Đình Đông Môn “biến mất” vì thiếu kinh phí?

Đình Đông Môn đã “biến mất”, chỉ còn lại một bãi đất trống.
Đình Đông Môn đã “biến mất”, chỉ còn lại một bãi đất trống.

Ông Ngô Hoài Chung, Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cho hay, đình Đông Môn (tọa lạc bên ngoài cửa Đông Thành nhà Hồ, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) hư hỏng nặng. Năm 2005, đình được UBND huyện Vĩnh Lộc lập dự án trùng tu. Tổng giá trị của dự án là 300 triệu đồng, bằng kinh phí chống xuống cấp của Sở VH-TT&DL. Sau đó được bổ sung thêm 150 triệu đồng.

Dự án được giao cho Công ty Tu bổ di tích và xây dựng công trình văn hoá chịu trách nhiệm thi công. Ngôi đình được hạ giải; tháng 8/2007, nhà thầu đã mang toàn bộ các cấu kiện, chi tiết của ngôi đình về xưởng của nhà thầu ở thành phố Thanh Hoá để trùng tu.

Đây là việc làm vi phạm Luật Di sản văn hoá và Quy chế 05 quy định việc trùng tu các di tích đã được xếp hạng (di tích phải được hạ giải tại chỗ; phải được phân loại, đánh giá các cấu kiện, chi tiết; phải được làm mái che bên trên để bảo quản).

Ông Chung cho biết, trước khi ngôi đình được chở đi, chủ đầu tư cũng đã phân loại, đánh giá và chụp ảnh toàn bộ các cấu kiện, chi tiết và đến nay vẫn được nhà thầu bảo quản nguyên vẹn. Còn việc kéo dài thi công dai dẳng cho đến nay, ngôi đình vẫn chưa được trả về chỗ cũ là do chủ đầu tư thiếu vốn nên nhà thầu tạm dừng thi công.

Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thuyết, Chủ tịch xã Vĩnh Long, phân trần: Sau khi hạ giải, thực tế ngôi đình bị hư hỏng nặng, tính toán lại cần phải có kinh phí 2,5 tỷ đồng trở lên mới tôn tạo được, bảo đảm yếu tố nguyên gốc. Sau nhiều lần cấp trên về kiểm tra đã chấp nhận bổ sung vốn cho dự án nhưng hiện vẫn chưa rõ là bổ sung bao nhiêu.

Ông Thuyết thừa nhận việc cho nhà thầu đem các cấu kiện của đình Đông Môn về TP Thanh Hóa để trùng tu là sai nhưng đó là tình thế “bất khả kháng” vì riêng khoản kinh phí để làm mái che trên diện tích khoảng 800m2, ước tính đã mất 400 triệu đồng; trong khi toàn bộ kinh phí của dự án lại chỉ có 450 triệu đồng.

Vừa qua, xã Vĩnh Long đã cố gắng tạo nguồn cho nhà thầu ứng thêm hàng trăm triệu đồng và nhà thầu đã hứa đến tháng 9 năm 2008 sẽ hoàn tất việc thi công tôn tạo ngôi đình.

Trong khi đó, xã Vĩnh Long là vùng khó khăn, vừa trải qua trận lũ lịch sử, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng; tiếp đến lại phải chịu “cơn bão” dịch lợn tai xanh tràn qua và bồi thêm đợi rét đậm kéo dài gần 40 ngày, làm lúa chết phải cấy lại đến 3 lần… Sức dân đã cạn, khả năng đóng góp để tôn tạo ngôi đình hầu như không có. Nếu không có sự quan tâm của UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan thì việc trùng tu, tôn tạo di tích đình Đông Môn rất dễ “đứt gánh giữa đường”, có tội với tiền nhân, với lịch sử.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, ông Chung thừa nhận những thiếu sót của Sở VH-TT&DL trong việc kiểm tra, giám sát việc tôn tạo ngôi đình quý Đông Môn; đồng thời hứa sẽ tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí bổ sung cho dự án để hoàn thiện việc trùng tu, tôn tạo đình.

Theo Thành Hưng - Nguyễn Duy (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm