Dòng người đổ xô về Dinh Thầy Thím đầu năm

Nhiều người thắc mắc vì sao người từ khắp nơi như Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM, Đồng Nai,... lại đổ về Dinh Thầy Thím để cầu khấn đầu năm như vậy, còn người dân ở đây thì lấy làm bình thường vì đó là một truyền thuyết lâu đời. Với người dân địa phương, Dinh Thầy Thím là điểm tựa để nâng đỡ họ mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Bí ẩn về một truyền thuyết

Tìm đến người dân địa phương ở đây để hỏi, ai cũng kể rành mạch về sự tích Thầy Thím. Thầy (tên chồng) và Thím (tên vợ) được người dân gọi tắt là Thầy Thím vốn là một cặp vợ chồng không tên, không có con cho đến khi mất.

Cổng chính di chuyển vào khu vực chính của Dinh Thầy Thím. ẢNH: LA HIÊN

Tương truyền, ngày xưa ở Quảng Nam có vợ chồng đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ.

Thuở thiếu thời, Thầy vừa cần mẫn dùi mài kinh sử, tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời.

Làng quê Thầy Thím nhiều năm liền bị hạn hán, mất mùa, người dân không đủ ăn đủ mặc. Thấy người dân chịu khổ, Thầy lập đàn cầu khấn với trời cao. Ngay lúc đó, bầu trời đang trong xanh bỗng nổi sấm chớp ầm ầm, mưa như trút nước khiến cho vạn vật đầy sức sống trở lại.

Một lần, trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ có một mái đình khang trang để thờ phụng thành hoàng. Đêm hôm ấy, gió mưa dữ dội, sấm chấp rền trời như báo hiệu một điềm mới. Thật đúng như vậy, khi trời yên đất lặng, mọi người thấy ngôi đình mới tọa lạc ngay giữa làng thay thế ngôi nhà lá cũ rách. Dân làng kinh ngạc rồi reo hò vui mừng.

Tin tức đến tai triều đình lúc bấy giờ, họ tố Thầy dùng phép đánh cắp đình, âm mưu gây bạo loạn. Nhà vua phán Thầy trọng tội và được phép chọn một trong ba hình thức: Xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ.

Thầy xin một tấm lụa đào và chọn tự thắt cổ. Điều ngạc nhiên là khi Thầy múa xong một bài cũng là lúc tấm lụa đào biến thành rồng nâng Thầy và Thím bay lên trời cao. Kể từ đó, Thầy Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) như một người tha hương đến đây để lập nghiệp.

Dòng người đổ xô về đây cầu khấn dịp đầu năm mới với hy vọng một năm mới bình an, sức khỏe dồi dào, tiến triển trong công việc. ẢNH: LA HIÊN

Dân ở đây kể lại rằng khi đến vùng đất mới, Thầy Thím ở nhờ trong nhà một người dân, cũng làm nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Một điều lấy làm lạ là lúc nào bên người Thầy cũng có một quả bầu khô.

Một ngày, nhân lúc Thầy vào rừng đốn củi mà không mang theo quả bầu, người chủ nhà tò mò lấy ra xem thì bị lửa thiêu rụi cả căn nhà. Sau khi đã dựng lại căn nhà mới cho chủ, hai vợ chồng Thầy Thím chọn vào rừng sinh sống để tránh điều không hay. Dù ở xa nhưng Thầy Thím vẫn gắn bó, giúp đỡ người dân như từng trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng mất mùa bóp chẹt dân nghèo, giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ...

Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cho đến ngày nay, người ta vẫn chưa thể lý giải và khẳng định về những huyền bí xung quanh truyền thuyết Dinh Thầy Thím.

Ông Văn Công Sơn, vốn là trưởng ban quản lý Dinh Thầy Thím, kể lại những câu chuyện có thật mà ông từng biết đến. Ông Sơn kể Thầy Thím qua đời sau một đêm giông bão. Sau khi Thầy Thím qua đời, để tưởng nhớ công lao và đức độ của Thầy Thím, dân làng lập đền thờ và lấy tro cốt cất mộ cho vợ chồng Thầy.

Ông Sơn cũng nói rằng Thầy Thím là những con người có thật, cuộc sống thật chứ không phải là thần hoàng cai quản một vùng đất. Người dân thờ cúng Thầy Thím là để bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng vì những việc làm của Thầy Thím. Đó là sự lưu truyền mãi mãi về giá trị đạo lý, lẽ phải.

Khu mộ của Thầy Thím cách đó 2 km là hai chỏm cát trắng... ẢNH: Internet

Đôi Bạch-Hắc Hổ trung thành, được coi là cận vệ của Thầy Thím trong khuôn viên của Dinh. ẢNH: LA HIÊN

Hiện nay, mộ Thầy Thím cách Dinh chừng 2 km trong một rừng bạch đàn, ngăn hặn sự xâm hại của cát mỗi khi gió thổi. 

Khu mộ của Thầy Thím là hai chỏm cát được đắp thành hình ngôi mộ nằm kề nhau, phía trước là bàn thờ với khói hương nghi ngút. Tương truyền rằng hằng năm cứ đến ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch, người ta lại thấy có đôi Bạch - Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ.

Kiến trúc Dinh Thầy Thím

Theo trang web riêng của Dinh Thầy Thím thì quần thể kiến trúc của Dinh được bao quanh bởi một bức tường hình thang vuông. Vòng thành trổ ba lối vào Dinh, cổng chính ở phía trước và cổng phụ ở hai bên.

Dinh Thầy Thím có diện tích rất lớn, với nhiều cây xanh bao bọc xung quanh, đặc biệt là hàng cây bạch đàn. ẢNH: LA HIÊN

Sảnh chính của dinh với thiết kế độc đáo. ẢNH: Internet

Bàn thờ Thầy Thím bên trong chính điện. ẢNH: Internet

Dinh Thầy Thím vốn được xây dựng bằng những nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như: gỗ; chất vữa kết dính được pha trộn từ vôi, cát, mật đường, nhựa cây, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch Bát tràng.

Các công trình kiến trúc chính của Dinh Thầy Thím đều quay về hướng Tây, bao gồm: cổng chính, võ ca, chính điện, nhà tiền hiền, bình phong, khu mộ Thầy Thím và một số công trình phụ cận khác. Trong đó, chính điện, võ ca, nhà tiền hiền đều sử dụng lối kiến trúc “tứ trụ”, một mô hình kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Bình Thuận trong các thế kỷ 18-19.

Một góc thờ tự trong khuôn viên của dinh. ẢNH: LA HIÊN


Đặc biệt là bốn cột chính ở khu vực trung tâm Dinh Thầy Thím được các nghệ nhân thời bấy giờ trau chuốt và tạo dáng rất tinh tế, đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật điêu khắc gỗ. Toàn bộ chân đế của các cột được gờ chỉ, cách điệu dạng một bình hoa mềm mại, phần thân cột vát thành hình trụ vuông vức, phần đỉnh cột thu nhỏ dạng hình trụ tròn. Đây là nét kiến trúc hiếm hoi và độc đáo trong gần 300 di tích ở Bình Thuận.

Trên thanh xà còn lưu dòng chữ Hán được khắc chìm, ghi “Kỷ Mão niên thập nhị quạt nhị thập ngũ nhật kiến tạo” - nghĩa là kiến tạo ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Mão (1879), đánh dấu một mốc lịch sử Dinh Thầy Thím.

 

Hằng năm, Dinh Thầy Thím có hai dịp lễ lớn: Lễ Tảo Mộ (nhằm ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch) và Lễ Tế Thu (kéo dài từ ngày 14-16 tháng 9 âm lịch).

Dịp lễ hội Dinh Thầy Thím còn có nhiều tiết mục hấp dẫn như: chèo bã trạo, diễn xướng sự tích Thầy Thím, biểu diễn võ thuật, lân múa thi tài... tạo nên tâm thế ngày hội sôi động. Du khách đến xin lộc Thầy Thím, phóng sanh thả chim về rừng, làm từ thiện... để có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm