Giấc mơ sơn mài ám ảnh của Trần Quốc Long

Trần Quốc Long thực sự là một người dễ gây ấn tượng. Anh gây ấn tượng một cách tự nhiên như chính dòng nghệ thuật sáng tác bằng sơn mài mà anh đang theo đuổi. Ở anh có sự rắn rỏi, bình thản, phong trần của một người đã trải đời nhưng cũng có sự hồn nhiên không ngờ của một người trẻ ham yêu, ham sống. Anh có thể nói hàng giờ say đắm về sơn mài nhưng chỉ cần cắt ngang hỏi một chút về phụ nữ, về tình yêu, về quan điểm của anh đối với những vấn đề ngoài hội họa, anh ngẩn ra và rất có thể sẽ nói thế này: “Ơ, ngoài tranh ra Long chẳng biết nói gì đâu”.

Từ 3.600 ngày đến Hoa về trong đêm

 Long gây ấn tượng với tôi khi cách đây bốn năm, lúc còn là sinh viên (SV) năm cuối, anh đã có triển lãm khá oách với 30 bức sơn mài. Với SV mỹ thuật, sơn mài là dòng tranh của “SV nhà giàu” bởi nguyên liệu rất đắt đỏ. Để vẽ một bức tranh, chi phí nguyên vật liệu ít nhất là 4-5 triệu đồng và mất 1-3 tháng để hoàn thành. Nếu sử dụng gam màu vàng, xám, Long mài vàng thật, bạc thật, càng mắc hơn nữa.

Có trong tay 30 bức vẽ khi còn đang là SV, tôi hỏi Long: “Long là SV nhà giàu đúng không?”. Long trả lời: “Mình không giàu có gì đâu. Nhưng hễ có tiền là mua sơn, mua rồi thì vẽ, vẽ rồi thấy sướng lắm. Bán được tranh thì lại có tiền. Mình sống được bằng nghề mà”. 

Những bức tranh Long vẽ được giới sưu tầm tranh nước ngoài mua với giá vài ngàn đô. Long chưa bao giờ có ý định vẽ vội, bán rẻ. Long từ chối kiểu làm tranh “su-vờ-lia” (souvernir - hàng lưu niệm) - theo cách nói tiếng Anh vẫn lẫn lộn l-n như tiếng Việt của Long.

Họa sĩ Trần Quốc Long tại triển lãm Hoa về trong đêm.  Ảnh: HM

Trong triển lãm 3.600 ngày của Long thời điểm ấy, những gương mặt ẩn chứa nhiều tâm trạng quá, các khuôn phép trong tranh cũng ẩn chứa nhiều sự giằng xé nổi loạn. 

Rồi đến bốn năm sau, giữa tháng 12-2018, Long lại ra mắt triển lãm Hoa về trong đêm ở TP.HCM. Những bức tranh tươi tắn hơn nhiều, thắm và biếc hơn nhiều. Nhưng Hoa về trong đêm cũng có những bức tranh tối sẫm, cơ thể cô gái vẽ bằng màu đen, gương mặt hoảng loạn. Hỏi sao lại vẽ người đẹp bằng màu này, Long trả lời: “Có những giấc mơ ám ảnh lắm, chị ạ! Chúng ta sống trong ô nhiễm chứ đâu chỉ có vẻ đẹp nguyên thủy như xưa”. Thì ra Long vẫn luôn nhạy cảm và trăn trở như thế, dù đang ở giữa những giấc mơ hoa.

Người giữ gìn sơn mài

Trần Quốc Long cho biết anh đã thể nghiệm tất cả chất liệu sáng tác nhưng sau cùng anh yêu say đắm sơn mài. Anh có thể ngồi hàng giờ trong các viện bảo tàng để ngắm các bức tranh sơn mài, để tìm hiểu người nghệ sĩ xưa đã làm sao để vẽ nên bức tranh đó.

Tranh sơn mài có màu bền bỉ theo thời gian nhưng rất khó vẽ, khó pha màu. Nhiều người pha màu xong vẽ lên tranh sẽ bị ngả màu đen. Anh nói: “Nếu bác sĩ giỏi hiểu được bệnh nhân thế nào thì tôi có thể hiểu được sơn mài như thế. Tôi có thể làm bác sĩ sơn mài”. Cũng vì vậy mà người mua tranh của anh có hai kiểu: Hoặc rất hiểu về sơn mài, hoặc rất yêu giá trị truyền thống Việt, mà cũng có thể là cả hai.

Điều anh lo lắng là nhiều làng nghề làm thủ công mỹ nghệ bị cơn lốc thị trường cuốn vào quá nhanh và họ tự đánh mất mình dễ dàng.

Chúng ta cần học tập những nghệ nhân Nhật. Họ nâng đỡ nhau và bảo tồn nghệ thuật sơn mài của họ nên những tác phẩm của họ được bán giá rất cao. Dù rằng sơn mài của họ còn lâu mới có thể tốt và đặc sắc được như sơn mài của Việt Nam” - Long nói.

Trần Quốc Long sinh năm 1981 tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), hiện sống và làm việc tại Đà Lạt. Ngày 29-11-2014, khi còn là sinh viên năm cuối ĐH Mỹ thuật Việt Nam, anh làm triển lãm cá nhân đầu tiên, lấy tên 3.600 ngày. Đây chính là số ngày mà anh theo đuổi con đường nghệ thuật tại Hà Nội.

Lấy cảm hứng từ một câu thơ của Quang Dũng trong bài Tây tiến: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, Trần Quốc Long vẽ và làm triển lãm sơn mài Hoa về trong đêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm