Hà Nội đã thay đổi ra sao?

Nhiều người tham dự phải ngồi bệt bên hành lang hay trên sân khấu để lắng nghe chia sẻ của các diễn giả. Các diễn giả đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã đưa ra những lát cắt về sự biến đổi của Hà Nội từ văn hóa cho tới kiến trúc… Với nhà nghiên cứu Trần Quang Đức thì người Hà Nội bây giờ chửi tục nhiều hơn so với ngày xưa, với họa sĩ Nguyễn Thế Sơn là sự biến đổi từ những căn nhà mặt tiền trở thành tiền mặt, từ mặt thành ra mông, từ không gian riêng tư trở thành không gian công cộng… Còn đối với kiến trúc sư Phó Đức Tùng, Hà Nội vẫn là nơi thích nhất để trở về, Hà Nội vẫn đẹp nhiều hơn xấu.

Hà Nội đã thay đổi ra sao? ảnh 1

Dù đã bó hẹp chủ đề nhằm đưa ra những góc nhìn về sự đổi khác của Hà Nội nhưng dường như chia sẻ của các diễn giả không đáp ứng được kỳ vọng của người nghe. Họ phần lớn đều muốn được tổng kết như những gạch đầu dòng về những gì là tinh hoa của Hà Nội, rồi bảo tồn lưu giữ tinh hoa đó như thế nào. Một diễn giả lý giải sự xô bồ của Hà Nội ngày nay bằng việc đề cập đến sự xuất hiện của những người ngoại tỉnh. Những người đã đem văn hóa, nếp sống nông thôn vào TP, họ xỉa răng trên phố, họ ứng xử không theo khuôn phép đô thị

Người ngoại tỉnh, một số lượng không hề nhỏ trong số hàng chục triệu cư dân thành thị ngày nay vẫn luôn được coi là tác nhân của sự xô bồ phố thị như thế. Dù rằng, theo cách nói của nhà văn Hồ Anh Thái, người Hà Nội gốc bây giờ chắc chỉ tìm thấy ở những người chài lưới bên bờ bãi sông Hồng. Kiến trúc sư Phó Đức Tùng bày tỏ không thể đòi hỏi một cái gì là tinh hoa trong một đô thị đông đúc, ông cũng cho rằng ở một quần thể đông người có giá trị riêng của nó. Câu chuyện thậm chí còn lan đến một chủ đề, vậy Hà Nội là của ai? Rõ ràng Hà Nội không phải của người tự xưng là người Hà Nội, không phải của riêng những người đang cư ngụ, mưu sinh, học tập… tại TP này, Hà Nội là của cả nước. Nó phải chấp nhận cuộc dung nạp người tứ xứ, chấp nhận bị biến đổi ngoài mong muốn chủ quan của nó, vấn đề là người quản lý phải biết cách hướng cộng đồng theo lối sống đẹp.

Nhiều người có mặt tại hội thảo đòi hỏi phải có một giải pháp gì đó để giữ lại những gì là tinh hoa của Hà Nội. Tiếc sao, tinh hoa Hà Nội đến bây giờ là gì cũng chưa ai có thể cầm nắm được. Trước đây, chúng ta bao biện người ngoại tỉnh làm xấu Hà Nội, còn nay Hà Nội mở rộng đã có cả những nông dân lam lũ lẫn những công dân mù chữ, Hà Nội đã trở thành một đô thị rộng gấp nhiều lần như nó vốn có.

Kiến trúc sư Phó Đức Tùng nói điều quan trọng nhất là nó vẫn là một TP đang sống, không phải TP trong một bảo tàng. Hà Nội vẫn là TP sống nhưng muốn chứng kiến Hà Nội như một TP “ngủ” hãy đến đây vào ngày mùng 1 tết, khi những cư dân ngoại tỉnh trở về với nơi họ đã ra đi để vui cuộc đoàn viên, lúc đó Hà Nội không có kẹt xe, Hà Nội không có cảnh xô bồ nhếch nhác, cảm xúc bất chợt đến như một trải nghiệm lý thú nhưng TP lúc đó khác gì một TP đang “ngủ” đâu?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm