Đạo diễn Lê Hoàng: Nếu có quyền, tôi sẽ chọn người thường làm BGK!

* Nghe nói anh đã từng được mời làm BGK cho một LHP ở Ấn Độ?

- Đúng rồi, tôi được mời nhưng không nhận lời. Vì thật ra có gì hay ho đâu, cứ ra khỏi Việt Nam thì gọi là quốc tế.

* Anh nhận xét gì về thành viên và cách thức làm việc của các BGK các LHP quốc tế?

Đạo diễn Lê Hoàng
Đạo diễn Lê Hoàng

- Vì chưa từng làm BGK ở cuộc LHP quốc tế nào nên tôi không thể nhận xét theo cách của người trong cuộc. Nhưng theo tôi được biết thì do có nhiều loại LHP nên cũng có nhiều loại BTC, BGK, thành phần tham gia và đầy rẫy các loại “trò”, chẳng hạn như ảnh hưởng của nhà tài trợ, của nước chủ nhà hay chuyện vận động hành lang... Nói chung là ta có gì thì quốc tế có nấy. Rồi có những giải thưởng thì cứ đóng tiền là có giải.v.v...

* Vậy chứ anh lý giải ra sao về nguyên nhân năm nào Cánh diều cũng có “chuyện ra chuyện vào” về BGK?

- Tôi chỉ nói cụ thể vào trường hợp Cánh diều hai năm trước với “vụ” Hà Nội, Hà Nội và Áo lụa Hà Đông thôi. Lúc đầu chấm thì bảo là có một phim, nhưng cuối cùng lại thành hai phim, thế mới nên chuyện. Theo tôi, nguyên nhân do các thành viên BGK không có quyền tuyệt đối, họ chỉ được chấm điểm rồi đưa cho một người cuối cùng xét, mà người cuối cùng ấy xét thế nào thì không ai biết.

* Nếu được quyền đưa ra đề xuất BGK cho các giải thưởng điện ảnh Việt Nam thì đề xuất của anh là gì?

- Tôi sẽ đề xuất những người bình thường - khán giả - những người không ở trong giới chuyên môn điện ảnh làm BGK, chẳng hạn mời một sinh viên, một nhà văn, hay một họa sĩ... nói chung là chẳng dính gì đến điện ảnh. Chọn BGK là người trong giới điện ảnh tưởng là hay nhưng thật ra là cũ rích vì nhiều người ngồi ghế giám khảo không phải là nghệ sĩ lớn, mà loanh quanh rồi cứ mấy “mạng” ấy chấm nhau, rồi ông này lại không phục ông kia. Giờ cứ thử hỏi ở Việt Nam có bao nhiêu đạo diễn, mà đạo diễn làm phim thì có mấy người? Thế nên mới xảy ra tình trạng người không làm phim (cả phim nghệ thuật lẫn phim thị trường) lại đi chấm người làm phim. Theo tôi thì cứ lấy người bình thường làm BGK là hết chuyện!

* Có người cho rằng giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam - Cánh diều - nên tiến hành theo cách các hội viên bỏ phiếu, như Oscar, chứ không nên thành lập BGK. Anh thấy thế nào?

- Cách ấy tưởng hay nhưng cũng là dở vì trong Hội nhiều người rất lười, rất ít người có phim nên việc họ bỏ phiếu thế nào chả lấy gì mà tin được. Đó là chưa kể ông dựng phim hay ông chủ rạp cũng vào Hội, họ có xem phim đâu, họ có khao khát mỗi năm làm phim Tết hay phim gì đâu, nên nếu bảo họ bỏ phiếu thì đáng nghi vô cùng. Có một vấn đề là ở Việt Nam, chức vụ không gắn với trách nhiệm và càng không gắn với lòng yêu nghề. Giới làm nghề hiện nay lòng nhiệt tình rất thiếu. Nếu để ý bạn sẽ thấy trong những buổi xem phim của nước ngoài, mặc dù vé được phát miễn phí nhưng chẳng có mấy “mạng” làm nghề đi xem đâu. Thế nên làm thế tưởng là dân chủ nhưng là dân chủ giả hiệu!

Nhà quay phim Phạm Thanh Hà:

Cho dù năm nay số lượng phim giải trí của tư nhân chiếm đến 90% thì cũng cần một BGK đại diện cho giới làm phim - các chuyên gia đúng nghĩa, thay vì phải tìm một BGK mang tính “thích ứng” để “uốn nắn” tiêu chí nghệ thuật. Đã tham gia trong cùng một cuộc đua, thì tiêu chí quan trọng nhất để xác định thắng thua là phim hay, là chất lượng nghệ thuật. Còn nếu cứ phân biệt rạch ròi giải trí và nghệ thuật rồi ngồi đó mà lo lắng thì thà tổ chức riêng một LHP giải trí do Hội Thanh niên chủ trì còn hơn.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:

Đạo diễn Lê Hoàng: Nếu có quyền, tôi sẽ chọn người thường làm BGK! ảnh 2

Tôi nghĩ là dù với loại phim nào thì cũng có những tiêu chí bất biến, đó là truyện phim phải hấp dẫn, hình ảnh đạt độ mỹ cảm cao, và diễn xuất của diễn viên chứng tỏ đạo diễn đã chọn diễn viên đúng. Còn BGK thì cần có một cái nhìn vừa “đạt chuẩn” của người làm nghề chuyên nghiệp, vừa cởi mở đối với mọi tác phẩm dự thi. Tôi nghĩ các nhà sản xuất tư nhân gửi phim dự giải lần này chắc không phải quá lo lắng, vì thời gian “chuyển động” của điện ảnh từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường đã khá dài, các Hãng phim Nhà nước đều đã từng trải qua các thử thách đối mặt với thị trường qua các mùa phim Tết... Chắc các thành viên giám khảo sẽ có cái nhìn cầu thị, cởi mở và thậm chí còn khuyến khích hơn đối với dòng phim thị trường. Bằng chứng là mấy năm gần đây, nhiều phim đạt giải cao là phim của các nhà sản xuất tư nhân, như Áo lụa Hà Đông chẳng hạn.

Nguyệt Anh (ghi)

Theo Vân Anh (TT&VH Cuối tuần)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm