Cúng Tổ bằng nước hoa, tiền USD và chuyện nghề từ cái lưỡi heo

Những ngày qua, có nhiều cái lệ trong giỗ tổ sân khấu đã gây tò mò cho công chúng tham dự vì lâu nay ít được biết đến.

Âm dương giao hợp trong hát bội

Trong các lễ giỗ tổ sân khấu ở Sài Gòn hiện nay, lễ cúng ở Đoàn Hát bội TP.HCM là khác biệt, truyền thống và đầy đủ lễ bộ nhất. Các nơi khác chỉ thắp hương khấn tổ, hát bội khi khấn vái phải mời đủ các chư vị: Tiên sư, tổ sư, thánh sư, tam giáo đạo sư, thập nhị công nghệ, tiền hiền, hậu hiền, tả ban, hữu ban về chứng giám và phải đủ năm lễ chính, một lễ phụ.

Lễ đầu tiên là Điềm hương - lễ mở cửa trời. Một nghệ sĩ hóa trang một vị thần mang nguồn sống đến cho vạn vật ở cõi trần là lửa với nước. Lễ tiếp theo là Xoang nhật nguyệt - hai diễn viên nam, nữ trong trang phục cổ một người cầm biểu tượng âm, một người cầm biểu tượng dương ra múa bộ rồi khớp hai biểu tượng vào nhau như sự giao hợp âm dương sinh ra vạn vật…

Các lễ còn lại cũng đều có diễn viên hóa trang với mong muốn quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vạn vật phát triển trong tốt tươi. Ở các sân khấu khác, gần như tất cả nghệ sĩ đều lạy tổ ba lạy, ở hát bội nghệ sĩ lạy tổ đến 12 lạy vì tổ ở đây được cho là thập nhị công nghệ - tức 12 tổ nghề truyền thống.

Giỗ tổ hát bội năm nay có nhiều nghệ sĩ ở các loại hình nghệ thuật đương đại đến tham dự như nhạc trưởng Trần Vương Thạch của Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch, nghệ sĩ múa Đặng Hùng - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen, các đạo diễn sân khấu nước ngoài, Việt kiều, đạo diễn kịch và cả những đạo diễn các chương trình event cũng đến dự. Họ đến để tìm hiểu, khai thác về loại hình nghệ thuật truyền thống thú vị này.

 
Hai nghệ sĩ hát bội cầm biểu tượng âm và dương ra múa bộ rồi khớp hai biểu tượng vào nhau thể hiện sự giao hợp âm dương sinh ra vạn vật. Ảnh: HÒA BÌNH

Cúng tổ bằng nước hoa, tiền USD

Ngoài hát bội còn giữ đúng lệ cổ giỗ tổ xưa, giỗ tổ sân khấu hôm nay trở thành một nghi lễ mạnh nơi nào nơi ấy làm theo ý mính. Bàn thờ Tổ mẫu thì có nơi để tượng tổ, nơi để bài vị tổ, nơi chỉ để hương án.

Chuyện cúng bái cũng mỗi nơi một kiểu. Nghệ sĩ Hoài Linh là người đầu tiên cúng tổ bằng cách cho rước kiệu như hình thức cúng tế ở các đình thờ miền Bắc với ban học trò lễ, các kiểu tế lễ long trọng. Hình thức này năm nay đã được nghệ sĩ Trịnh Kim Chi làm theo nhưng ở quy mô nhỏ hơn khi khai trương sân khấu mới của mình ở quận 6. Hoài Linh cũng là người đầu tiên làm chuyện phát lộc tổ bằng các cây cờ gắn tờ 2 USD, hình thức này nhanh chóng lan sang cả giỗ tổ của các nghệ sĩ hải ngoại.

Còn ở lĩnh vực sân khấu nhà nước, để làm long trọng hóa ngày giỗ tổ khi đưa ra công chúng, các nhà hát và Hội Sân khấu TP.HCM thường dùng hình thức khai trống sau khi dâng hương bởi những vị lãnh đạo. Còn lại bàn thờ tổ mỗi nơi cũng mỗi khác, như nghệ sĩ Hồng Vân mỗi khi cúng tổ có thêm bàn thờ của nghệ sĩ Thanh Nga. Sân khấu Hoàng Thái Thanh khác nhiều nơi là bày hẳn một mâm son phấn, nước hoa đủ các loại của các diễn viên ở bàn thờ cúng tổ với lòng tin nghệ sĩ xài những dụng cụ trang điểm này sẽ sáng sân khấu vì được tổ độ. Nghệ sĩ Ái Như còn lấy các chai nước hoa đã cúng xịt khắp sân khấu, khắp các nghệ sĩ, quan khách để sân khấu và ai ai cũng được hưởng hương hoa từ tổ, tấm lòng với công việc luôn thơm thảo, đẹp tươi.

Điều đọng lại của giỗ tổ sân khấu từ khởi thủy đến nay là vào ngày này, bên cạnh chuyện nhắc nhớ sự tôn sư trọng đạo, đạo đức làm nghề, nó còn là dịp đem lại sự gắn kết trong giới nghệ sĩ. Hai nghệ sĩ có thể giận nhau cả năm không nhìn mặt nhưng giỗ tổ gặp nhau lại gật đầu chào hỏi, mở lòng trò chuyện mà bỏ qua chuyện cũ. Trường hợp ca sĩ Quang Lê và Đàm Vĩnh Hưng vừa rồi ầm ĩ một phen, giỗ tổ này cả hai đã chạm mặt nhau ở nơi cúng tổ của nghệ sĩ Hoài Linh và đã có một cái bắt tay nhiều nhẹ nhõm.

Chuyện nghề từ cái lưỡi heo

Trong ngày giỗ tổ, có thể bắt gặp rất nhiều nghệ sĩ ăn mặc nổi bật với những màu đỏ rực, tím ngắt, hồng đậm, xanh đậm, trang điểm rực rỡ đến lòe loẹt với quan niệm phải làm mình nổi bật lên để tổ nhìn thấy mình, phù hộ cho mình. Ngoài ra, giới nghệ sĩ còn nằm lòng chuyện ai cúng heo quay thì luôn lấy cái đuôi và cái lưỡi ăn ngay tại chỗ để có được tài ăn nói trơn tru, có duyên và sự hoạt bát, phản ứng nhanh nhạy trên sân khấu như sự ngoe ngẩy lanh lẹ của cái đuôi heo ngoe ngẩy. Ở mỗi sân khấu cũng luôn có một mâm cúng đầy đường tán, diễn viên đến cúng xong xin một miếng ăn cho giọng nói sân khấu, lời ca tiếng hát được ngọt ngào…

______________________________________

Ngày giỗ tổ có nguồn gốc từ truyền thuyết về “Hai ông hoàng mê hát”. Theo những nghệ sĩ lão thành, trên bàn thờ tổ hát bội có thờ tượng hai em bé chính là hai hoàng tử trong truyền thuyết. Vì hiếm muộn, nhà vua tạ ơn trời đất đã ban cho mình hai đứa con bằng cách lập đoàn hát biểu diễn trong cung ca ngợi công ơn trời đất. Không ngờ hai hoàng tử lại quá ham coi hát, thường xuyên trốn trong buồng coi hát và chết luôn trong buồng hát vào ngày 12-8 âm lịch. Các nghệ sĩ mượn hai vị hoàng tử này làm hai vị thần phù hộ cho nghề hát. Ngày mất của hai vị trở thành ngày giỗ tổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm