Bóng đá Việt Nam và sự khủng hoảng niềm tin - Bài cuối

Ai phá bóng đá Việt Nam?

Đến giờ, ông cựu Tổng Thư ký Trần Bảy vẫn khẳng định rằng vì quyền lợi riêng tư và cả quyền lợi nhóm mà hai ông phó chủ tịch VFF khi ấy đã chỉ đạo cho hai đội bóng dưới quyền mình tẩy chay, không tham dự giải sau khi bị đi chung kết ngược.

Đã nghỉ làm bóng đá rất lâu nhưng ông Trần Bảy vẫn theo dõi sát sao bóng đá nước nhà và ông đã ví von: “Tại sao các trường dạy lái xe bây giờ đa số dạy học viên mẹo để lái được xe ở Việt Nam. Họ không ngần ngại chỉ mánh “cướp đường” để giành quyền đi dù như thế là phạm luật. Họ cũng không ngần ngại chỉ các học viên cách “ứng xử” khi bị tuýt còi phải làm “động tác” gì trước khi trình bằng lái bởi đó là cách tiện nhất, phổ biến nhất và đỡ rắc rối nhất…

Bóng đá của ta hiện nay cũng thế. Các CLB biết cho tiền trọng tài là phạm luật và thậm chí là đi tù nhưng giờ họ biết nhờ vả và cho tiền tinh vi hơn. Những đội bóng to hơn, lớn hơn dưới trướng của ông bầu nhiều quyền lực hơn và có nhiều đội bóng hơn thì họ có cách khiển được các sếp to ở VFF hay trong ban tổ chức giải. Dư luận cứ đòi ông Mùi phải rời ghế nhưng không chịu hiểu ông Mùi cũng chỉ là công cụ của một nhóm. Ông Mùi lâu nay đâu có phân công mà là “cấp trên” của ông Mùi “lái” ông Mùi. Ông Mùi không nghe “cấp trên” thì ông Mùi bay ghế từ lâu rồi. Cũng chưa thấy bộ máy VFF nhiệm kỳ nào lạ như nhiệm kỳ VII. Ông chủ tịch ở miền Nam lấy cớ bệnh trao quyền cho ông phó chủ tịch chuyên môn ôm sẵn 15-17 chức danh, mà có chức nào ông ấy làm đâu. Đã thế còn chế ra danh xưng phó chủ tịch thường trực. Điều mà các đời FIFA lẫn AFC và từ điển bóng đá cũng chưa bao giờ có cái chức này. VFF mà còn phạm luật như thế thì làm sao trách được các bộ phận còn lại họ không loạn…”.

Ông Dương Nghiệp Khôi, người có gia đình truyền thống thể thao và giàu kinh nghiệm nhất trong ngôi nhà VFF mà đến giờ đã khẳng định “không chịu nổi” và xin rút khỏi bóng đá. Ảnh: CTV

Nhưng cũng cần hỏi vì sao Tổng cục TDTT là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp chịu trách nhiệm về hoạt động của VFF theo đúng với quy chế và điều lệ (đã được Bộ Nội vụ phê duyệt rồi mới trình lên FIFA và AFC), thế nhưng vì sao Tổng cục TDTT cứ để trôi các vấn đề ngoài tầm kiểm soát?

Gần đây, rất nhiều người chứng kiến trong cuộc ký kết hợp đồng tài trợ các giải vô địch Futsal, cự ly giữa Tổng cục TDTT và các quan chức VFF rất đông đủ và rất gần gũi. Điều đấy cho thấy ngôi nhà chung VFF dù bị dư luận lên án rất mạnh và chỉ ra hàng loạt cái sai nhưng với Tổng cục TDTT thì không sai (!?).

Đó cũng là lý do mà bầu Đức đang là phó chủ tịch VFF nhưng ông cảm thấy lo lắng với nhóm quyền lợi làm tổn hại và kéo lùi sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Ông khẳng định mình sẽ ra Hà Nội báo cáo toàn bộ sự việc đáng báo động đấy lên bộ trưởng Bộ VH-TT&DL và cả lên cấp cao hơn nữa.

Cũng cần biết năm 2012, trong “Hội thảo các ông bầu làm bóng đá” do chính báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, khi ấy ông Trần Tiến Anh là chủ tịch CLB Khánh Hòa đã nói thẳng trước mặt các quan chức VFF: “Bóng đá Việt Nam sa sút và tệ hại là do lỗi hệ thống từ chính những nhà điều hành bóng đá”. Ông Tiến Anh còn chỉ ra việc điều hành không minh bạch, chỉ đạo và bao che trọng tài nâng đỡ đội này, giết đội khác mà một doanh nghiệp đam mê và hết mình với bóng đá như Hòa Phát Hà Nội đã phải bỏ cả đội bóng sau khi chỉ đạo cả đội phải đá xong giải và không được bỏ ngang, rồi bỏ luôn cả một trung tâm đào tạo trẻ và thề không bao giờ quay lại với bóng đá nữa.

Bóng đá Việt Nam đang bị khủng hoảng niềm tin trầm trọng và đã đến lúc Bộ VH-TT&DL cũng cần phải có chỉ đạo chính thức cấp dưới của mình là Tổng cục TDTT vì sao cứ để các hoạt động bóng đá ở VFF đi trái với điều lệ và trái quy chế bóng đá. Điều mà lâu nay giới bóng đá vẫn cứ xem VFF và Tổng cục TDTT là một.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có bất lực?

Sau khi trúng cử ghế chủ tịch VFF, Chủ tịch Lê Hùng Dũng hứa sẽ mang về trên 300 tỉ đồng cho bóng đá Việt Nam và sẽ củng cố, kiện toàn bộ máy. Từ lời hứa đó, bầu Đức nhận lời làm phó cho ông Dũng nhưng đến nay thì bầu Đức thất vọng hoàn toàn bởi ông Dũng với lý do bệnh đã trao quyền cho Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn ôm đến 17 chức danh, trong đó có cả phụ trách bóng đá chuyên nghiệp và phụ trách trọng tài. Thế nhưng khi bóng đá chuyên nghiệp đi xuống và tệ hơn cả nghiệp dư, còn trọng tài thì là vấn nạn lớn thì trăm dâu lại đổ đầu trọng tài.

Bầu Đức từng chia sẻ: “Tôi đồng cảm với ông Dũng về tính vô tư, trong sáng, không vụ lợi nhưng buồn và tiếc cho ông Dũng bị bệnh, không có nhiều thời gian quán xuyến. Đặc biệt là khi ông Dũng giao quyền cho Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, để mặc cho ông này muốn làm gì thì làm khiến ngôi nhà VFF không phục vụ cho cái chung mà phục vụ cho một nhóm quyền lợi đang thao túng bóng đá nước nhà”.

CT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm