cùng những khoản tiền đặt cọc trước…, không vì đồng tiền nài ép nghệ sĩ diễn bằng mọi giá. Vì cư xử như vậy, cuối tháng 10-2007, Hoài Linh cất công bay từ Mỹ về nước để diễn đúng năm suất kịch Ông bà vú cho Nụ cười mới với mức lương chẳng đủ vào đâu rồi bay ngược về Mỹ.

Vào lúc 4 giờ sáng 17-5-2010, nghệ sĩ Hữu Lộc - Giám đốc Sân khấu kịch Nụ cười mới đã qua đời tại BV Chợ Rẫy, để lại sự bàng hoàng, thương tiếc cho gia đình và giới nghệ sĩ.

Vào nửa đêm 12-5, sau khi diễn xong, Hữu Lộc đã chạy xe máy chở hai con đi uống sinh tố. Chiếc xe máy của một thanh niên chở ba đi ngược đường đã tông vào xe anh khiến anh chấn thương đầu, hôn mê và được đưa đi cấp cứu. Bé gái 10 tuổi và bé trai bốn tuổi con Hữu Lộc an toàn, riêng ông bố trẻ ra đi khi mới 37 tuổi.

Tại nhà Hữu Lộc, trước giờ liệm, đông đảo giới nghệ sĩ tập trung đau đớn. Chú ruột Hữu Lộc - nghệ sĩ Bảo Quốc, anh ruột - nghệ sĩ Hữu Châu, cháu ruột - nghệ sĩ Hà Linh thẫn thờ. Bên ngoài, danh hài Hoài Linh, diễn viên Thanh Long ôm nhau khóc. Hoài Linh kể giỗ tổ năm rồi, anh cùng Hữu Lộc, Thanh Long, Lê Hoàng - bộ tứ cùng nhau gầy dựng Nụ cười mới đã thề trước tổ sẽ thương yêu, gắn kết với nhau đến già. Nay Hữu Lộc ra đi, sự đau đớn quá lớn. Hoài Linh, Thanh Long, Lê Hoàng cho biết vắng Hữu Lộc, mọi người vẫn sẽ cố gắng giữ vững Nụ cười mới vì đây là tâm nguyện, công sức của Hữu Lộc và mọi người, mà cũng còn là sự sống của bao nhiêu công nhân. Những kế hoạch Hữu Lộc đã cùng mọi người dự kiến như ra mắt sân khấu mới tại rạp Vườn Lài, tổ chức đêm sinh nhật cho Nụ cười mới, làm liên hoan hài… sẽ được nỗ lực thực hiện để tưởng nhớ Hữu Lộc.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm