“Đừng đốt” và vui - buồn của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Nhưng lần này, một điều không thể phủ nhận, Bông sen vàng đã được trao đúng tác phẩm có giá trị nhất. Mặc dù tác phẩm dẫu còn đôi chỗ chưa thật như ý, song phải thừa nhận lâu lắm mới có một bộ phim về đề tài chiến tranh tạo được sự rung động trong lòng người xem. Đạo diễn Đặng Nhật Minh, giải biên kịch xuất sắc nhất đã vinh dự lên nhận Bông sen vàng cho bộ phim “Đừng đốt”…

Niềm vui sâu sắc

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tin là “Đừng đốt” sẽ giành được giải thưởng tại LHPVN. Ông cho biết niềm tin ấy xuất phát từ sự đón nhận của công chúng, những thiện cảm mà công chúng dành cho bộ phim. “Tôi tin là phim sẽ được giải, tuy nhiên tôi vẫn hồi hộp vì giải thưởng luôn là điều không thể đoán trước” – ông tâm sự. Ngay sau lễ trao giải, ông đã liên lạc với phó đạo diễn của mình đang sống ở Mỹ “để anh ấy thông báo lại cho các bạn diễn viên Mỹ biết và cùng chia vui”.

Những ngày LHP ở TPHCM là những ngày đạo diễn Đặng Nhật Minh sống trong niềm hạnh phúc khi chứng kiến cảm xúc của khán giả dành cho “Đừng đốt”. Buổi chiếu phim tại rạp Thăng Long vào tối khai mạc LHP đã không còn chỗ trống. Ông thốt lên: “Tôi bất ngờ vì khán giả đã quan tâm đến bộ phim nhiều như vậy”.

“Đừng đốt” và vui - buồn của đạo diễn Đặng Nhật Minh ảnh 1


Đạo diễn Đặng Nhật Minh trả lời phỏng vấn tại LHPVN lần thứ XVI. Ảnh: Hạ Chinh
 
Trò chuyện với phóng viên báo, ông không giấu được sự xúc động khi kể về những khán giả đã đến gặp ông sau buổi chiếu, trong đó có không ít bạn trẻ. Ông nói: “Tôi nhận thấy các bạn trẻ thật đáng yêu, các bạn không hề từ chối những bộ phim đề tài truyền thống, các bạn vẫn sẽ thích miễn đó là bộ phim hay. Với một người nghệ sĩ, hạnh phúc nhất là khi phim làm xong được chiếu, được gặp gỡ khán giả, được thấy những giọt nước mắt còn đọng trên gương mặt của khán giả sau khi xem phim”.

Trong khuôn khổ LHP, 3 cuộc giao lưu, chiếu phim đã được tổ chức, một trong số đó là buổi giao lưu với người dân ở Củ Chi của đoàn phim “Đừng đốt”. Đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm sự: “Về Củ Chi tôi được quay lại một trong những bối cảnh của “Đừng đốt”. Nơi đây chúng tôi đã quay trường đoạn máy bay trực thăng địch đổ quân để càn vào làng. Từ “cảm động” là từ chúng tôi được nghe nhiều nhất trong cuộc giao lưu với bà con trên vùng đất thép”.

Những người tham gia cuộc giao lưu kể lại, một cụ già trong làng xem phim hôm đó cho biết ngày xưa máy bay địch cũng đã hạ cánh chính nơi đoàn làm phim thực hiện bộ phim, khiến cho đạo diễn cảm động. Ông không ngớt lời cám ơn khán giả khi vinh dự lên nhận giải thưởng cao nhất tại LHP.

Và nỗi buồn lớn...

Nỗi buồn đầu tiên của người nghệ sĩ này là việc bộ phim dường như không nhận được sự tri ân từ chính cái nôi sản xuất phim, đó là thủ đô Hà Nội. “Ninh Bình là nơi đầu tiên mời đoàn phim đến tiếp xúc với khán giả. Sau đó đoàn được Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ mời sang giao lưu và tại LHPVN lần này, đoàn cũng đã có dịp gặp gỡ khán giả TPHCM. Trong khi đó, chúng tôi chưa hề nhận được lời mời nào từ các cơ quan, ban ngành ở Hà Nội…” – ông ngậm ngùi.

“Đừng đốt” và vui - buồn của đạo diễn Đặng Nhật Minh ảnh 2

Một cảnh trong phim Đừng đốt

Ông cho biết, ngày 18-12 tới đây đoàn phim được mời giao lưu với sinh viên Trường Quân y. Một công ty của Mỹ cũng đã ngỏ lời mời đoàn phim “Đừng đốt” tới để gặp gỡ với nhân viên của họ vào tháng giêng 2010. “Một người Mỹ, giám đốc của công ty đã tình cờ đến xem bộ phim tại Megastar. Khi xem phim ông ta đã khóc, sau buổi xem phim ấy, ông ta rất muốn mọi người trong công ty cũng được xem bộ phim…” – đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại.

Nỗi buồn thứ hai của đạo diễn Đặng Nhật Minh là vấn đề quảng cáo bộ phim “Đừng đốt”: “Có một nghịch lý trong việc đầu tư làm phim dựa trên kinh phí nhà nước đó là việc nhà nước chỉ quan tâm đầu tư tiền để làm phim mà không hề đầu tư để tiếp thị phim. Có cảm tưởng nhà nước không cần thu hồi vốn hoặc có lãi. Trong khi đó, nếu một nhà sản xuất phim tư nhân bỏ ra 5 tỷ đồng để sản xuất phim thì họ cũng sẽ bỏ ra 3 tỷ đồng PR, vì họ tính toán làm sao để thu về ít nhất là 10 tỷ đồng. Kết quả việc không quan tâm đến quảng bá khiến nhà nước thất thu và sản phẩm làm ra không đến được với công chúng. Đây là thiệt thòi rất lớn cho những người làm phim sau khi bỏ ra biết bao công sức để thực hiện một bộ phim. Dù phim hay hay chưa hay, nhưng nếu công tác tiếp thị tốt thì vẫn có người xem, không như hiện nay bị mang tiếng là phim nhà nước làm ra chỉ xếp kho. Trong việc này, nhà nước nên làm theo cách của tư nhân: Bỏ ra một số tiền nhất định để làm quảng cáo, giao cho Fafilm với những chỉ tiêu về doanh thu và số lượt người xem nhất định. Mặt khác, với những phim mang tính giáo dục, không phải giải trí thì nhà nước có thể hỗ trợ cho các rạp để hạ giá vé hợp với khả năng của số đông người xem”.

Không phải chỉ riêng ông, nhiều khán giả chưa xem bộ phim cũng cùng chung mong muốn, sau LHP tác phẩm được vinh danh sẽ được nhà nước tạo điều kiện để tiếp cận công chúng sâu rộng hơn.

Theo HÀ GIANG (SGGP)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm