Đánh giá lại "công và tội" của vương triều Nguyễn

Đây là mục đích và cũng là thông điệp chính của Hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử VN từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” do UBND tỉnh Thanh Hóa và Hội Khoa học Lịch sử phối hợp tổ chức trong 2 ngày 18 và 19/9, nhân 450 năm ngày chúa Nguyễn Hoàng rời quê hương xứ Thanh vào Nam dựng nghiệp (1558 – 2008).

GS Phan Huy Lê (giữa).
GS Phan Huy Lê (giữa).

Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, cần thiết phải khẳng định công lao của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong việc mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, phát triển giáo dục, văn hóa. Những gì được coi là “tội” của các vua chúa Nguyễn cũng phải được xem xét lại cho thật công bằng.

Chẳng hạn, việc Nguyễn Ánh “diệt” Nguyễn Lữ, Nguyễn Nhạc, Quang Toản có phải là phản tiến bộ hay không, khi mà những chính quyền này đã suy yếu và mất lòng dân?

GS Phan Huy Lê cũng khẳng định, chưa có thời kỳ lịch sử nào có nguồn sử liệu “khổng lồ” đến thế, với những bộ sử, tùng thư, văn bia, địa bạ, các công trình tôn giáo tín ngưỡng... Các nhà khoa học mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ trong số đó, và tại cuộc hội thảo này, sẽ tiếp tục có những khai phá mới từ nguồn sử liệu.

Hiện, Ban tổ chức đã nhận được 88 tham luận, tập trung vào ba nội dung chính: thời kỳ các chúa Nguyễn, thời kỳ vương triều Nguyễn thế kỷ 19 và di sản văn hóa thời Nguyễn. Từ đó, Hội thảo sẽ xác định phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn.

Đặc biệt, Hội thảo nhận được 8 tham luận và đăng ký phát biểu của các chuyên gia hàng đầu về lịch sử VN của Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Nga,... Trong đó, GS Vu Hướng Đông của Trung Quốc có tham luận: “Ý thức về biển của vua Minh Mệnh Việt Nam”.

Ban tổ chức cho biết, phần lớn thời gian hội thảo được dành cho tranh luận, và sẽ tạo không khí học thuật tự do, dân chủ, tôn trọng các ý kiến khác biệt.

Theo Thanh Hằng (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm