GS Trần Văn Khê - Giấc ngủ dài cùng âm nhạc

Ngày còn nằm bệnh viện, GS Khê vẫn tỉnh táo để lập di nguyện cho mình. Trong đám tang của ông, mọi sự đều được sắp đặt theo di nguyện. Những ai đến dự tang lễ của GS Khê đều có cảm giác ông đang ngủ một giấc dài…

Tang lễ không bi lụy

Giữa linh đường rộng, linh cữu GS Khê nằm với Thiên Nhạc Vinh Quy bên trên, xung quanh linh cữu là con cháu và bên trái linh đường là ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách.

Bốn chữ Thiên Nhạc Vinh Quy nổi bật giữa linh đường tang lễ là chữ dùng của Thượng tọa Thích Lệ Trang (người chủ tế nghi thức an táng GS Khê theo di nguyện của ông). Bốn chữ này mang ý nghĩa Thiên tài âm nhạc quy tiên hay Thiên tài âm nhạc đã trở về đất mẹ. Ban nhạc lễ nhỏ gọn với bộ trống, kèn, đàn cò và đàn tam dạo những bản tổ của nhạc tài tử: Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Ngâm, Long Đăng, Vạn Giá

Không khí lễ tang trang nghiêm nhưng không quá ồn ào, không phiền đến ai như di nguyện của ông. Những lúc không có nghi thức của lễ viếng, suốt đám tang là âm thanh mở từ máy những bản nhạc dân tộc do người bạn tri âm của GS Khê là nhạc sư Vĩnh Bảo đờn. Chính âm nhạc truyền thống đã giúp đám tang không hề bi lụy, giống như đời thường của GS Khê, “cho đến phút cuối đời vẫn luôn tràn đầy nghị lực sống” như lời BS Aroulandom Ariel chia sẻ.

Đoàn Ủy ban MTTQ TP.HCM đến viếng lễ tang. Ảnh: QUỲNH TRANG

BS Aroulandom Ariel (người Pháp, Việt Nam thường gọi là BS Hòa) là một trong những người quen biết GS Khê gần 40 năm qua và cũng là người thường thăm bệnh cho GS Khê. BS Hòa cho hay: “Tôi học GS Khê từ tính bình dân. Bất kể sang hèn, người có chức tước hay không với thầy Khê vẫn như nhau”.

Cùng tâm trạng đó, những dòng tiễn biệt của ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, lưu lại: “Nhớ đến thầy Khê - một người trí nhớ phi thường, ngón đờn điệu nghệ, giọng và lời nói chân thành mộc mạc, rặt chất Nam Bộ cho dù ở một không gian Tây lộng lẫy nào đó. Sinh hoạt của thầy rất đỗi giản đơn, đời thường nhưng trí tuệ uyên bác, tâm hồn cao thượng, để lại một di sản âm nhạc đồ sộ và vĩ đại. Nghe thầy diễn thuyết càng cảm thấy mình nhỏ bé trước một khối tri thức đồ sộ của âm nhạc và bản sắc văn hóa Việt Nam”.

Tiếp nối di nguyện…

Khi lễ viếng đám tang GS Khê được bắt đầu, một trong những người đến viếng đầu tiên là nhạc sư Vĩnh Bảo. Dường như sự ra đi của GS Khê lại là mở ra một trang mới cho âm nhạc truyền thống. Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ: “Tôi hy vọng những người ở lại như chúng ta có thể làm thầy vui lòng nơi chín suối, chúng ta có thể gìn giữ, phát huy vốn âm nhạc thầy đã dày công suốt đời tìm hiểu, nghiên cứu, thực hiện và quảng bá. Tôi nghĩ đó là mong muốn lớn nhất của thầy”.

Trong di nguyện của GS Khê cũng có ước mong tiền phúng điếu tại tang lễ của ông sẽ được lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Rất nhiều người đến viếng đám tang GS Khê cũng ước muốn di nguyện đó được thực hiện. “Tôi nghe gia đình có ý định thành lập quỹ học bổng Trần Văn Khê, đó là cách để xã hội và mọi người góp một sức nho nhỏ cho thế hệ này và thế hệ tiếp theo có thể học tập, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc truyền thống. Tôi có ý định trong chừng mực nào đó nếu có thể tôi muốn góp sức cùng gia đình và bạn bè thân hữu của thầy Khê thực hiện ý định này” - bà Tôn Nữ Thị Ninh nói.


Nhạc sư Vĩnh Bảo đờn ngay bên linh cữu bạn

Cũng cùng ước vọng giữ gìn âm nhạc truyền thống như GS Khê là nhạc sư Vĩnh Bảo, người bạn tri âm của GS Khê. Nhạc sư Vĩnh Bảo chia sẻ: “Ông Khê là con cọp, tôi cũng là con cọp. Hai con cọp khác rừng mà không tranh giành nhau, lại ôm nhau để phụng sự cho nghệ thuật. Chúng tôi mong tình tri âm này là tấm gương cho giới trẻ thấy để gạt bỏ mọi thứ mà theo đuổi mục đích chung là âm nhạc”. Có thể nói tang lễ GS Khê là một sự kiện góp thêm tình yêu âm nhạc, văn hóa truyền thống chứ không đơn thuần là một lễ tiễn biệt.

Trong tối nay (27-6), như di nguyện của GS Khê, nhạc sư Vĩnh Bảo sẽ có buổi đờn ngay bên linh cữu bạn, nhóm Vinh danh văn hóa Nam Bộ do học trò GS Khê là anh Hồ Nhựt Quang cũng sẽ đến đọc điếu văn theo nghi thức Nam Bộ… và nhiều nhiều những nghệ sĩ, nghệ nhân đến góp lời ca, tiếng đàn tại lễ tang.

_____________________________________

Chiều 26-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi vòng hoa đến viếng lễ tang GS-TS Trần Văn Khê. Đại diện nhiều cơ quan nhà nước, đoàn thể: Bộ VH-TT&DL, Thành ủy TP.HCM, Ủy ban MTTQ TP.HCM, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các nghệ sĩ Thành Lộc, Kim Cương, Ái Xuân, Giao Linh, Họa Mi… cũng đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình GS-TS Trần Văn Khê.

Lễ động quan bắt đầu lúc 6 giờ ngày 29-6 (tức 14-5 năm Ất Mùi). Linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang hoa viên Chánh Phú Hòa (huyện Bến Cát, Bình Dương).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm