Hậu quả lớn khi dùng nội dung không bản quyền cho app

Ứng dụng (app) đọc truyện tranh mang tên Funtoon - Đọc truyện tranh hay của Việt Nam vừa bị Google và Apple gỡ khỏi hệ thống bởi vi phạm bản quyền.

Thu phí người dùng dù xài hàng không bản quyền

Funtoon là ứng dụng đọc truyện tranh cho đối tượng có độ tuổi từ 13 trở lên. Đây là một ứng dụng đọc truyện có thu phí người đọc thông qua hệ thống in-app purchase của Google và Apple. Có nhiều mốc tiền từ 22.000 đến 1 triệu đồng, tùy theo nhu cầu, thời gian sử dụng của người dùng.

Đến tháng 6-2020, trong một đăng tải tuyển dụng, ứng dụng này xác nhận việc đạt thành tích là tốp 1 của tab thịnh hành trên Google Play Store. Thực tế, để đạt được thành tích này, ứng dụng đó phải đạt 50.000-100.000 lượt tải.

Dẫu là một ứng dụng trả tiền, đạt thành tích nhưng Funtoon lại không hề xin phép hay có thỏa thuận để sử dụng nguồn truyện họ khai thác kinh doanh. Cụ thể, từ cuối tháng 7-2020, POPS Worldwide, đơn vị nắm bản quyền nhiều tác phẩm truyện tranh (comic) của Trung Quốc dành cho độc giả 13 tuổi trở lên, phát hiện ứng dụng đọc truyện tranh Funtoon (một ứng dụng đọc truyện có thu phí) vi phạm bản quyền sản phẩm của mình. Theo đó, Funtoon sử dụng không xin phép hàng ngàn truyện tranh và có những tác phẩm được POPS sở hữu độc quyền tại Việt Nam.

Sau khi phát hiện bị vi phạm, POPS đã phản hồi đến Google và Apple. Hai đối tác này đã yêu cầu POPS cùng Funtoon chứng minh mình là chủ sở hữu những sản phẩm truyện tranh. POPS ngoài việc chứng minh là chủ sở hữu còn đưa ra hai yêu cầu với chủ sở hữu ứng dụng Funtoon: Thứ nhất, gỡ toàn bộ truyện lậu của POPS ra khỏi ứng dụng của họ. Thứ hai, gặp gỡ trực tiếp để trao đổi về vấn đề vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, phía Funtoon đã không đáp ứng những yêu cầu của POPS. Cho đến ngày 10-9, Funtoon chỉ xóa các bộ truyện độc quyền của POPS khỏi ứng dụng.

Funtoon thông báo đến người dùng về việc biến mất khỏi Google Play Store và Apple Store, thực chất là bị gỡ bỏ vì vi phạm bản quyền. Ảnh: Fanpage Funtoon

Bị gỡ app và công bố app đang bảo trì

Dẫu vậy, khi nhận được phản hồi từ đối tác là POPS, Google và Apple cũng đã có những xác thực độc lập riêng về việc vi phạm bản quyền của Funtoon. Mới đây, ngày 15-9, Google đã thông báo xác nhận gỡ app Funtoon khỏi hệ thống Google Play Store sau khi kiểm tra app này đã có những vi phạm bản quyền về nguồn truyện sử dụng.

Tiếp theo đó, ngày 16-9, trên hệ thống Apple Store của Apple, ứng dụng Funtoon - Đọc truyện tranh hay cũng bị gỡ bỏ. Thông tin về ứng dụng Funtoon được công khai trên Apple Store là sản phẩm do Công ty cổ phần Công nghệ TechLab (TechLab Technologies Joint Stock Company) phát triển (developer) và cung cấp (provider) với ID: 1499613190.

Ngay sau khi bị gỡ khỏi hai hệ thống lớn này, ngày 17-9, trên trang fanpage của ứng dụng (app) truyện tranh Funtoon - Đọc truyện tranh hay đã có những ghi chú đến người dùng.

Trang này đăng hình ảnh ứng dụng Funtoon kèm nội dung: “App Funtoon đâu rồi? Sao không thấy trên Google Play và App Store? Nguyên nhân là do app đang trong quá trình bảo trì và nâng cấp để người dùng có thể trải nghiệm tốt hơn…”.

Thực tế, ứng dụng xem truyện tranh này vừa bị Google và Apple gỡ khỏi Google Play Store và Apple Store vì vấn đề vi phạm bản quyền. Và đây không phải là lần đầu tiên hai ông lớn Google và Apple gỡ bỏ các ứng dụng của Việt Nam khỏi hệ thống của họ vì vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ thường rất hiếm được cả hai công bố bởi liên quan đến các chính sách với đối tác.

Vi phạm bản quyền nhiều nhất

Bất cứ app nào khi vào hệ thống Google Play Store, Apple Store đều phải tuân thủ tất cả thỏa thuận của nhà cung cấp, trong đó yêu cầu tiên quyết luôn là vấn đề bản quyền. Một app vi phạm thỏa thuận thì tùy vào mức độ mà có những bước nhắc nhở hoặc gỡ khỏi hệ thống. Trong suốt thời gian qua, chúng tôi tư vấn và xử lý gỡ bỏ hàng trăm app xem phim, bóng đá... khỏi Google lẫn Apple, nhiều nhất là vi phạm bản quyền.

Có những vấn đề lớn ở đây. Thứ nhất, tất cả app vi phạm này hầu hết đều có thu phí. Chính vì thu phí nên người dùng khi sử dụng app nghĩ họ đã sử dụng đúng app có bản quyền. Đó là sự lừa đảo người dùng.

Thứ hai, những người làm app vi phạm vậy rất khó đòi hỏi họ phải nghĩ đến thiệt hại lâu dài bởi họ thu được ngay tiền trước mắt. Thực tế, việc một quốc gia có số lượng app lậu càng lớn thì càng bóp nghẹt thị trường làm app chân chính. Bởi khi nhiều app lậu được dùng thì app có bản quyền sẽ bị tụt hạng do thua thiệt về người dùng. Các nhà cung cấp trung gian như Google hay Apple lẫn những đơn vị nắm bản quyền sản phẩm ở nước ngoài sẽ đánh giá thấp thị trường app Việt Nam.

Luật sư PHAN VŨ TUẤNĐoàn Luật sư TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.