Hào hứng xem hát bội trên đường sách Nguyễn Văn Bình

Tiết mục hát bội nằm trong chương trình buổi tọa đàm văn hóa chủ đề Đồng bằng sông Cửu Long - những nét độc đáo văn hóa và nghệ thuật truyền thống do Đường sách TP.HCM cùng khoa du lịch trường Đại học Hoa Sen phối hợp với CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ tổ chức vào chiều 13-7.

Phần trình diễn tiết mục hát bội "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ" đến từ đoàn hát của nghệ sỹ ưu tú Ngọc Khanh - ái nữ của nghệ sỹ hát bội Ba Út trứ danh Nam Kỳ xưa.

Mở đầu buổi tọa đàm, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ trình bày khái quát về văn hóa của người Nam Bộ, tập trung vào năm vấn đề chính về sinh hoạt đời sống, lối ăn cách ở và đi lại, tôn giáo tín ngưỡng, những nét sống cao đẹp và đặc điểm văn hóa – văn nghệ của người dân đồng bằng Sông Cửu Long.

Không gian trưng bày các sản phẩm mô phỏng lại văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ trên đường sách Nguyễn Văn Bình.

Khán giả bị thu hút bởi sự dẫn dắt của diễn giả qua những chén dĩa dù là đồ dùng hằng ngày nhưng lại có chứa ý thơ của đại thi hào Nguyễn Du, hình trúc lâm thất hiền, mai – lan - cúc- trúc sâu sắc triết lý nhân văn. Lối sống đề cao giá trị chân thiện mỹ qua kỉ trà, lục bình bằng nguyên liệu đồng của vỏ pháo đúc hình hoa sen.

Nghệ sỹ ưu tú Ngọc Khanh - ái nữ của nghệ sỹ hát bội Ba Út trứ danh Nam Kỳ xưa chia sẻ về nghệ thuật hát bội.

Tiếp đến là phần trình diễn đờn ca tài tử của đến từ các nhạc sĩ của nhạc viện thành phố với các bài Lưu Thủy Trường (bài Bắc), Nam Ai (bài Nam), Xàng Xê (nhạc lễ miền Nam), độc tấu đàn bầu, cải lương với bài Câu hòa dành tặng Thầy Khê và phần biểu diễn vở cải lương Tri ân đức tả quân Lê Văn Duyệt.

Đông đảo khán giả trong nước và du khách nước ngoài tham gia chương trình.

“Thấy các em say mê tìm hiểu văn hóa, dựng cảnh trồng rẫy, rồi đi học múa cờ tập trận cho tiết mục cải lương Tri ân đức tả quân Lê Văn Duyệt như truyền cảm hứng cho tôi tham gia chương trình. Sắp xếp thời gian được có vài buổi mà các em đã diễn rất tốt, diễn rất có hồn. Tôi nghĩ rằng đây là kỷ niệm rất đẹp trong đời sinh viên được cơ hội tìm hiểu văn hóa và nghệ thuật đồng bằng Sông Cửu Long” -  cô Lê Hoàng Phương Linh, Khoa Du Lịch trường ĐH Hoa Sen chia sẻ.

Điều đặc biệt trong buổi tọa đàm là phần chia sẻ và thị phạm về nghệ thuật hát bội của nghệ sỹ ưu tú Ngọc Khanh - ái nữ của nghệ sỹ hát bội Ba Út trứ danh Nam Kỳ xưa. Qua đây, khán giả được hiểu rõ hơn về cách hóa trang, cách ca, cách diễn của nghệ thuật hát bội, đặc biệt là tình yêu nghề luôn trỗi dậy dù nghề không còn là thời hoàng kim như xưa.

Khán giả chăm chú theo dõi và ghi lại phần chia sẻ và thị phạm về nghệ thuật hát bội của nghệ sỹ ưu tú Ngọc Khanh.

Chương trình được khép lại với tiết mục hát bội "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ", đây là kịch bản mượn nhân vật Phàn Lê Huê của truyện Tàu nhưng được soạn giả Việt viết thêm nhân vật Thần nữ để tôn vinh tinh thần trung hiếu tiết nghĩa.

Phần biểu diễn vở cải lương Tri ân đức tả quân Lê Văn Duyệt của các thành viên CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ kết hợp với sinh viên khoa Du lich ĐH Hoa Sen.

“Tôi muốn mượn những gì đơn giản nhất của cha ông xưa như khung chầm nón lá, kỉ trà, chén dĩa, bình hoa… để làm bậc sáng giá trị văn hóa sâu thẳm của người xưa. Mượn cái đơn giản, gần gũi để gieo tình yêu văn hóa và nghệ thuật cho các bạn sinh viên ngành du lịch để sau này các em sẽ có hành trang nghiên cứu tìm hiểu nhiều hơn, khi đó các em không còn là sinh viên bình thường mà là một hướng dẫn viên du lịch, một đại sứ văn hóa của đất nước”- diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm