MƯỢN LỄ HỘI BUÔN THẦN, BÁN THÁNH- BÀI 1:

Đốt tiền ở đền Bà chúa Kho

Dịp đầu năm, miền Bắc diễn ra hàng trăm lễ hội văn hóa, lịch sử, tôn giáo. Nhiều nơi nét văn hóa, đời sống tâm linh bị tệ nạn mê tín lấn át, người đi lễ đua nhau cúng tiền, đốt vàng hương như hối lộ thánh thần, người phục vụ bày ra đủ mánh lới “buôn thần, bán thánh”… Thương mại hóa lễ hội đã trở thành căn bệnh trầm kha…

Không biết từ khi nào người dân gán cho đền Bà chúa Kho có tiếng là nơi linh thiêng, ai muốn phát tài phát lộc thì đầu năm đến làm lễ vay tiền bà Chúa, cuối năm trả lễ bà theo kiểu “vay một trả mười”. Mỗi ngày có hàng ngàn người đến đội những mâm lễ cao chất ngất xếp vàng mã vàng chóe, giá trị quy ra tiền thật từ vài trăm ngàn tới vài triệu đồng. Lò hóa vàng (đốt vàng mả) trong đền lúc nào cũng rừng rực lửa, tính ra mỗi ngày có hàng chục triệu đồng bị… đốt ra tro.

1.001 mánh làm tiền

Ngày mùng 8 tết Canh Dần, đoạn đường dẫn vào đền Bà chúa Kho, các cửa hàng bán đồ lễ, vàng mã, dịch vụ đổi tiền, viết sớ đua nhau trưng biển. Đi sâu vào trong càng tấp nập. Hai bãi gửi xe cả ngàn mét vuông chật kín xe máy, ôtô biển số các tỉnh xa gần.

Trái với những lời ngọt ngào, đon đả mời khách, giá các sản phẩm, dịch vụ cúng lễ ở đây khá “chát”. Một con gà luộc 200.000-300.000 đồng, đĩa xôi gấc 100.000 đồng, mâm tiền vàng từ vài trăm cho đến tiền triệu… Nếu khách đã chuẩn bị sẵn lễ, muốn thuê người bê cũng phải chi 100.000-200.000 đồng, tùy số lượng lễ và thời điểm đông người hay không. Hiếm có vị khách nào, kể cả đàn ông trai tráng dám tự bê lễ vì dòng người đi lễ ken đặc và cảnh hỗn loạn nơi thờ cúng. Vì mê tín, người chen lấn, xô đẩy, đặt cho bằng được tiền vào các mâm trên bàn thờ (thay vì cho vào hòm công đức phía dưới). Trước cửa cung, kệ lớn nhiều tầng đặt đồ lễ nặng trĩu, chất chồng. Một mâm lễ bị rơi xuống đất, vung vãi… Ban quản lý khu di tích đã đóng cửa cung chính nhưng vẫn không ngăn được dòng người như sóng xô đến gần khung cửa để… nhét tiền qua song cửa.

Đốt tiền ở đền Bà chúa Kho ảnh 1

Màu sắc tiền vàng nổi lên trên dòng người như nêm vào cúng lễ Bà chúa Kho trưa mùng 8 tháng Giêng (21-2 dương lịch). Ảnh: VĂN TIẾN

Cạnh các bàn thờ chính, một vài chị nhã nhặn mời khấn thuê với giá vài chục ngàn đồng, thậm chí chỉ xin “giọt dầu” 1.000-2.000 đồng (đặt tiền lẻ lên bàn thờ). Nhưng sau đó, đưa cho gia chủ tờ 500 đồng còn mới gấp tư, nói qua sông vứt xuống để giải hạn và xin “phí” 40.000-50.000 đồng…

Toát mồ hôi ở lò hóa vàng

Sau đền có hai lò hóa vàng lúc nào cũng đỏ lửa như lò bát quái. Mâm vàng mã trước chưa cháy hết, mâm sau đã được đưa vào. Mấy đứa trẻ cầm que canh lò, tưởng giúp khách, nào ngờ quay lại “xin tiền mừng tuổi”. Thỉnh thoảng, có lẽ do quá tải, khách còn bê vàng mã ra khu vực phía sau, dưới triền núi Kho để hóa. Với mỗi mâm vàng mã 100.000-300.000 đồng và cả ngàn người đến lễ, số tiền bị đốt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ngày.

Ngồi chờ xe tại một quán ăn trên đường về, ông chủ quán vui vẻ “buôn chuyện”: “Bà chúa là thần coi kho, có bao giờ cho thiên hạ vay tiền đâu. Các anh chị cứ đổ xô đi vay, trả bằng vàng mã thì tổ làm giàu cho bọn buôn thần bán thánh. Theo ông này, mùa lễ hội mỗi năm, các cửa hàng vàng mã, làm dịch vụ cúng lễ lớn ở đây sau khi trừ chi phí, thuê chỗ cũng đút túi ngót nghét vài ba trăm triệu đồng.

Quản không xuể?

Về tình trạng bát nháo vừa nêu, Trưởng Ban quản lý di tích Bà chúa Kho Nguyễn Văn Mã phân trần: “Trước mùa lễ hội, ban quản lý di tích, chính quyền phường, thành phố đã có sự chuẩn bị, cắt cử người trông coi, hướng dẫn. Nhưng vì khách đến lễ đông quá nên quản không xuể”.

Ông Mã cho hay đền đã cấm việc khấn thuê nhưng theo quan sát của phóng viên, những bà, những cô khấn thuê vẫn “hồn nhiên” hành nghề cạnh các bàn thờ.

Về việc đốt vàng mã quá nhiều gây lãng phí, ông Mã cho rằng đó là tâm của khách đến cúng lễ, do vay tiền của bà làm ăn phát đạt nên không tiếc “vay một trả mười” (tất nhiên bằng tiền, vàng mã). Ông trưởng ban quản lý còn cho biết từng có người sắm lễ vàng mã hàng chục triệu đồng, đem đốt phải mất nửa tiếng mới cháy hết.

Sẽ xử lý được việc vứt tiền lẻ tràn lan

Năm nay, theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, chúng tôi tập trung chấn chỉnh việc đặt tiền lẻ (tiền “giọt dầu”). Theo chỉ thị của bộ trưởng, cần hạn chế chỗ đặt tiền: Mỗi nơi thờ tự chỉ một hòm tiền công đức, không để dân giắt tiền lên nải quả, bát hương, tay tượng.

Văn hóa đi lễ của người dân chưa như mình mong muốn: Người thì chỉn chu, cẩn thận người thì ào ào cho xong. Ban tổ chức các lễ hội năm nay đã tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các bảng hướng dẫn về quy tắc ứng xử khi đến đền, chùa. Ở Yên Tử, ban quản lý di tích còn có sáng kiến là ký hợp đồng, trang bị đồng phục cho những người chụp ảnh và đề nghị họ để ý phát hiện những đối tượng chèo kéo khách, móc túi, tổ chức cờ bạc… ở các điểm di tích. Trước mắt, theo tôi, chưa thể dùng các biện pháp hành chính để áp đặt ngay cách ứng xử của người dân. Muốn hình thành thói quen tốt cần phải có thời gian lâu dài. Tôi hy vọng với việc đặt tiền “giọt dầu” cũng vậy.

Ông Phạm Xuân Phúc, Trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội và tổ chức lễ hội đầu năm - Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch

TRẦN VĂN TIẾN ghi

Bà chúa Kho không có thật!

Theo lời truyền miệng, Bà chúa Kho là Lý Chiêu Phong khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia. Trong chiến thắng Như Nguyệt (1076), bà giữ kho lương và đã bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng, được nhà vua phong là Phúc Thần. Nhân dân Cổ Mễ nhớ ơn và lập đền thờ ở vị trí kho lương trước kia.

Tuy nhiên trong chính sử, trận ác chiến tại phòng tuyến địch ở đoạn sông Kháo Túc (sông Cầu, gần núi Nham Điền) hoàn toàn không nói đến sự tham chiến và hy sinh của công chúa Lý Chiêu Phong mà sau này, cho là Bà chúa Kho.

Nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang trong bài Đi tìm lại sự tích Bà chúa Kho đăng trên tạp chí Xưa & Nay cho biết vị nữ thần ở đền Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, thị xã Bắc Ninh được dân địa phương gọi là đền Bà chúa Kho vốn là người họ Trần, sinh cuối đời vua Lý Huệ Tông (1211-1224), được vua yêu mến cho vời vào cung lập làm hoàng phi thứ ba. Vài năm sau hoàng phi đang mang thai thì bị bệnh qua đời, an táng, xây lăng ở đất đầu núi Hoàng Nghinh, thuộc làng Quả Cảm. Riêng đền Cổ Mễ xây trên núi Kho (Lẫm Sơn) nên gọi là đền Bà chúa trên núi Kho, hoàn toàn không có ý nghĩa Bà chúa coi kho tàng…

VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm