Dân nghiệp dư khuếch trương nhạc tài tử

Việc họ quay lưng với sân khấu kém chất lượng; tự hát, tự diễn với nhau cũng là một hành động thể hiện tình yêu cải lương chân chính.

Ngược với tình hình sân khấu cải lương đang rất èo uột, hiện phong trào đờn ca tài tử và hát cải lương khắp các tỉnh, thành phía Nam vẫn sống khỏe. Chỉ riêng TP.HCM đã có hơn 10 nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử sinh hoạt đều đặn. Song đáng chú ý hơn là việc xuất hiện những nhóm, câu lạc bộ của các trí thức trẻ cùng nhau hát, đóng cải lương thành lớp lang, tuồng tích.

Chán nghệ sĩ hát nhép

Từ khoảng 10 bạn trẻ yêu cải lương gặp nhau trên mạng, sau hai năm, câu lạc bộ Cổ nhạc - Cải lương Anh Em tại TP.HCM đã quy tụ hơn 40 thành viên và không ngừng thu hút thành viên từ các tỉnh khác đổ về. Hơn 80% thành viên của câu lạc bộ là những trí thức trẻ: kỹ sư, kế toán, dược sĩ, giáo viên, nhân viên xuất nhập khẩu, giám đốc, sinh viên, nhà báo...

Hai năm qua, hằng tháng, câu lạc bộ đều tổ chức một cuộc gặp mặt định kỳ để cùng nhau ca hát. Mỗi lần như thế, họ thuê nhạc sĩ cổ nhạc chuyên nghiệp đến đệm đàn và giúp họ chỉnh sửa nhịp ca cho đúng. Nhiều người trong câu lạc bộ còn tìm đến các lò cổ nhạc học thêm để rèn giọng cho tốt hơn. Dần dần những người hát cứng nhịp, giọng tốt bắt đầu tập dượt những trích đoạn cải lương để hát với sự đầu tư thuê mướn phục trang, hóa trang chuyên nghiệp. Nhiều thành viên còn cùng nhau dàn dựng, đóng trọn một vở tuồng rồi tự ghi hình hay thu âm đưa lên mạng để nhiều người cùng xem...

Dân nghiệp dư khuếch trương nhạc tài tử ảnh 1

Buổi tập dượt chuẩn bị cho chuyến lưu diễn tại Phan Thiết của Câu lạc bộ Cổ nhạc - Cải lương Anh Em. Ảnh: HÒA BÌNH

Không chỉ họp mặt tại TP.HCM, buổi sinh hoạt hằng tháng của câu lạc bộ còn luân phiên diễn ra ở quê hương của nhiều thành viên. Khí thế từ dàn âm thanh khá chuyên nghiệp và không khí ca diễn rôm rả của câu lạc bộ luôn thu hút đông đảo người dân địa phương đến xem và tham gia. Thương cái tình của những thanh niên trí thức đối với cải lương, bà con thường mời họ về nhà mình ăn ngủ như ngày trước từng cho nghệ sĩ gánh hát ngủ nhờ.

Đến nay, mỗi lần họp mặt của câu lạc bộ ở các tỉnh đều như chuyến lưu diễn của một đoàn hát. Ban tổ chức phải tìm địa điểm để làm sạp, che bạt, tính toán chỗ ngồi; phải xin phép địa phương và sắp xếp chương trình sao cho các thành viên câu lạc bộ lẫn lực lượng địa phương đều được hát… Trước mỗi lần họp mặt, các thành viên câu lạc bộ đều tự thu xếp công việc, chuyện gia đình để chuyên tâm tập dượt. Có chứng kiến sự say mê tập luyện của họ mới hiểu tại sao sân khấu cải lương chuyên nghiệp cứ vắng dần khán giả, còn câu lạc bộ quần chúng này lại ngày một thu hút khán giả. Còn bản thân họ cũng chỉ là những khán giả bình thường. Mỗi tháng, trong những buổi họp mặt, đề tài thảo luận của họ cũng xoay quanh những trăn trở về bộ môn nghệ thuật này: chuyện cải lương xuống cấp; nghệ sĩ hát nhép, quên tuồng…

“Làm báo” nghiệp dư để bảo tồn vốn cổ

Nếu Câu lạc bộ Anh Em thể hiện tình yêu cải lương bằng cách cùng nhau vừa học vừa ca diễn tài tử thì trang web www.sankhau3mien.com do những trí thức trẻ khác lập ra lại có tâm huyết lưu giữ và phổ biến cải lương lẫn các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Chủ nhân trang web này - những luật sư, dược sĩ, lập trình viên trẻ… đều là “tín đồ” của cải lương nên rất bức xúc trước tình trạng sân khấu xuống cấp. Không có nơi để trút bức xúc, họ cùng nhau lập website để bày tỏ chính kiến, nghiêm túc nhận xét sự hay dở của từng vở tuồng, nghệ sĩ. Trong lúc truyền thông đại chúng nghiêng về các loại hình giải trí nghe nhìn thời thượng, họ tự nguyện phân công nhau làm công việc truyền tải rộng rãi trên mạng thông tin của lĩnh vực sân khấu truyền thống. Có thể tìm thấy tại www.sankhau3mien.com những tin tức thật cụ thể về từng đoàn diễn, vở diễn, điểm diễn… kèm theo những hình ảnh do thành viên chụp tại hiện trường. Trang web còn đăng tải nhiều bài viết có giá trị, chuyên sâu thuộc dạng phổ biến hay chỉ lưu truyền nội bộ của nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu có uy tín về hát bội, tuồng, chèo, cải lương…

Tương tự, trong lúc những nhạc sĩ cổ nhạc chuyên nghiệp ngày càng hiếm thì những tay đàn cổ nhạc tài tử từ trẻ đến trung niên, trong và ngoài nước lại tụ họp đông đảo, sinh hoạt xôm tụ thường xuyên trên trang web www.conhacvietnam.com. Không chỉ lo bảo tồn những giá trị văn hóa, các trang web trên còn mang khát vọng bảo tồn cả vốn di sản con người.

Ngày 9 và 10-7-2011 là lần đầu tiên câu lạc bộ Cổ nhạc - Cải lương Anh Em lưu diễn tận miền Trung một cách quy mô với sân khấu được chuẩn bị chuyên nghiệp, kèm theo poster quảng cáo. Một nhà báo ở Phan Thiết tình cờ biết câu lạc bộ qua mạng đã lặn lội vào TP.HCM sinh hoạt vài lần, đăng ký làm thành viên rồi liên hệ với cơ quan văn hóa địa phương của mình để tổ chức lần sinh hoạt này.

Tôi bây giờ ít khi đến rạp xem cải lương bởi chứng kiến cảnh nghệ sĩ hát nhép, quên tuồng, diễn hời hợt; tôi thấy tiếc đồng tiền mình bỏ ra mua vé. Chúng tôi thành lập câu lạc bộ này vì muốn có một sân chơi thỏa mãn chính mình. Trang web www.cailuongso.com của chúng tôi ra đời từ khát vọng số hóa cải lương. Hy vọng kỹ thuật số sẽ là một kênh phổ biến cải lương phù hợp với lớp trẻ, đồng thời thu hút thêm nhiều bạn trẻ khác.

Thành viên MINHEM (quản lý marketing một nhãn hiệu nước giải khát) - người đứng đầu và là một trong những sáng lập viên câu lạc bộ Cổ nhạc - Cải lương Anh Em

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm