Đại sứ không nhất thiết là người nổi tiếng

Tại Nhật Bản, để chọn gương mặt đại diện cho một nét văn hóa, thường người ta chọn người hiểu biết về lĩnh vực đó chứ không nhất thiết là người đẹp, người nổi tiếng…

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực sang giao lưu cùng khán giả Việt Nam vào cuối tuần qua. Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi cùng ông Irie Keisuke, Tổng Thư ký Hiệp hội Sake Nhật Bản, về việc chọn gương mặt đại diện của sake (rượu) cũng như những cách thức quảng bá sake như nét văn hóa ẩm thực của Nhật Bản ra thế giới.

“Sake samurai” phải hiểu biết về rượu sake

. Ông có thể cho biết từ khi nào sake được biết đến trên thế giới?

Đại sứ không nhất thiết là người nổi tiếng ảnh 1
+ Ông Irie Keisuke: Khoảng năm 1970, đó là thời kỳ tăng trưởng cao độ của kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, doanh thu của ngành rượu trong nước sụt giảm mà ngay thời điểm đó, sake lại được uống ở Mỹ. Ở New York có một ngôi sao nhạc pop, khi chia sẻ về bí quyết giảm cân đã cho biết cô theo thực đơn uống sake và ăn sushi. Điều đó làm cho nhiều người quan tâm đến ẩm thực Nhật Bản.

Vài chục năm trước, trên thế giới người ta không nghĩ đến việc sẽ ăn được cá sống như cá ngừ, cá hồi, cá trích… Nhưng khi món ăn của Nhật Bản được ưa chuộng trên toàn thế giới, đi đến đâu người ta cũng có thể ăn cá sống và loại rượu phù hợp cho các món ăn sống này là sake. Chính vì thế từ những năm 1990, Nhật Bản bắt đầu xuất khẩu rượu sake đến nhiều nước.

Đại sứ không nhất thiết là người nổi tiếng ảnh 2

Tái hiện cách đóng thùng sake truyền thống tại Bảo tàng rượu sake Hakutsuru (Hyogo, Nhật Bản). Ảnh: QUỲNH TRANG

Thực tế ban đầu các nhà sản xuất rượu không hề có ý thức sake sẽ ra thế giới nhưng với làn sóng ẩm thực Nhật Bản tràn ra thế giới thì sake trong dòng chảy đó mà được quảng bá theo. Sau này có rất nhiều người nổi tiếng ở các nước phương Tây yêu thích văn hóa ẩm thực Nhật Bản, nhất là sake như diễn viên Cameron Diaz (Mỹ), vận động viên golf chuyên nghiệp Tiger Woods (Mỹ)…

. Những người nổi tiếng này tự thân họ thích sake, đó là cơ hội cho quảng bá văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Thế tự thân hiệp hội hoặc các cơ quan du lịch Nhật Bản có chọn những gương mặt nghệ sĩ, người nổi tiếng làm đại sứ để quảng bá?

+ Các công ty sake cụ thể thường không chú trọng đầu tư cho những hoạt động như vậy. Nhưng với Hiệp hội Sake Nhật Bản thì hằng năm đều có tuyển chọn một người gọi là sake samurai. Sake samurai có thể là người nổi tiếng, nhà văn hóa, chuyên gia ẩm thực... hay một người bình thường bất kỳ để quảng bá cho sake Nhật Bản ra thế giới.

. Ông có thể chia sẻ tiêu chí chọn sake samurai hằng năm?

+ Hiệp hội Sake Nhật Bản gồm 1.600 công ty sản xuất sake Nhật Bản. Trong đó sẽ có một chi hội dành cho những nhà sản xuất rượu sake dưới 45 tuổi, chi hội này sẽ chọn ra sake samurai. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để được chọn làm sake samurai là người đó phải rất thích và có hiểu biết về sake. Người đó có thể là người bán sake, người uống sake chứ không nhất thiết phải là người nổi tiếng hay không. Tuy nhiên, sake samurai không được là người sản xuất rượu của một công ty để tránh việc quảng bá chỉ dành cho một thương hiệu nào đó.

Tự ý thức bảo tồn nghề truyền thống

. Một số hãng rượu lâu đời ở Nhật Bản có mở các bảo tàng rượu. Đây là những hoạt động tự thân hay hiệp hội khuyến khích?

+ Bảo tàng thường do một công ty xây dựng nên chứ không phải hiệp hội và ở Nhật có nhiều công ty có tuổi đời trên 100 năm. Đặc biệt với lĩnh vực sake thì có những công ty trên 200-300 năm. Những công ty này rất quan tâm đến những hoạt động gìn giữ, truyền bá văn hóa. Những công ty tư nhân lâu đời thường làm bảo tàng riêng vì họ muốn thế hệ sau biết quy trình làm rượu truyền thống, cách thưởng thức rượu truyền thống… Đó là một cách bảo tồn chính nghề nghiệp của họ và cũng là cách quảng bá thương hiệu của họ mà chính phủ Nhật rất hoan nghênh.

. Cách thưởng thức sake đã thay đổi. Sake hiện đại được uống trong ly thủy tinh như rượu Tây chứ không còn thưởng thức truyền thống như uống nóng, có bình đun, trong ly gốm đặc biệt của Nhật… Điều này có đánh mất văn hóa truyền thống không?

+ Tôi không nghĩ sẽ mất văn hóa truyền thống. Khi sake được phục vụ trong ly thủy tinh sẽ làm người thưởng thức dễ dàng cảm nhận hương vị rượu, thấy được màu rượu như thế nào… Đó là cách chúng tôi đang chọn để quảng bá sake ở nước ngoài. Còn tại Nhật Bản, người ta vẫn uống rượu sake nóng, dùng bằng ly gốm.

. Hiện tại ở Nhật, nghệ thuật uống sake truyền thống được thấy rõ nhất ở đâu, thưa ông?

+ Nghi thức uống sake thể hiện rõ nhất trong đám cưới của người Nhật. Trong đám cưới truyền thống Shinto từ thế kỷ 18 và đến nay vẫn giữ có nghi lễ San san kudo. Trong nghi lễ này, cô dâu và chú rể cùng uống rượu sake. Bộ chén uống rượu gồm ba cái chén gọi là sakazuki có kích thước từ nhỏ đến lớn dần. Chú rể sẽ bắt đầu với chiếc nhỏ nhất, nhấp ba ngụm rượu trước khi chuyển sang chiếc lớn hơn. Cô dâu cũng làm theo tương tự. Ba lần ba là chín với ý nghĩa tượng trưng cho hạnh phúc trường tồn.

. Xin cảm ơn ông.

Bảo tàng sake tư nhân

Một trong những bảo tàng sake lớn nhất ở Nhật Bản là Bảo tàng rượu sake Hakutsuru (Hyogo, Nhật Bản). Từ năm 1743, ông Jihei Kanoh đã bắt đầu sản xuất những thùng sake. Đến năm 1982, bảo tàng đã thành lập.

Ông Ichiro Chihara, Giám đốc Bảo tàng rượu sake Hakutsuru, chia sẻ: “Chúng tôi mở bảo tàng để giúp du khách và người dân Nhật Bản hiểu về cách làm sake truyền thống. Với du khách, chúng tôi còn mong muốn họ đem những hiểu biết của họ truyền bá đến bạn bè, đồng nghiệp để sake như là một món quà từ trái tim người Nhật đem đến thế giới”.

Học trà đạo phải biết về sake

Uống sake không giống trà đạo hay cắm hoa, thế nhưng những người học về trà đạo phải học cách thưởng thức sake trước. Nghệ nhân học về trà không phải chỉ học cách pha trà mà phải biết trong trà thất treo tranh gì, cắm hoa như thế nào… Họ còn học cách sống ở đời và nhiều thứ khác trong cuộc sống. Sake là một trong những điều làm cuộc sống thú vị hơn nên người học trà đạo phải biết sake.

Ông IRIE KEISUKE, Tổng Thư ký Hiệp hội Sake Nhật Bản

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm