Gã Tây thổi kèn giữa phố Sài Gòn

Ngã năm Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, TP.HCM), 6 giờ chiều. Giữa dòng xe đan nhau nghẹt kín bỗng vang lên điệu nhạc jazz từ cây kèn saxophone của một chàng Tây. Chàng ta mảnh khảnh, mũ bêrê màu kem đội trên đầu, áo sơmi bỏ ngoài quần jean, giày thể thao bụi bặm. Mọi người ngơ ngác hỏi nhau: “Gã nào thế nhỉ?”.

Dù không phải ai cũng hiểu lý do vì sao gã Tây thổi kèn nhưng những khán giả trên phố hôm ấy hẳn đều thừa nhận rằng điệu nhạc jazz của anh đã khiến buổi chiều đó trở nên đặc biệt chứ không chán ngắt như những lần kẹt xe khác. Nhiều người còn trầm trồ thích thú: “Bài Jingle bells kìa, nhạc Giáng sinh đó!”.

Khi tôi bắt chuyện, gã Tây tỏ ý rất sẵn lòng. Anh cho kèn vào túi, kéo tôi vào một quán hột vịt lộn vỉa hè gần đó. Tất nhiên anh không ăn được hột vịt lộn. Bằng giọng nói rất dịu dàng, ấm áp, anh tự giới thiệu: “Tôi là Jeremy Danneman. Tôi tới từ New York”.

“Tôi khoái kẹt xe!”

. Jeremy này, hẳn anh đã thấy những ánh mắt ngạc nhiên của mọi người dành cho mình?

+ Jeremy Danneman: Có lẽ do nhiều người ở đây còn chưa quen với những nghệ sĩ chuyên biểu diễn ngoài đường phố. Tôi thấy được vẻ ngạc nhiên, thích thú của họ và điều đó khiến tôi vui.

. Cơ duyên nào khiến anh trở thành nghệ sĩ đường phố?

+ Tôi còn nhớ hoài ngày 21-3-2009, ngày tôi tròn 29 tuổi. Tôi đã quyết định không tổ chức một buổi tiệc sinh nhật bình thường như mọi năm. Hôm đó, tôi cầm chiếc saxophone xuống đường phố New York và bắt đầu thổi. Tôi thổi suốt 10 tiếng đồng hồ liên tục. Thổi xong, tôi không mệt chút nào mà còn phấn khích và hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chính vào ngày hôm đó, tôi phát hiện mình rất yêu việc biểu diễn ngoài đường phố. Tự do, bạn biết cảm giác đó không? Đó là khi chỉ một mình tôi với cây kèn, bay bổng với các giai điệu. Tôi thổi hết bản này tới bản khác, gần như bất tận. Tất cả mọi người đều có thể dừng chân, chia sẻ với âm nhạc của tôi. Điều này rất khác khi tôi biểu diễn trong các bar, câu lạc bộ và nhà hát.

Gã Tây thổi kèn giữa phố Sài Gòn ảnh 1

Nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú trước màn trình diễn của Jeremy. Ảnh chụp tại Công viên 30-4. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hôm sau, tôi quay trở lại nơi mình đã biểu diễn. Rất nhiều người nhận ra tôi. Họ bảo: “Ồ, cái gã hôm qua kìa. Hôm qua tuyệt lắm, anh bạn ạ!”.

. Vậy việc anh thổi saxophone ngoài đường phố chỉ đơn thuần là vì niềm hạnh phúc được biểu diễn của bản thân?

+ Ồ không. Sinh nhật 29 của tôi gần với dịp kỷ niệm 15 năm xảy ra nạn diệt chủng tại đất nước Rwanda (châu Phi). Nạn diệt chủng đó lấy đi hàng triệu sinh mạng vô tội. Nó được xem là một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Khi xem bộ phim Hotel Rwanda (Khách sạn Rwanda), tôi có dịp tìm hiểu về sự kiện này và bị tác động sâu sắc. Chính ông bà nội ngoại tôi là những người may mắn sống sót sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Qua họ, tôi nhận thức được sự khủng khiếp của chiến tranh. Tôi yêu sự hòa hợp và tôi muốn dùng âm nhạc của mình để thể hiện tình yêu hòa bình.

Tôi đã nhiều lần đến những đất nước từng xảy ra nạn diệt chủng như Rwanda, Campuchia để biểu diễn âm nhạc ở đó.

. Qua đâu anh biết và tìm đến Việt Nam?

+ Hồi chiến tranh Việt Nam, cha tôi từng tham chiến trong quân đội Mỹ. Cha khuyên tôi tới đất nước này. Đây là lần thứ hai tôi tới Việt Nam và tôi đã kịp đến nhiều nơi: Củ Chi, Dầu Tiếng… Đến đâu, tôi cũng đem theo kèn saxophone nhưng có lẽ tôi thổi nhiều nhất ở Sài Gòn. Ngoài saxophone, tôi còn chơi kèn clarinet nhưng có vẻ tiếng kèn saxophone hợp với nơi đường phố đông đúc, ồn ào hơn.

. Tôi thấy lạ là tại sao anh không biểu diễn ở công viên vì những người đến đó có thể thư thái thưởng thức âm nhạc của anh. Đằng này anh lại tìm những ngã tư, ngã năm tắc đường để biểu diễn?

+ Có chứ nhưng tôi lại thấy kẹt xe chính là nét đặc sắc, thú vị của Sài Gòn. Ở New York, người ta đi bằng xe hơi, tàu điện ngầm còn ở đây người dân đi xe máy nên tôi tiếp cận họ dễ dàng. Ở các nước khác tôi biểu diễn ban ngày nhưng tại Việt Nam tôi thường biểu diễn vào giờ tan tầm. Lúc đó người ta đi làm về, ở các giao lộ hay kẹt xe. Khi ấy người ta chỉ có thể đứng yên một chỗ, tiến không được, lùi cũng chẳng xong. Hy vọng tiếng kèn của tôi có thể xua bớt những bực dọc của mọi người khi kẹt xe.

“Tôi biểu diễn không vì tiền”

. Vì khái niệm nghệ sĩ đường phố khá xa lạ với người Việt Nam, có bao giờ người ta tưởng anh biểu diễn để xin tiền?

+ Có chứ. Tôi không phật lòng vì điều đó đâu. Thậm chí khi tôi biểu diễn ở Rwanda, đất nước này còn nhiều người nghèo khổ nhưng không ít người đã lấy tiền lẻ đưa tôi. Khi tôi từ chối, họ hiểu ra và vỗ tay vui vẻ.

Lúc tôi biểu diễn ở Việt Nam, cũng có lần cảnh sát giao thông tới bảo tôi đừng chơi nhạc nữa. Chắc họ thấy nhiều người cứ ngoái đầu lại xem tôi thổi kèn khiến tình hình kẹt xe càng nặng thêm. Giờ thì tôi đã hiểu ra và quyết định không đứng biểu diễn giữa đường nữa.

. Anh có dự định gì về hoạt động âm nhạc ở Việt Nam không?

+ Đến giờ này thì chưa. Tôi chỉ rong chơi, biểu diễn đường phố và sẵn lòng tham gia các chương trình thiện nguyện. Tôi đã tham gia chương trình Điều ước đêm Giáng sinh do ĐH Công nghiệp TP.HCM tổ chức, biểu diễn tại các cơ sở bảo trợ xã hội khi có lời mời. Tôi mong âm nhạc của mình làm được điều gì đó cho mọi người. Tôi dự định ở lại Việt Nam đến ngày 25-12.

. Cảm ơn Jeremy.

Jeremy năm nay 31 tuổi. Tốt nghiệp cử nhân văn chương Anh và Mỹ (ĐH New York) nhưng vì quá yêu âm nhạc, anh đã quyết định gắn bó đời mình với kèn saxophone và clarinet. Anh sống bằng việc soạn nhạc và biểu diễn ở các bar, club (câu lạc bộ), nhà hát. Mỗi năm, Jeremy dành từ một đến hai tháng để đi biểu diễn âm nhạc trên đường phố ở nhiều nước khác nhau.

Gã Tây thổi kèn giữa phố Sài Gòn ảnh 2

Trẻ em tại Rwanda thích thú xem Jeremy biểu diễn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh đã lập ra trang web www.paradeofone.org để giới thiệu lịch biểu diễn mỗi ngày và kêu gọi nhiều người cùng tham gia biểu diễn đường phố như anh.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm