‘Giang hồ’ ngập tràn YouTube

Không khó để tìm trên mạng các sêri lẫn các phim ngắn lẻ về giới giang hồ được sản xuất và đăng tải qua YouTube: Thiếu niên ra giang hồ, Giang hồ chợ cá, Ông trùm dẹp loạn, Giang hồ đi cướp, Người trong giang hồ, Đại ca giang hồ học đường lần đầu gặp cô giáo Thảo… Và nổi bật nhất là sêri Thập Tam Muội của cặp đôi hài Thu Trang-Tiến Luật.

Phải hút thuốc, đâm chém mới ngầu?

Gửi tâm tư đến Pháp Luật TP.HCM,bạn đọc Văn Hùng bức xúc: “Dạo này những đứa trẻ nhà tôi hay xem và bàn luận, thậm chí bạn bè chúng trong trường đều bàn tán và rất mê các phim ảnh về giang hồ Chợ Mới, Chợ Cũ, Anh Vi Cá... kèm theo các cảnh đâm chém, bảo kê, đoạn rap ca ngợi giới giang hồ và đầy cảnh hút thuốc lá. Chỉ thắc mắc là giang hồ đang được đề cao hiện nay? Suốt phim không thấy bóng dáng các lực lượng an ninh, công an, họ đang làm gì trong khi các băng nhóm hoành hành? Thật sự tôi rất lo lắng về những gì bọn trẻ đang xem và hướng đến qua những tình tiết trong các bộ phim này. Hút thuốc, đâm chém mới ngầu, đúng chất hay sao?”.

Những tâm tư bạn đọc gửi đến chúng tôi chủ yếu rơi vào sêri Thập Tam Muội. Đây cũng là sêri tạo thành trào lưu làm webdrama giang hồ bởi lượt xem lên đến con số hàng triệu. Từ thành công của sêri này, diễn viên Thu Trang-Tiến Luật đã quyết định đầu tư sản xuất thành phim điện ảnh Chị Mười Ba.

Tại buổi công bố Chị Mười Ba, trả lời Pháp Luật TP.HCM cho câu hỏi khi lên bản điện ảnh, vấn đề ngôn ngữ, hành xử… như giang hồ của Thập Tam Muội sẽ được kiểm soát như thế nào để tránh ảnh hưởng xấu với giới trẻ, nhà sản xuất Thu Trang cho biết: “Êkíp cũng rút kinh nghiệm những trường hợp đi trước về giới giang hồ từng vì sao không được ra rạp để điều chỉnh. Ngay cả việc hút thuốc cũng không xuất hiện trên bản điện ảnh”.

Còn đạo diễn của Chị Mười Ba Khương Ngọc cho rằng: “Nội dung Chị Mười Ba sẽ là phim tâm lý tội phạm, hành động hài chứ không phải xã hội đen như webdrama trên YouTube. Chúng tôi đã tính các phương án để đảm bảo tính giải trí nhưng không bị khó khăn về kịch bản hay phát hành”.

Webdrama Thập Tam Muội sẽ chuyển thành phim mang tên Chị Mười Ba. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Nhan nhản tựa phản cảm

Không chỉ “giang hồ mạng”, rất nhiều MV gần đây được phát hành qua các kênh YouTube của nghệ sĩ cũng gây nhiều phản ứng trái chiều. Từ những MV của giới underground (dòng nhạc không chính thống hoạt động chủ yếu trên mạng Internet) qua YouTube: Khu tao sống; Quăng tao cái boong; Được thì tiến, không thì biến; Phiếu bé ngoan; Tan Ka Ka… Cho đến cả những MV của các nhà sản xuất, nhạc sĩ có tiếng cũng chạy những tựa rất phản cảm… Một số ca sĩ thì chọn cách quảng bá ca khúc mình bằng cụm từ viết tắt và đẩy thành hashtag (#) trên các mạng xã hội với những ý nghĩa khác, như ca sĩ Hương Tràm với ca khúc Duyên mình lỡ đã quảng bá bằng hashtag “DML”.

Từ trước đến nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn dù được giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật nhưng nhiều tác phẩm công bố trên mạng, truyền hình… chưa có quy chế giám sát hai bên để quản lý.

Cục chưa có những quy định cụ thể để phối hợp với các ban, ngành để giám sát, xử lý các vi phạm này, quản lý với từng lĩnh vực vẫn trôi nổi và bị lọt.

Quản lý nghệ thuật luôn hướng đến làm sao không quản lý, muốn vậy phải có những chế tài cụ thể để tự do sáng tạo hoạt động và nghệ sĩ phải hiểu sự cống hiến cho cộng đồng, khơi gợi thẩm mỹ trong xã hội chứ không phải thỏa mãn cái tôi cá nhân của mình.

Đây sẽ là một trong bảy nội dung quản lý nhà nước của dự thảo nghị định mới liên quan đến thanh tra, kiểm tra giám sát vi phạm về nghệ thuật biểu diễn.

 Bà TUYẾT MINHchuyên viên Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL 

Rất nhiều nghệ sĩ lẫn các nhà mạng đa kênh (MCN) cho rằng họ dựa trên độ tuổi người dùng khi đăng ký tài khoản (account) để kiểm soát nội dung và xác định khán giả mục tiêu. Thế nhưng hầu hết việc khai thông tin cá nhân khi đăng ký account đều không thật. Và ngoài lượng khán giả là người dùng (user) trực tiếp, hầu hết người xem YouTube đều không có đăng ký tài khoản.

Phải chăng khi làm điện ảnh, làm album nhạc với luật quy định chặt hơn, có phân loại độ tuổi vào rạp, tem kiểm soát ấn phẩm phát hành… thì nhà sản xuất, nghệ sĩ đã buộc phải trói mình để né? Còn với YouTube, mạng xã hội thì các nhà sản xuất vô tư đăng tải miễn chỉ cần view cao để đếm tiền?

Đây là một lỗ hổng lớn trong vấn đề quản lý nội dung các sản phẩm đăng tải qua YouTube. Hầu như các sai phạm ở lĩnh vực nội dung YouTube nặng nhất chỉ phạt hành chính và gỡ bỏ nội dung, hoàn toàn chưa có sự kết hợp các bên để điều chỉnh nội dung sản xuất qua các trang mạng.

Phạt còn nhẹ

Năm 2014, Bộ VH-TT&DL xử phạt ca sĩ Yanbi và Mr.T mỗi người 5 triệu đồng vì “phổ biến bản ghi âm có nội dung không lành mạnh” với ca khúc Phiếu bé ngoan  Tan Ka Ka. Cùng quyết định xử phạt hành chính, thanh tra bộ cũng yêu cầu hai ca sĩ gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm khỏi hệ thống. Các trang mạng đăng tải hai bài hát nhạc cũng bị phạt mỗi trang 8 triệu đồng.

Năm 2017, Bộ TT&TT đã xử phạt kênh YouTube Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life 30 triệu đồng và Yeah1 Network, đơn vị cung cấp hệ thống mạng cho kênh này bị phạt 20 triệu đồng. Sêri người nhện, Elsa đời thực này đã thực hiện những clip gắn mác cho trẻ em nhưng lại truyền tải nội dung dung tục. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm