Hạ thấp tiêu chuẩn học vấn là hạ thấp giá trị danh hiệu Hoa hậu

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Nhiều người cho rằng "giảm" yêu cầu về trình độ học vấn thí sinh như vậy mới công bằng và rộng rãi. Nhưng cũng có không ít người cho rằng yêu cầu như vậy là hơi thấp, và chưa phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

TT&VH có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

* Thưa ông, nếu quy định như trên, sẽ xảy ra trường hợp thí sinh dự thi sắc đẹp còn đang ngồi trên ghế nhà trường (học lớp 10, 11, hoặc 12). Như vậy việc tham gia thi hoa hậu, và việc thực thi các nghĩa vụ của Hoa hậu (nếu đăng quang), có ảnh hưởng tới việc học hành hay không? Có thể dung hòa được cả hai việc không? Là nhà giáo ông có khuyến khích các em đang học phổ thông tham gia thi sắc đẹp?

- Theo tôi, nên duy trì quy định người dự thi hoa hậu phải có trình độ học vấn tối thiểu là tốt nghiệp THPT (hoặc tốt nghiệp TH chuyên nghiệp, trung học nghề). Hạ thấp tiêu chuẩn này là hạ thấp giá trị của danh hiệu Hoa hậu Việt Nam. Trong trường hợp một Hoa hậu chưa tốt nghiệp THPT thì Hoa hậu đó cũng khó có thể đại diện cho nước ta tham dự các cuộc thi hoa hậu khu vực và thế giới.

Nếu bây giờ ngành văn hóa sửa quy chế để người chưa tốt nghiệp THPT có quyền dự thi hoa hậu thì ngành giáo dục cũng khó ngăn cản học sinh phổ thông tham dự các cuộc thi hoa hậu, người đẹp v.v... đang ngày càng nở rộ. Thậm chí, không loại trừ khả năng một số học sinh hy vọng được nổi danh từ những cuộc thi này, sẵn sàng bỏ học để tham dự.

Trong thời gian công tác trong ngành giáo dục, tôi đã gặp một số trường hợp học hành sa sút hoặc phải bỏ học sau khi đạt danh hiệu vẻ vang trong các cuộc thi hoa hậu hoặc người đẹp. Ở đây có cả lý do chủ quan lẫn khách quan. Mà các em đó là sinh viên, tức là cũng đã có nhận thức tương đối vững vàng, chứ không còn non nớt, dễ bị ảnh hưởng của ngoại cảnh như học sinh phổ thông nữa.

* Theo ông, với các em đang đi học, có cần phải có thêm quy định về hạnh kiểm đối với thí sinh dự thi và đối với thí sinh đoạt giải hay không? Ông có nghĩ rằng xã hội nói chung sẽ chấp nhận Hoa hậu là một học sinh trung học bị hạnh kiếm trung bình? Ông nghĩ sao trong trường hợp một học sinh đăng quang Hoa hậu trong khi ở trường cô ấy lại là một học sinh học hành kém, hạnh kiểm thấp? Những học sinh trong trường sẽ nghĩ gì trong trường hợp này?

- Mục đích của thi hoa hậu là tôn vinh cái đẹp, phái đẹp, qua đó tôn vinh vẻ đẹp của Con Người nói chung. Theo tôi biết thì cả trong quy chế thi lẫn trong nhận thức của công chúng, cái đẹp được tôn vinh phải là cái đẹp toàn thiện, toàn mỹ; một Hoa hậu cần phải đẹp cả về hình thể lẫn trí tuệ và phẩm hạnh. Về hình thể, quy chế thi đề cập đến cả chiều cao của thí sinh; vậy thì về hạnh kiểm, thí sinh (chứ chưa nói đến người được trao danh hiệu Hoa hậu) cũng phải được đánh giá cao. Là nhà giáo, tôi xin nói thật là trong trường học, phải xếp một học sinh, đặc biệt là nữ sinh, vào loại trung bình, các thầy cô đắn đo lắm đấy.

* Nếu chấp nhận cả thí sinh chưa tốt nghiệp THPT thì rất có thể sẽ xảy ra trường hợp: Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT, nhưng không phải do hoàn cảnh khách quan (miền núi, hải đảo xa xôi khó khăn), mà lại do những yếu kém của bản thân thí sinh đó như bỏ học giữa chừng hoặc bị đuổi học… Như vậy, theo ông, một thí sinh như vậy có thể trở thành Hoa hậu được không?

- Ở nước ta cũng như trên thế giới, từ trước đến nay, có nhiều người không có điều kiện đạt trình độ học vấn cao, thậm chí chưa hề bước chân đến trường, nhưng qua rèn luyện, học hỏi trong thực tế và nhờ tố chất tốt, họ vẫn có thể đạt đến đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực. Một số người trong những giai đoạn nhất định có va vấp nhưng sau một quá trình phấn đấu vẫn vươn lên được và có khi thành đạt hơn người có hoàn cảnh bình thường.

Nhưng câu chuyện chúng ta nói hôm nay chỉ giới hạn trong phạm vi thi hoa hậu. Hoa hậu cần đạt những tiêu chuẩn cao về hình thể, trí tuệ và phẩm hạnh vì đó là người được chọn lựa trong một cuộc thi tôn vinh cái đẹp toàn thiện, toàn mỹ. Về nguyên tắc, mỗi người dự thi hoa hậu đều có khả năng trở thành Hoa hậu, do đó, họ cần đạt những tiêu chuẩn tương đối cao về cả ba mặt nói trên.

* Là một nhà giáo, nay là Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ông có suy nghĩ hoặc mong muốn gì về trình độ học vấn của các Hoa hậu Việt Nam? Và cá nhân ông ấn tượng với Hoa hậu nào nhất?

Tôi mong các Hoa hậu Việt Nam ngày càng có trình độ học vấn cao, xứng đáng đại diện cho trình độ học vấn của xã hội và của lớp trẻ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì chỉ xem một số lần chung kết thi hoa hậu qua màn ảnh nhỏ nên tôi không thể nói là có ấn tượng với Hoa hậu nào nhất, vì nói như thế dễ sa vào cảm tính và thiếu công bằng. Bây giờ con gái tôi đang đi làm việc ở nước ngoài nên ở nhà chỉ còn vợ tôi thành "Hoa hậu" của gia đình. Tôi đánh giá cao "Hoa hậu" này về nết chịu thương chịu khó và sự thông minh trong quản lý, phục vụ cái xã hội nhỏ của chúng tôi.

* Xin cảm ơn ông và xin chúc gia đình ông luôn hạnh phúc

“Dự thảo mới về quy chế 37 đang để ở trên bàn của tôi thật. Nhưng nội dung dự thảo mục thể lệ vẫn giữ nguyên: Thí sinh dự thi phải tốt nghiệp THPT, và có ý kiến của anh Dương Xuân Nam khi đi tham dự hội thảo quy chế 37 của Bộ hồi tháng 4/2008. Nhưng đó chỉ là một ý kiến. Còn nhiều ý kiến khác cho rằng để cho hoa hậu mang tầm cỡ quốc gia thì phải tốt nghiệp PTTH” - phát biểu của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Tiến Thọ (theo VNN, 8/9/2008)

Theo Nguyễn Âu (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm