Bật mí công nghệ giúp Tổng thống Obama ghi điểm ở Việt Nam

Sự kiện ông Obama ăn bún chả, tiếp xúc bắt tay với dân, đến thăm một ngôi chùa nhỏ nhưng đặc trưng ở Sài Gòn, hay như nói chuyện với cộng đồng doanh nhân trẻ khởi nghiệp, hỏi đáp với các bạn trẻ Việt Nam… để lại nhiều ấn tượng mạnh trong lòng công chúng và truyền thông.

Nhiều người gọi ông Obama là “soái ca”. Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn nhận định rằng việc tiếp xúc dân chúng như ở Việt Nam cũng được ông Obama hay các tổng thống Mỹ tiền nhiệm thực hiện ở các nước đang phát triển khác như Philippines, Ấn Độ, Indonesia...

Tuy nhiên, rất ít thấy các hình ảnh tương tự khi tổng thống Mỹ thăm Canada hay châu Âu.

Khác biệt văn hóa chính trị Đông-Tây

Lý giải về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng trong văn hóa chính trị Âu-Mỹ, việc tiếp xúc với người dân (như kiểu ông Obama tiếp xúc người dân Việt Nam) là điều bình thường như “cân đường, hộp sữa”.

Ở các nước Âu hay Mỹ, các chính trị gia làm việc này thường xuyên, ngay từ khi tranh cử chức nhỏ nhất như thị trưởng, rồi thống đốc, nghị sĩ Quốc hội liên bang và sau cùng là tổng thống. Ai không biết cách tiếp xúc với nhân dân thì đừng mơ tưởng trở thành chính trị gia.

Khi bầu cử, nhiều kỷ niệm mà nhiều người Mỹ có được như bắt tay, ăn và chụp ảnh cùng các ứng cử viên tổng thống sẽ trở thành những kỷ niệm có tính lịch sử, vì một trong số họ sau này sẽ trở thành tổng thống Mỹ và cử tri gần như không còn cơ hội làm điều tương tự.

“Do vậy, nếu ông Obama có làm những việc này ở các nước phát triển Âu-Mỹ cũng không tạo hiệu ứng truyền thông đáng kể vì ít ai quan tâm, mà họ sẽ tìm cách khai thác các mặt trái” - ông Hoàng Anh Tuấn lý giải.

Nếu nguyên thủ các nước khác (trừ nữ hoàng Anh là ngoại lệ) cố gắng tìm cách tiếp xúc dân chúng Mỹ như ông Obama làm ở phương Đông cũng không thể tạo ra hiệu ứng truyền thông đáng kể, chỉ đơn giản là người Mỹ không quan tâm. Như vậy, dường như đang tồn tại một khoảng cách rất xa và khó san lấp giữa văn hóa chính trị ở các nước đang phát triển với các nước Âu-Mỹ.

Ít có sự kiện quốc tế nào mà mạng xã hội lại phản ứng rầm rộ và tích cực như việc Tổng thống Obama đến ăn bún chả ở Hà Nội. Ảnh: AP

Các kịch bản công phu

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn bình luận rằng “ít có sự kiện quốc tế nào mà mạng xã hội lại phản ứng rầm rộ và tích cực như việc Tổng thống Obama đến ăn bún chả tại quán Lê Văn Hưu” sau khi đáp chuyên cơ đến Việt Nam.

Sự kiện ông Obama ăn bún chả là bình thường nhưng hơi lạ là ăn liền một lúc hai suất và lại ăn ngay sau bữa quốc yến. Người bình thường, kể cả “khỏe như Tây” cũng khó làm được như vậy. Dự báo bún chả Việt Nam sẽ lên ngôi trong các trang ẩm thực quốc tế, tương tự sự lên ngôi của phở sau khi được Tổng thống Mỹ Clinton thưởng thức trong chuyến thăm Hà Nội cuối năm 2000.

Phải thừa nhận rằng người Mỹ là bậc thầy của việc chuẩn bị những chuyến công du cho tổng thống với chi phí lên tới hàng triệu USD/ngày. Hình ảnh “lấp lánh hào quang” của tổng thống Mỹ được tô vẽ bởi trí tuệ tập thể.

Ngay như vấn đề sức khỏe trong các chuyến công du, một lực lượng y tế chuyên nghiệp phải tính toán chi tiết sức khỏe của tổng thống, các vấn đề ẩm thực, lệch múi giờ,… để đảm bảo “tổng thống luôn tươi cười” trong suốt hành trình công du. Đằng sau sự thể hiện của các tổng thống Mỹ là đủ loại chuyên gia, cố vấn... để tạo hình ảnh.

“Khá ấn tượng với kịch bản truyền thông làm rất kỹ lưỡng và bài bản (từ người lên kịch bản lẫn người thực hiện kịch bản), từ chi tiết ăn hai suất bún chả, nhặt nem rơi, tự thanh toán bằng tiền Việt, sắp đặt những người ăn ngồi xung quanh sao cho tự nhiên nhất có thể” - ông Tuấn chia sẻ.

Về những bài diễn văn gây cảm xúc mạnh của ông Obama, phải nhắc đến yếu tố công nghệ hiện đại. Rất nhiều người phải trầm trồ khi thấy ông Obama tay không bước lên bục diễn thuyết, sau đó trình bày một bài diễn thuyết dài rất ấn tượng nhưng tay không cầm giấy, trong đó có rất nhiều chi tiết vô cùng đắt giá về lịch sử Việt Nam (thơ, bài hát,…), về quan hệ Việt-Mỹ từ lịch sử đến các viễn cảnh tương lai.

Ông Obama phát biểu trơn tru, không va vấp, lại theo một logic vô cùng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ ấn tượng. Đó là nhờ có sự giúp sức không nhỏ của công nghệ speechview hay teleprompter (chiếc máy phóng đại chữ). Bên cạnh bục phát biểu có hai màn hình thủy tinh teleprompter trong suốt được đặt hai bên, được nối với máy tính có chữ được chạy theo tốc độ của ông Obama phát biểu.

Tất nhiên, ông Obama phải luyện tập rất kỹ để ăn khớp và chọn lọc những chi tiết thật sự đắt giá. Đó là lý do các tổng thống Mỹ diễn thuyết rất ấn tượng cho dù họ phải trình bày nhiều đề tài rất khác nhau, từ biến đổi khí hậu đến phòng chống HIV, từ năng lượng sạch đến an ninh lương thực, chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), xung đột biển Đông, quan hệ với Trung Quốc và Nga, vấn đề tạo công ăn việc làm...

Đây là những vấn đề đòi hỏi khối lượng kiến thức đồ sộ, phải nói các câu chuyện cụ thể chứ không thể nói chung chung.

Những cây bút chuyên nghiệp

Không thể phủ nhận là bản thân các chính trị gia Mỹ là những tay diễn thuyết cừ khôi, do khả năng bẩm sinh và do được rèn luyện. Từ lớp 3 trở lên muốn được làm lớp trưởng đã phải có kế hoạch, đại loại như tạo môi trường làm việc nhóm, giúp động viên các bạn không khóc nhè khi cha mẹ đón muộn...

Đến mùa bầu cử thì mỗi ứng cử viên chỉ chợp mắt 4-5 tiếng một ngày, ròng rã hơn một năm trời từ lúc bắt đầu tuyên bố tranh cử cho đến cuộc bỏ phiếu tổng thống vào tháng 11. Mỗi ngày di chuyển cả ngàn cây số, trình bày 2-3 bài diễn thuyết, thậm chí gõ cửa từng nhà để “xin phiếu”. Bản thân ông Obama là giáo sư luật, đặc trưng về thuyết phục công chúng.

Ngoài ra phải nhắc đến những người soạn thảo diễn văn cho tổng thống, vốn am hiểu tính cách, phong thái và hoàn cảnh của tổng thống. Jon Favreau, cựu phụ trách soạn thảo diễn văn của Nhà Trắng, đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình soạn diễn văn cho ông Obama.

Thứ nhất, tổng thống sẽ bắt đầu bài diễn văn bằng cách đối thoại. Không nên bắt đầu bài phát biểu một cách cứng nhắc. “Khi ngài tổng thống giành chiến thắng trong cuộc họp kín Iowa, nhiều người khuyên ông ấy nên mở đầu bằng một loạt lời cảm ơn. Nhưng tôi khuyên ông đừng. Cả thế giới đang nhìn ông nên ông cần một phần mở đầu ấn tượng, không được giả tạo hay rẻ tiền”.

Thứ hai, pha trộn vào bài phát biểu những câu chuyện cười. Sự hài hước một cách tự nhiên của người phát biểu sẽ thu hút hơn cả.

Thứ ba, người phát biểu nên kể chuyện cá nhân. Nếu tổng thống kể về một câu chuyện cá nhân, hãy làm cho nó chân thực hơn bằng cách nói về những thời điểm khó khăn và cách thức vượt qua.

Thứ tư, đương đầu bằng sự châm biếm. Chỉ trích trực tiếp đối thủ sẽ không mang lại hiệu quả. Đi đường vòng, cố gắng “vẽ ra sự tương phản”, báo chí sẽ bắt được ngay ý đồ của người nói. Cuối cùng, phải đẩy bài phát biểu càng lúc càng kịch tính hơn.

“Tôi giờ không còn là một ứng cử viên nữa. Tôi là tổng thống. Tôi hiểu rằng khi đẩy những thanh niên trẻ của nước Mỹ ra chiến trường tức là đang nắm giữ trong tay mình những người cha, người mẹ của các chiến sĩ không trở về” - ông Obama phát biểu tại hội nghị toàn quốc đảng Dân chủ vào năm 2012.

Ông Favreau cho biết câu trên lẽ ra phải đặt ở đầu bài phát biểu nhưng ông đã chuyển nó xuống phần kết thúc để tạo ra một khoảnh khắc kịch tính khiến mọi người tập trung lần nữa. Theo ông, để làm điều đó, để thu hút những tràng pháo tay giòn giã, hãy nói những câu như “Hãy nói to lên!”, “Mọi người hiểu chứ?”.

Tổng thống Mỹ cũng gặp “tai nạn nghề nghiệp”

Khi trở thành tổng thống, chỉ riêng đội ngũ phục vụ viết các bài diễn văn (khi tổng thống đến những quốc gia khác nhau) cũng lên tới 200 người, là các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, đôi khi tổng thống cũng gặp các sự cố.

Ngày 13-7-2009, một sự cố đã xảy ra trong khi Tổng thống Obama phát biểu về chủ đề kinh tế. Một miếng kính teleprompter bị rơi vỡ một cách bất ngờ khiến ông Obama ngập ngừng không thể nói tiếp trong vài ba phút. Nhà báo Sara Smith khi ấy phải thốt lên một cách hài hước rằng: “Miếng kính (teleprompter) đã bị vỡ rồi. Ai sẽ lãnh đạo nước Mỹ đây?”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm