Cục Nghệ thuật biểu diễn biến “cô Thắm” thành “cụ Thắm"

Cục NTBD đã có quyết định thu hồi quyết định cấm lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước 1975, tuy nhiên đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lại cho rằng, vẫn còn có nhiều bất cập trong vấn đề cấp phép phổ biến bài hát trước 1975.

Nhiều ca khúc được cấp phép sai tên, sai tác giả

Trả lời phóng viên VOV.VN, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, có 90 ca khúc sáng tác trước 1975 hiện chưa được Cục NTBD cấp phép phổ biến.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Theo danh mục những bài hát, chương trình do các tác giả sáng tác trước năm 1975 chưa được Cục NTBD cấp phép phổ biến trên toàn quốc, có đến 90 ca khúc chưa được cấp phép. Danh mục này được đính kèm công văn số 1176/NTBD-QLBĐ ngày 23/12/2016 của Cục NTBD.

Trong số 90 ca khúc này, có những bài khá nổi tiếng như “Rừng lá thấp”, “Ngoại ô buồn”, “Người em xóm đạo”, “Đêm buồn phố thị”, “60 năm cuộc đời”, “Những ngày xưa thân ái”,...

Điều đáng nói, những ca khúc này chỉ có tên chứ không có lời bài hát đính kèm. “Không có lời cụ thể thì chúng tôi không thể biết được cụ thể bài hát đó là gì để có thể bảo vệ quyền tác giả âm nhạc”, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết.

Những ca khúc bị cấm là vậy, còn những ca khúc được cấp phép phổ biến thì sai lời và sai tên tác giả nghiêm trọng. Việc nhầm lẫn này dẫn đến tình trạng, những ca khúc có thật thì không được cấp phép phổ biến trong khi những ca khúc không có thì lại được cấp phép.

Theo tài liệu do nhạc sĩ Phó Đức Phương cung cấp, bài hát “Tình đã bay xa” bị nhầm lẫn thành “Tình đó bay xa”. Căn cứ vào điều này thì Cục NTBD đã cấp phép cho một ca khúc hoàn toàn không có, đó là “Tình đó bay xa”. Trong khi ca khúc “Tình đã bay xa” lại không được phổ biến vì không nằm trong danh sách những ca khúc được cấp phép.

Tương tự, ca khúc “Nỗi lòng cô Thắm” bị nhầm thành “Nỗi lòng cụ Thắm”. Ca khúc “Tình cuốn mây ngàn” bị nhầm thành “Tình cuối mây ngàn”, “Xuân nồng” bị nhầm thành “Xuân hồng”, “Giấc mê đời” bị nhầm thành “Giấc mơ đời”, “Người về từ lòng đất” bị nhầm thành “Người về từ lũng đất”, “Đến duyên lành” bị nhầm thành “Bén duyên lành”,...

Ca khúc "Nỗi lòng cô Thắm" bị nhầm thành "Nỗi lòng cụ Thắm".

Ca khúc "Nỗi lòng cô Thắm" bị nhầm thành "Nỗi lòng cụ Thắm".

Việc sai sót về tên tác giá cũng rất nghiêm trọng. Ví dụ nhạc sĩ Từ Công Phụng (tác giả ca khúc “Tuổi xa người”) bị nhầm thành Từ Cụng Phụng. “Thực tế chẳng có ông Từ Cụng Phụng nào sáng tác bài “Tuổi xa người” cả”, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.

Ca khúc “Người em Vỹ Dạ”, bản gốc đề tên tác giả là Minh Kỳ - Tôn Nữ Thụy Khương. Tuy nhiên, trong quyết định cấp phép, Cục NTBD chỉ ghi tên tác giả là Minh Kỳ.

“Những thông tin bị nhầm lẫn và sai sót như thế, khi nhập lên sẽ không khớp với những thông tin đã được lưu trong hệ thống của chúng tôi. Vì thế, đã làm ảnh hưởng đến vấn đề bảo vệ quyền tác giả âm nhạc”, nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định.

Thông tư đang “vênh” với Nghị định

Tuy nhiên, những sai sót trong ca từ, tên tác giả vẫn chưa nghiêm trọng bằng thực trạng nhầm lẫn khái niệm về việc cấp phép phổ biến các ca khúc trước 1975 hiện nay.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, nội dung của Thông tư số 20 đang bị “vênh” so với Nghị định 79 về vấn đề cấp phép tác phẩm âm nhạc trước 1975.

"Người em Vỹ Dạ" được do Minh Kỳ - Tôn Nữ Thụy Khương

"Người em Vỹ Dạ" được do Minh Kỳ - Tôn Nữ Thụy Khương sáng tác nhưng trong quyết định cấp phép của Cục NTBD chỉ ghi tác giả Minh Kỳ.

Nghị định 79/2012/NĐ-CP ghi rõ: “Các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm phải thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều này và các quy định của pháp luật về xuất bản”.

Tuy nhiên đến Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL ngày 28/01/2013 hướng dẫn thực hiện việc cấp phép phổ biến những bài hát này thì lại có quyết định ban hành nội dung “Về việc cho phép phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975”.

"Đối chiếu 2 nội dung này, rõ ràng, đối tượng và phạm vi để xem xét cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975 đã hoàn toàn thay đổi.

Với việc rà soát lại “các ca khúc ra đời trước 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài” thì đó là điều hợp lý. Vì lịch sử của dân tộc ta có tính chất đặc thù.

Tuy nhiên, vì quyết định cấp phép lại chỉ ghi là “Về việc cho phép phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975” nghĩa là đã lược mất phần nội dung “tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài”. Chính điều này đã làm thay đổi bản chất của việc cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975.

Sự nhầm lẫn này dẫn đến thực trạng, hàng vạn ca khúc ra đời trước 1975, bao gồm cả những ca khúc cách mạng của những tác giả đã vào sinh ra tử, đồng hành với dân tộc từ lúc mới khởi nghĩa cho đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng phải xin cấp phép phổ biến trở lại. Đây là điều hết sức vô lý”, nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ.

“Ngay khi nhận được quyết định có nội dung “trái khoáy” này, nhiều người trong giới âm nhạc hỏi tôi: “Chiếu theo quy định này thì những sáng tác của Văn Cao, Doãn Nho, Nguyễn Văn Tý, Phạm Tuyên, Huy Du, Huy Thục, ... cùng với hàng vạn ca khúc cách mạng khác cũng phải xin cấp phép trở lại sao? Tôi nghe vậy mà chẳng biết trả lời thế nào. Bản thân tôi cũng có 2 ca khúc được sáng tác trước năm 1975 là “Những cô gái quan họ”(1966), “Hồ trên núi” (1971). Nhưng bây giờ bảo tôi làm hồ sơ đi xin cấp phép phổ biến trở lại với những bài hát này thì tôi chịu, mệt mỏi lắm rồi. Nhưng tôi cũng giật mình nhận ra rằng, còn có hàng vạn ca khúc, tác giả nữa cũng cần phải làm hồ sơ xin cấp phép trở lại”, ông nói thêm.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, việc 5 bài hát “Con đường xưa em đi”, “Rừng xưa”, “Cánh thiệp đầu xuân”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Đừng gọi anh bằng chú” mới được cấp phép trở lại là một tín hiệu vui. Điều này chứng tỏ Cục NTBD cũng đã có sự tiếp thu. Nhưng đó chỉ là những tình tiết nhỏ của một sự việc. Vấn đề cần được nhìn rộng và sâu hơn. Giới biểu diễn rất mong Cục NTBD luôn luôn thận trọng và làm thế nào để thực thi tốt nhất các hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn của mình. 

(Theo Đào Bích/VOV.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm