Ba quân sư thương mại giúp ông Trump đọ với Trung Quốc

Ngày 4-1, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chỉ định luật sư thương mại có xu hướng bảo thủ Robert Lighthizer làm lãnh đạo tương lai của phòng đại diện thương mại Mỹ. Với lựa chọn này, bộ sậu các “tư lệnh” lèo lái con thuyền thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã sắp hoàn tất.

“Chiến binh” trên bàn đàm phán

Ông Robert Lighthizer, 69 tuổi, nổi tiếng là cổ súy chủ nghĩa bảo hộ, chủ trương tăng thuế nhập khẩu. Ông nổi tiếng là một luật sư và chuyên gia đàm phán thương mại kỳ cựu, từng giữ vị trí phó phòng đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Nhiều đàm phán cắt giảm nhập khẩu thép vào Mỹ trong những năm 1980 đều có dấu ấn của ông. Sau khi rời khỏi chính phủ, Lighthizer tiếp tục đại diện cho nhiều gã khổng lồ công nghiệp mà nổi bật nhất là Tập đoàn thép Mỹ tìm cách kiềm chế nhập khẩu vào thị trường quốc nội.

Nhiều chuyên gia nhận định ông Trump lựa chọn Lighthizer là để tăng cường “cơ bắp” cho bộ sậu thương mại của mình. Nhiều người dày dạn kinh nghiệm trong ngành thương mại mô tả ông như một “chiến binh”. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, một cộng sự của Lighthizer mô tả: “Ông ấy rất thông minh, đầy toan tính chiến lược và hoàn toàn không biết sợ là gì. Chắc chắn ông ấy sẽ sử dụng mọi công cụ cho phép để tạo cho Mỹ lợi thế đàm phán với Trung Quốc. Không ai có thể lừa chúng ta được nữa”. Còn ông Bill Rock, người từng làm việc với Lighthizer dưới thời Tổng thống Reagan, cho rằng luật sư này là một người cực kỳ quyết liệt và “phù hợp với gần như toàn bộ các lập luận của Trump trong cuộc tranh cử”.

Đáng chú ý nhất, cựu phó phòng thương mại Mỹ cũng là một người chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, thường xuyên chỉ trích các chính sách thương mại “không công bằng” của Bắc Kinh đối với Mỹ. Vào năm 2011, ông từng cho rằng “sự thụ động và dễ dãi kéo dài nhiều năm trời trong bộ máy lập pháp” đã khiến cho thâm hụt thương mại Mỹ-Trung phình to và trở thành mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế Mỹ. “Thị trường sẽ không được cải thiện khi sản xuất dịch chuyển sang Trung Quốc nhờ có sự can thiệp của chính phủ” - ông Lighthizer chỉ trích trên tờ The Washington Times. “Để phát triển, giới lập pháp Mỹ phải có cách tiếp cận cứng rắn hơn khi giao thương với Trung Quốc”.

Những lựa chọn nhân sự của ông Trump khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại. Ảnh: REUTERS

Trang bìa của một tờ báo tại Bắc Kinh với hình ảnh ông Trump. Ảnh: APP

Xem Trung Quốc là rắc rối

Ngoài ông Lighthizer, hai nhân vật còn lại trong bộ sậu hỗ trợ ông Trump hoạch định và thực thi chính sách thương mại cũng đều có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ định là lãnh đạo Hội đồng cố vấn thương mại quốc gia - Peter Navarro có thể được so sánh như “bộ não” cho chính sách thương mại Mỹ-Trung sau này. Cũng tương tự như Lighthizer, nhà kinh tế học của ĐH California cũng là một nhân vật có lập trường rất “diều hâu” đối với Bắc Kinh, tờ The Guardian nhận định. Ông thậm chí còn từng mô tả các chính sách kinh tế của Trung Quốc là “thô bạo, thiếu đạo đức và gian dối”, chủ ý đẩy Mỹ vào tình thế bất lợi trên cán cân thương mại hai nước.

Vị chuyên gia 67 tuổi còn là tác giả của một loạt sách viết không mấy tốt đẹp về Trung Quốc. Nổi bật nhất là cuốn “Chết bởi Trung Quốc”, mô tả về các chính sách kinh tế giúp Bắc Kinh “chơi đểu” Washington trong các thỏa thuận thương mại. Ông Donald Trump cũng gọi cuốn sách “Những cuộc chiến sắp đến với Trung Quốc”, được ông Navarro cho xuất bản vào năm 2006 là quyển sách viết về Trung Quốc mà mình ưa thích nhất. Trong một bộ phim tài liệu phát sóng năm 2012, Navarro cáo buộc chính quyền Bắc Kinh là nguyên nhân kiến cho hơn 57.000 nhà máy tại Mỹ đóng cửa và hơn 25 triệu người bị mất việc làm. Ông lập luận rằng các chính trị gia của Mỹ cần phải “giải quyết vấn đề Trung Quốc quyết liệt hơn và thấu đáo hơn”, nếu không các bất đồng sẽ bùng nổ thành xung đột toàn diện.

Người cuối cùng trong êkíp thương mại của ông Trump là tỉ phú Wilbur Ross, được chỉ định kế nhiệm vị trí bộ trưởng Thương mại. Nhà đầu tư 79 tuổi, với gia sản đến 2,9 tỉ USD sau thuế, từng giúp ông Trump giữ được sòng bạc Taj Mahal vào những năm 1990. Ông này cũng có cùng quan điểm Mỹ cần ra đòn mạnh tay để trị Bắc Kinh. Cả Peter Navarro và Wilbur Ross cũng từng đứng tên chung trong bài viết trên CNBC mô hình như Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) hoặc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là “các thỏa thuận ngu ngốc” và không mang lại lợi ích cho Mỹ. Để đối phó Trung Quốc cũng như điều chỉnh lại chính sách thương mại Mỹ, hai tác giả nói: “Chúng ta cần một tay đàm phán cứng rắn như Trump”.

“Phối hợp nhịp nhàng với Wilbur Ross và Peter Navarro, ông Robert Lighthizer sẽ là một nhân vật có khả năng áp đảo trong các đàm phán thương mại” - Alan Wolff, cựu quan chức thương mại Mỹ, trả lời tờ The New York Times.

Chiến tranh thương mại gần kề?

Trả lời tờ South China Morning Post (SCMP), cựu thứ trưởng thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc lo ngại quan hệ kinh tế Mỹ-Trung chắc chắn không tránh khỏi sóng gió trước một bộ sậu “diều hâu” như vậy.

Việc ông Trump chỉ định ông Lighthizer làm phó phòng đại diện thương mại Mỹ đáng gióng lên hồi chuông cảnh báo Bắc Kinh về nguy cơ chiến tranh thương mại cận kề. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu nhận định việc ông Trump chỉ định ông Lighthizer làm phó phòng đại diện thương mại Mỹ gióng lên hồi chuông cảnh báo Bắc Kinh về nguy cơ chiến tranh thương mại. Tờ báo cũng cho rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump “đừng cố tìm cách bắt nạt” Trung Quốc. “Mong là những người Mỹ kiêu ngạo hãy sớm nhận thức rằng nước Mỹ cũng chỉ là một ngôi sao băng vụt sáng trên bầu trời của lịch sử mà thôi” - tờ Thời Báo Hoàn Cầu cảnh báo.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại ĐH Phúc Đán tại Thượng Hải cũng bày tỏ quan ngại: “Mọi người cần giữ bình tĩnh và để cho các cơ chế quốc tế như WTO giải quyết các vấn đề nảy sinh. Miễn Trung Quốc không vi phạm luật, chúng tôi không có gì phải sợ hãi trước thái độ cứng rắn của Mỹ”. Tuy nhiên, WTO cũng chính là một trong những thỏa thuận mà ông Trump cùng êkíp của mình chỉ trích, cho rằng cam kết này mở cửa thị trường Mỹ cho Trung Quốc xâm nhập và cạnh tranh không lành mạnh. Ông Trump cũng đã tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay ngày đầu nhậm chức.

 “Không còn nghi ngờ gì nữa, chính sách kinh tế dưới thời ông Trump sẽ mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa can thiệp nhiều hơn. Các chính sách của ông ấy chắc chắn sẽ cực kỳ khó khăn cho Trung Quốc” - Louis Kuijis - cựu chuyên viên cao cấp về kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá.

Điều gì sẽ xảy ra nếu có chiến tranh thương mại?

Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel năm 2008 Paul Krugman cảnh báo thế giới cần chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

“Trung Quốc sẽ có đòn đáp trả mạnh tay. Và nếu xét riêng về thương mại thì Mỹ cũng không còn là một siêu cường nữa. Trung Quốc giờ đây đã là một tay chơi lớn. Bên cạnh đó còn có cả Liên minh châu Âu (EU). Các bên sẽ đáp trả và nhắm vào những khu vực kinh tế dễ bị tổn thương của Mỹ, chẳng hạn như lắp ráp máy bay và nông nghiệp” - ông Krugman bình luận trên trang Post Bulletin.

Ông Krugman dự đoán cuộc chiến tranh thương mại trong tương lai sẽ tạo ra sự đứt gãy rất lớn trong các “chuỗi giá trị” của nền kinh tế thế giới. Những chuỗi giá trị này có quy mô toàn cầu, xuyên biên giới. Mỗi sản phẩm đều có các bộ phận được sản xuất tại nhiều quốc gia khác nhau. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến những mấu chốt trong các chuỗi này bị thiếu hụt trầm trọng. Khi đó các hoạt động sản xuất của Mỹ cũng sẽ trở thành người thua cuộc nặng nề nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm