Đốt tranh như... hóa vàng

Một triển lãm đi kèm nghi thức hóa tranh (đốt tranh) dự kiến tổ chức tại lễ cầu siêu ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vào tháng 4. Ý tưởng này nhận được nhiều ý kiến đồng tình lẫn không đồng ý!

Đốt tranh như... hóa vàng ảnh 1
    Họa sĩ Trần Nhật Thăng bên bức tranh Cánh rừng dioxin của họa sĩ Lê Trí Dũng - một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị  - Ảnh: Nguyễn Khánh

Người tổ chức hoạt động triển lãm và đưa ra ý tưởng đốt tranh này là họa sĩ Trần Nhật Thăng (Hà Nội). Anh cho biết: “Tôi có ý tưởng này đã trên 20 năm rồi, nay coi như có cơ duyên để thực hiện. Hồi đó, những năm 1990 còn là sinh viên, đọc tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, tôi đã xúc động nghĩ rằng mình phải làm việc gì đó ý nghĩa đối với các vong linh liệt sĩ”.

Ý tưởng này của họa sĩ Trần Nhật Thăng đã nhận được sự ủng hộ của ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: “Anh Trần Nhật Thăng có đến trình bày với chúng tôi về dự án triển lãm, hóa tranh cho các liệt sĩ Trường Sơn. Chúng tôi cho rằng đây là một ý tưởng hay, sâu sắc và nhân văn nên cũng ủng hộ. Hiện chúng tôi đã gửi công văn cho Sở VH-TT&DL, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị... để đề nghị cấp phép, ủng hộ triển lãm này”.

Tuy vậy, từ khi ý tưởng “hóa tranh”, “gửi tranh” này được công bố, dư luận xôn xao nhiều phản ứng khác nhau. Các họa sĩ cho rằng triển lãm tranh tưởng niệm là việc làm tốt, nhưng đối với nhiều người, ý tưởng “hóa tranh” xem ra... khó tiêu hóa nổi (!). Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc góp ý: “Cầu siêu hay triển lãm tranh cho vong hồn liệt sĩ đều là chuyện tốt, nhưng hóa tranh chỉ là chuyện... tào lao. Người ta có thể đốt vàng mã, thư từ, vật dụng riêng tư... nhưng không ai đem tranh đi đốt cả. Bởi vì mỗi bức tranh là một tác phẩm, là đứa con tinh thần, không ai đem nó đi mà “hóa” bằng lửa ...!”. Đồng quan điểm với họa sĩ Đỗ Duy Ngọc, họa sĩ Nguyễn Lâm lên tiếng: “Là một họa sĩ, tôi thấy việc một bức tranh nào đó bị đốt đều đau đớn lắm. Họ không thể làm vậy với một tác phẩm, một đứa con tinh thần. Tôi thấy chuyện đốt vàng mã Nhà nước còn hạn chế, bị xem là mê tín dị đoan. Vậy tại sao có thể đánh đồng chuyện đốt tranh cúng tế với chuyện đốt vàng mã như vậy?”.

Đã có những ý kiến phản đối, nhưng Trần Nhật Thăng cũng được những họa sĩ khác ủng hộ. Một trong số đó là họa sĩ Nguyễn Sơn cho biết: “Tôi tham gia chuyện này như một nhu cầu cá nhân. Vì không thể ra đó dự lễ cầu siêu nên tôi gửi bức tranh như gửi một nén nhang đến vong linh các liệt sĩ. Tôi coi đây là một nhu cầu tâm linh, nên việc hóa một bức tranh cũng nên coi như đốt một nén nhang, ngọn nến”. Nguyễn Sơn nói ngoài anh còn có những họa sĩ khác như Hoàng Himiko, Nguyễn Văn Đủ... sẽ tham gia gửi tranh để “hóa”.

Riêng ở phía Bắc, họa sĩ Trần Nhật Thăng khẳng định từ lúc phát động ngày 16-3 đến nay, anh đã được 20 họa sĩ đăng ký ủng hộ tranh. Trong đó có những tên tuổi như Lê Chí Dũng, Doãn Hoàng Lân, Đinh Quân, Nguyễn Văn Tiệp... Ngoài ra, Trần Nhật Thăng còn cho biết ban tổ chức vẫn có phương án mở là trường hợp họa sĩ đồng ý gửi tranh triển lãm nhưng không muốn “hóa” tranh, thay vào đó dùng để tặng các bảo tàng, nhà lưu niệm... thì ban tổ chức cũng tôn trọng ý kiến của họ.

Triển lãm và sau đó hóa tranh (đốt tranh) gửi đến vong linh các liệt sĩ Trường Sơn là một hoạt động nằm trong các chương trình của Lễ cung nghinh tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn diễn ra từ ngày 1 đến 7-4 (do Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị phối hợp với giáo hội Phật giáo những tỉnh, thành khác trong cả nước tổ chức). Triển lãm dự kiến diễn ra vào hai ngày 6 và 7-4 tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Theo ban tổ chức, tranh tham dự triển lãm được yêu cầu là phải có những chủ đề phù hợp như phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ, tình cảm gia đình.

Theo QUANG THI (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm