Hai người đàn ông và khát vọng đàn đá

Đó là hai anh em nghệ nhân Nguyễn Đức Lộc và Nguyễn Chí Trung. Buổi sáng ghé thăm ngôi nhà khá tuềnh toàng có bàn thờ Đức Thánh Trần của họ - trong hẻm của đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1, TP.HCM - tôi đã được nghe những âm sắc lạ kỳ của cây đàn đá với bài Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn.

Từ sáo trúc 16 lỗ...

Chuyện bắt đầu từ năm 1981. Đó là ngày Nguyễn Đức Lộc và Nguyễn Chí Trung báo cáo công trình cải tiến cây sáo trúc 16 lỗ của họ tại Viện Nghiên cứu âm nhạc TP.HCM. Cuộc báo cáo có Giáo sư-nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Giáo sư-nhạc sĩ Tô Vũ, Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Khê… tham dự. Báo cáo thành công mỹ mãn. Giáo sư Trần Văn Khê đánh giá về cây sáo trúc này: “Sáo 16 lỗ mở rộng âm vực 3 quãng 8 là ngang bằng với âm vực của sáo Tây (flute). Và ưu điểm của sáo 16 lỗ là sử dụng luyến láy bằng hơi nóng của ngón tay, không dùng phím bấm như flute”.

Việc nghiên cứu sáo 16 lỗ bắt nguồn từ chuyện hai anh em chơi nhạc. Nghệ nhân Chí Trung tâm sự: “Hai anh em tôi chơi nhạc dân tộc cho một số đoàn hát. Sáo cổ truyền chỉ chơi được thang âm bốn nốt là Bắc-Nam-Xuôi-Ai. Nếu muốn thổi cho nhạc cải lương hay nhạc phương Tây thì chịu. Trong nhạc cải lương khi cần chuyển tông, chuyển giọng thì sáo cổ truyền của mình không theo kịp…”. Và họ nghĩ đến chuyện cải tiến sáo. Lúc đó đã có cây sáo Âm Dương của nhạc sĩ Đặng Quốc Khánh. Cây sáo này là do hai cây sáo gộp lại, một cây sáo đô và một cây sáo son. “Khi chơi sáo Âm Dương, muốn đổi tông, chuyển âm thì phải lật cây sáo lại nên cũng chưa tiện cho việc sử dụng. Do vậy, anh em tôi nghĩ ra cách cải tiến lỗ bấm trên cây sáo thành 16 lỗ” - anh Chí Trung nói.

Hai người đàn ông và khát vọng đàn đá ảnh 1

Bộ đàn đá phải đáp ứng được cả về mặt âm thanh và hình dáng.

... Đến đàn đá 100 thanh

Thành công với cây sáo cải tiến, nhận thấy ở họ có khả năng nghiên cứu, Giáo sư Lưu Hữu Phước, lúc đó làm viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc TP, đã nhờ nhạc sĩ Phan Chí Thanh chuyển đến họ một thanh đá trong bộ đàn đá Khánh Sơn (Khánh Hòa). Thanh đá nặng 6 kg, với lời nhắn nhủ chân tình của Giáo sư Phước: “Các anh đã nghiên cứu thành công cây sáo, tôi mong các anh làm sao thu gọn, nhẹ lại bộ đàn đá này và mở rộng tầm âm vực”.

Khát vọng cải tiến nhạc cụ dân tộc và cảm kích vì lời nhắn gửi của một nhạc sĩ tài hoa như Giáo sư Lưu Hữu Phước, họ lao vào nghiên cứu dù phải bỏ diễn, cuộc sống khó khăn. Trước tiên phải tìm ra loại đá phát ra tiếng kêu. Hai anh em dành tiền đi tìm kiếm đá khắp nơi rồi mua vác về, đẽo gọt, chế tác. Trong đống đá mang về có hòn kêu, hòn không. Việc nghiên cứu thêm phần gian nan, gần như rơi vào bế tắc. Đọc tài liệu mới phát hiện ra ngày xưa cha ông từng đào đất, lót rơm rạ ở dưới rồi bỏ đá lên để đánh. Vậy là tìm ra bí quyết nhưng để đá lên hố đất thì không thể diễn ở nhiều nơi và bị tạp âm lẫn vào, tiếng đàn không rõ. Lại phải nghiên cứu làm hộp cộng hưởng cho đàn đá. Đầu tiên họ dùng tre nứa khoét lỗ để làm hộp cộng hưởng nhưng tre nứa thì không bền, khó đo kích thước để chỉnh âm. Sau cùng họ dùng ống nhựa để làm hộp cộng hưởng. Tìm ra hộp cộng hưởng coi như nắm chắc 50% thành công. Vì khi có hộp cộng hưởng thì loại đá nào đặt lên cũng phát ra tiếng, không cần phải là loại đá phát ra tiếng kêu nữa.

Tiếp đó là việc tạo dáng cho cây đàn. Đàn đá là nhạc cụ dân tộc nên không chỉ âm sắc mà ngay cả hình dáng cũng phải có tính dân tộc. Suy nghĩ nhiều đêm, cuối cùng họ quyết định làm ra bộ đàn 100 thanh gồm hai cây, mỗi cây 50 thanh. Một cây tạo hình dáng chim Lạc, bay lên rừng, một cây tạo hình dáng con thuyền đi xuống biển. Thiếu tiền để tạo chân đế cho bộ đàn này họ phải tận dụng những dụng cụ đã bỏ đi rồi chế tác làm chân đàn.

Hai người đàn ông và khát vọng đàn đá ảnh 2

Chọn đá làm đàn cũng tốn nhiều

Chỉ từng bộ phận của chân đế cây đàn hình chiếc thuyền, nghệ nhân Đức Lộc cười nói: “Hai chân đế này là hai chân bàn cũ, hai con Cóc cũng vậy. Cái thanh cong là cái vòng nôi em bé… Anh em tôi gom từng thứ về làm”.

Từ sự nghiên cứu, cải tiến của họ, bộ đàn đá này tạo nên những âm thanh vang hơn, sâu lắng hơn. Nhạc công Nguyễn Văn Doanh, bạn thân của hai nghệ nhân, nói: “Đàn đá kết hợp xen kẽ giữa hệ thống ngũ cung thể hiện được tiếng Á trong âm nhạc dân tộc và hệ thống thất âm của âm nhạc phương Tây. Chiếc dùi đánh cây đàn đá hình chim Lạc (gần giống đàn T’rưng của người dân tộc vùng Tây Nguyên - PV) cũng được nghệ nhân Đức Lộc cải tiến. Thoạt nhìn chiếc dùi có hai đầu gần giống hình dáng chiếc dùi của đàn T’rưng nhưng ở mỗi đầu được tách ra làm hai. Một bên là gỗ, khi đánh tạo âm sắc đanh, bên kia bịt cao su, tạo âm sắc mềm mại hơn. Khi đánh nếu dùng kỹ thuật vuốt đàn sẽ tạo ra âm sắc như đàn T’rưng”.

Ước vọng cho đàn đá

Đam mê nghiên cứu, giờ tuổi đã ngoài 50, nghệ nhân Đức Lộc vẫn chưa lập gia đình. Anh tâm sự: “Mình đam mê quá nên nhiều lúc không còn thời gian dành cho việc hẹn hò nữa. Riết rồi thời thanh xuân qua đi mình cũng không để ý”. Ngoài đàn đá, họ còn cải tiến thêm loại đàn Bămboo (một nhạc cụ của dân tộc Thái ở Tây Bắc) và nhạc cụ Ăngkalung (một nhạc cụ của Indonesia). Hơn 20 năm nghiên cứu đàn đá bằng tiền túi của mình đã khiến cuộc sống sinh hoạt của họ lâm vào khó khăn. Anh Chí Trung cho biết số tiền 10 triệu đồng mà vợ anh vay của Hội Phụ nữ quận 1 từ hơn 10 năm trước cũng chưa trả hết.

Hai người đàn ông và khát vọng đàn đá ảnh 3

Dù bây giờ đàn đá 100 thanh đã được công nhận, xác lập kỷ lục Việt Nam nhưng việc phổ biến nhạc cụ này vẫn còn hạn chế. Nguyện ước của hai nghệ nhân là có tiền sửa lại nhà, đưa ngai thờ Đức Thánh Trần lên tầng trên để dưới có chỗ cho đàn đá và những nhạc cụ dân tộc mà họ đang cải tiến. Từ đó mới có điều kiện giảng dạy, quảng bá cho cây đàn đá độc đáo này. “Một số công ty du lịch muốn mở tour cho du khách tham quan cây đàn của chúng tôi. Cũng có một số người muốn xin tới học đàn đá nhưng như anh thấy đó, nhà cửa chật chội, dột tứ tung… làm sao tôi dám nhận lời!” - anh Chí Trung tâm sự.

NGUYỄN VĂN THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.